Hotline: 0941068156
Thứ năm, 31/10/2024 21:10
Thứ năm, 31/10/2024 06:10
TMO - Đảm bảo an ninh nguồn nước là một trong những nhiệm vụ được hệ thống chính trị các cấp trên địa bàn tỉnh Điện Biên tập trung thực hiện. Những năm qua, tỉnh Điện Biên đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giải quyết những thách thức về suy giảm tài nguyên nước, ô nhiễm nguồn nước trong khu vực, đồng thời ứng phó, khắc phục tình trạng thiếu nước sản xuất nông nghiệp trong cao điểm mùa khô.
Đảm bảo an ninh nguồn nước trên địa bàn tỉnh Điện Biên là yếu tố quan trọng nhằm góp phần phát triển kinh tế, ổn định đời sống xã hội của địa phương. Ngoài ra, việc cấp nước an toàn cho người dân; bảo đảm về lượng nước, chất lượng nước là vấn đề thường nhật và cấp thiết.
Trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 9 hệ thống cấp nước sạch, an toàn, gồm TP. Điện Biên Phủ, TX. Mường Lay, huyện Tuần Giáo, huyện Tủa Chùa, huyện Mường Nhé, huyện Điện Biên, huyện Mường Ảng, huyện Mường Chà và huyện Điện Biên Đông với tổng công suất thiết kế là 31.100m3/ngày đêm. Hiện nay, ước tính nhu cầu nước trên địa bàn tỉnh khoảng 225,27tr.m3/năm.
Để bảo vệ tài nguyên nước, UBND tỉnh Điện Biên đã phê duyệt Quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Điện Biên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Trên cơ sở đó, đảm bảo được dòng chảy tối thiểu để duy trì hệ sinh thái trên sông theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đồng thời kiểm soát tình trạng ô nhiễm nguồn nước, việc sử dụng hóa chất độc hại trong sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản gây ô nhiễm nguồn nước và đa dạng sinh học. Thông qua Quy hoạch tài nguyên nước đã được phê duyệt để phân bổ, tài nguyên nước hài hòa, hợp lý giữa các ngành, các địa phương, ưu tiên sử dụng nước cho sinh hoạt, sử dụng nước mang lại hiệu quả kinh tế cao, bảo đảm dòng chảy môi trường. UBND tỉnh Điện Biên cũng đã ban hành các văn bản quy định của Luật Tài nguyên nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Các văn bản, quy định của Luật tài nguyên nước nhằm triển khai tới các tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác, sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả tài nguyên nước, bảo đảm việc khai thác nước không vượt quá giới hạn khai thác đối với các dòng sông, không vượt quá trữ lượng có thể khai thác đối với các tầng chứa nước, chú trọng các dòng chính trên các lưu vực sông lớn; thực hiện đồng bộ các biện pháp chống ô nhiễm nguồn nước mặt, ngăn chặn, xử lý tình trạng khai thác tài nguyên nước quá mức làm suy thoái, cạn kiệt nguồn nước.
Bảo vệ an ninh nguồn nước là yếu tố quan trọng góp phần phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Điện Biên. (Ảnh minh hoạ).
Kiểm sát chặt chẽ các hoạt động thăm dò nước dưới đất, các hoạt động xả thải vào nguồn nước, hạn chế việc sử dụng các loại hóa chất độc hại trong sản xuất nông nghiệp và thủy sản gây ô nhiễm nguồn nước. Tăng cường công tác, thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp về tài nguyên nước.
Đại diện Phòng Khoáng sản và Tài nguyên nước, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Điện Biên, cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2024 Sở tham mưu trình UBND tỉnh ban hành 01 Quyết định phê duyệt phương án cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước, 01 Quyết định công bố giá trị dòng chảy tối thiểu; 01 Quyết định phê duyệt vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; 01 Giấy phép khai thác sử dụng nước mặt. Cấp 01 Giấy phép thăm dò nước dưới đất cho đơn vị doanh nghiệp, Ban hành 01 Quyết định thành lập đoàn kiểm tra tới đơn vị quản lý, vận hành nhà máy thuỷ điện Pa Khoang.
Để đảm bảo an ninh nguồn nước và quản lý tài nguyên nước có hiệu quả, Sở Tài nguyên và Môi trường Điện Biên thực hiện kế hoạch đảm bảo an ninh nguồn nước cho các khu vực tập trung dân cư, nhất là nguồn nước sinh hoạt cho khu vực thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên. Rà soát, đôn đốc, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân về trình tự thủ tục xin cấp giấy phép hoạt động tài nguyên nước theo đúng quy định.
Đồng thời, triển khai thực hiện các chương trình, dự án Quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Điện Biên; Kiểm soát chặt chẽ tình trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước và hành nghề khoan nước dưới đất; việc cắm mốc hành lang bảo vệ hồ ngoài thực địa trước khi tích nước lòng hồ các hồ chứa thủy lợi, thủy điện. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tài nguyên nước, đặc biệt là ảnh hưởng của việc khai thác, sử dụng nước, xả thải chưa qua xử lý tới nguồn nước.
Đặc biệt, tiến hành rà soát, đôn đốc, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh dịch vụ có hoạt động khai thác, sử dụng nước xả nước thải vào nguồn nước thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về tài nguyên nước.
Tại Điện Biên, nước dùng cho sinh hoạt dịch vụ và du lịch, khu dân cư sử dụng khoảng 19,18trm3/năm. (Ảnh minh hoạ: TT).
Được biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh Điện Biên, khu vực khai thác nhiều nước tập trung ở vùng lòng chảo Điện Biên gồm thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên. Trong đó huyện Điện Biên có diện tích trồng lúa nước lớn nhất trong tỉnh nên có lượng nước sử dụng của huyện đạt 77,49tr.m3/năm chiếm 34,4% tổng lượng nước khai thác.
Bên cạnh đó, nước sử dụng trong nông nghiệp khoảng 204.45 trm3/năm (chiếm 90,0% tổng nước được sử dụng). Nước dùng cho sinh hoạt dịch vụ và du lịch, khu dân cư sử dụng khoảng 19,18trm3/năm. Còn hầu hết người dân nông thôn trong tỉnh sử dụng nguồn nước sinh hoạt với các hình thức công trình cấp nước đơn giản, chủ yếu là hệ thống tự chảy, mó nước, máng lần hoặc trực tiếp từ sông, suối…và đều không được xử lý.
Do đó, ngoài việc đảm bảo nguồn nước phục vụ hoạt động trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân thì nước để phục vụ nông nghiệp cũng được chú trọng. Tuy nhiên dưới tác động của biến đổi khí hậu đã làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nguồn nước trên các sông suối tại tỉnh Điện Biên.
Để bảo vệ an ninh an toàn nguồn nước, định kỳ hàng năm, Sở Tài Nguyên và Môi trường Điện Biên đã tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ an ninh nguồn nước, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn nước sạch phát hiện ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại nguồn nước, nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp về vai trò của nguồn nước sạch.
Đồng thời, tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát các hoạt động liên quan đến tài nguyên nước như xả thải, quản lý sau cấp phép đối với các tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm xâm hại nguồn nước…nhằm bảo vệ tài nguyên nước và nâng cao vai trò, nhận thức của người dân, các cơ sở, đơn vị thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật của nhà nước về bảo vệ tài nguyên nước.
Tuyết Mai
Bình luận