Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 14:01
Thứ bảy, 04/05/2024 07:05
TMO - Quả bưởi tươi của Việt Nam muốn xuất khẩu sang thị trường Australia phải đáp ứng yêu cầu các biện pháp quản lý rủi ro an toàn sinh học đối với 19 loài sinh vật gây hại.
Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam) cho biết, Văn phòng SPS Việt Nam vừa nhận được thông báo từ Ban thư ký Ủy ban SPS/WTO số G/SPS/N/AUS/588 thông báo của Bộ Nông nghiệp, Thuỷ sản và Lâm nghiệp Australia về kết quả “Phân tích rủi ro nhập khẩu bưởi tươi từ Việt Nam”. Theo đó, việc nhập khẩu quả bưởi tươi được sản xuất từ Việt Nam có thể được phép nhập khẩu vào thị trường Australia nếu sản phẩm đáp ứng các điều kiện an toàn sinh học.
Quả bưởi tươi của Việt Nam phải đáp ứng yêu cầu các biện pháp quản lý rủi ro an toàn sinh học đối với 19 loài sinh vật gây hại, bao gồm: rầy cam quýt châu Á (Diaphorina citri), nhện giả (Brevipalpus phoenicis), ruồi đục quả khế (Bactrocera carambolae), ruồi đục quả ổi (Bactrocera correcta), ruồi đục quả phương Đông (Bactrocera dorsalis), ruồi đục quả đào (Bactrocera zonata), ruồi dưa (Zeugodacus cucurbitae), ruồi đục quả bí ngô (Zeugodacus tau), rệp sáp bột ca cao (Exallomochlus hispidus), rệp sáp bột cà phê (Planococcus lilacinus), rệp sáp (Rastrococcus pentagona), rệp sáp (Parlatoria cinerea), rệp sáp vẩy da giáp (Parlatoria ziziphi), rệp sáp vảy dâu tằm (Pseudaulacaspis pentagona), nhện đỏ cam quýt (Panonychus citri), nhện Kanzawa (Tetranychus kanzawai), bọ trĩ ớt (Scirtothrips dorsalis), bọ trĩ hành (Thrips tabaci), vi khuẩn bệnh thối nhũn trên cây có múi (Xanthomonas citri subsp. citri).
Quả bưởi tươi của Việt Nam muốn xuất khẩu sang thị trường Australia phải đáp ứng yêu cầu các biện pháp quản lý rủi ro an toàn sinh học đối với 19 loài sinh vật gây hại.
Đối với các loài rầy: vùng trồng, cơ sở đóng gói hoặc địa điểm sản xuất phải không nhiễm dịch hại; phải có phương pháp tiếp cận hệ thống có hiệu quả trong việc giảm thiểu rủi ro do loài rầy này gây ra trên quả bưởi và được Bộ NN&PTNT phê duyệt; có biện pháp xử lý quả bưởi tươi để chống rầy, khử trùng bằng methyl bromide.
Đối với các loài ruồi: Vùng trồng, cơ sở đóng gói hoặc địa điểm sản xuất phải không nhiễm dịch hại; có biện pháp xử lý quả bưởi tươi để chống ruồi đục quả như chiếu xạ. Đối với các loài nhện giả, rệp sáp, côn trùng có vảy, nhện đỏ và bọ trĩ: yêu cầu kiểm tra trực quan trước khi xuất khẩu và nếu phát hiện phải có biện pháp khắc phục. Đối với bệnh thối nhũn trên cây có múi: phải có phương pháp tiếp cận hệ thống có hiệu quả trong việc giảm thiểu nguy cơ mầm bệnh gây ra trên quả bưởi và được Bộ NN&PTNT phê duyệt.
Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn của Australia trong xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Với lợi thế cùng là thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, như: Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), cơ hội xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường này dự báo còn tiếp tục tăng trưởng.
Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), nhập khẩu các chủng loại quả như: xoài, nhãn, vải, thanh long... của Australia trong năm 2023 đạt 4,2 nghìn tấn, trị giá 14,5 triệu USD. Các loại quả này Australia nhập khẩu nhiều nhất từ Việt Nam, chiếm 50,6% tổng lượng nhập khẩu của Australia, đạt 2,1 nghìn tấn, trị giá 7,2 triệu USD, tăng 40,8% về lượng và tăng 41% về trị giá so với năm 2022.
Theo các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu nông sản, Australia là thị trường có các rào cản kỹ thuật, yêu cầu về nhãn mác, vệ sinh an toàn thực phẩm rất khắt khe, một số tiêu chuẩn còn cao hơn cả Mỹ và EU. Do đó, để khai thác hiệu quả thị trường trái cây Australia, Việt Nam cần tăng cường kiểm soát chất lượng vùng trồng, hoàn thiện hệ thống đăng ký, đánh giá cấp mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói, sơ chế, chế biến. Cùng đó là tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường cho nông sản nói chung và trái cây nói riêng xuất khẩu sang Australia.
Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ các công ty, doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu các thông tin về thị trường, tình hình thương mại đầu tư, đánh giá tiềm năng, môi trường đầu tư, kinh doanh tại Australia đối với các mặt hàng nông lâm, thuỷ sản. Ngoài ra, cũng cập nhật các chủ trương, chính sách, quy định mới của Australia đối với các loại nông sản nhập khẩu. Đồng thời hướng dẫn, khuyến nghị các doanh nghiệp những giải pháp để tiếp cận thị trường cũng như những lưu ý để doanh nghiệp phòng tránh tình trạng gian lận thương mại khi hoạt động kinh doanh tại Australia.
Lê Minh
Bình luận