Hotline: 0941068156
Thứ tư, 04/12/2024 15:12
Thứ hai, 18/03/2024 07:03
TMO - Với những tiềm năng, lợi thế to lớn, ngành du lịch Điện Biên có nhiều cơ hội tăng trưởng, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Điện Biên đã và đang trở thành điểm du lịch hấp dẫn của khu vực Tây Bắc và cả nước; là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Với vị trí địa đầu Tây Bắc của Tổ quốc, Điện Biên có thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng; lịch sử hào hùng, văn hóa đặc sắc, khí hậu trong lành, là nơi hội tụ tinh hoa của vùng Tây Bắc. Đây là tiềm năng, thế mạnh quan trọng giúp Điện Biên vươn lên mạnh mẽ, bứt phá trong phát triển du lịch với nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc, đặc biệt trên các lĩnh vực như du lịch lịch sử - tâm linh; du lịch văn hóa; du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe…
Về du lịch lịch sử - tâm linh, Chiến thắng Điện Biên Phủ hào hùng đã để lại cho Điện Biên một quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ với 45 di tích thành phần, với các di tích nổi bật như Đồi A1, cầu Mường Thanh, Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, Hầm De Castries, Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ... Những điểm đến này hàng năm thu hút đông đảo du khách tham quan.
Cùng với đó là các công trình: Đền thờ Liệt sỹ tại Chiến trường Điện Biên Phủ, Khu tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Sở Chỉ huy chiến dịch Mường Phăng, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Đền Hoàng Công Chất, các Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia A1, Him Lam, Độc Lập, Tông Khao...Đây đều là những yếu tố thuận lợi để Điện Biên khai thác sản phẩm du lịch lịch sử - tâm linh.
Du khách tham quan những di tích trong Chiến thắng Điện Biên Phủ hào hùng.
Đối với các sản phẩm du lịch văn hóa, tính đến hết năm 2023, Điện Biên có 33 di tích văn hóa vật thể được xếp hạng (trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 14 di tích cấp quốc gia, 18 di tích cấp tỉnh). Bên cạnh đó, Điện Biên còn có 18 di sản văn hóa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó 2 di sản được UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (Di sản nghệ thuật Xòe Thái và Di sản thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam).
Ngoài ra, tỉnh Điện Biên còn có thế mạnh phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, ẩm thực, du lịch khám phá... Là vùng đất có 19 dân tộc anh em, với nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, hấp dẫn về phong tục, tập quán, sản xuất, sinh hoạt, tín ngưỡng, các lễ hội truyền thống của Điện Biên hiện đang được bảo tồn, tôn vinh, phát triển, trở thành nét văn hóa đặc trưng như: Lễ hội Hoa Ban, Lễ hội Thành Bản Phủ...
Địa phương này cũng nổi tiếng với các danh thắng, hang động đẹp, như: Hồ Pá Khoang, hồ Huổi Phạ, động Pa Thơm, động Khó Chua La, động Pê Răng Ky, khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, các điểm nước khoáng nóng: U Va và Hua Pe, cảnh quan lòng hồ Thủy điện Sơn La, đèo Pha Đin - một trong tứ đại đỉnh đèo nổi tiếng, hấp dẫn của vùng Tây Bắc; cao nguyên đá Tủa Chùa, A Pa Chải - ngã ba biên giới, điểm cực Tây của Tổ quốc... Với những tiềm năng, lợi thế riêng có đó, ngành du lịch Điện Biên có nhiều cơ hội phát triển bền vững. Địa phương đã và đang trở thành điểm du lịch hấp dẫn của khu vực Tây Bắc và cả nước; là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua cho thấy, Điện Biên vẫn đang vướng những “điểm nghẽn” lớn khiến những tiềm năng về du lịch của Điện Biên chưa được khai thác đúng giá trị và lợi thế. Khảo sát từ thực tế phát triển du lịch văn hóa, lịch sử tại đây, các chuyên gia du lịch cho rằng, Điện Biên gặp một số hạn chế, điểm nghẽn cần tháo gỡ như: công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiếu đồng bộ và chưa bền vững; kiến trúc, ngôn ngữ, trang phục truyền thống, phong tục các dân tộc thiểu số đang có xu hướng bị mai một. Công tác quảng bá, giới thiệu giá trị văn hóa, lịch sử của Điện Biên đến bạn bè trong nước và quốc tế chưa tương xứng…
Nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch, Điện Biên đã và đang tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, từng bước tháo gỡ các “nút thắt” để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế, trong đó có du lịch bền vững. Chủ tịch HĐND tỉnh Điện Biên cho biết, tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 7.5.2021 về phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 dựa trên cơ sở khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của ba trụ cột chính, là du lịch lịch sử - tâm linh; du lịch bản sắc văn hóa dân tộc, khám phá cảnh quan thiên nhiên và du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe.
Thực hiện “Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt chiến trường Điện Biên Phủ đến năm 2030”, Điện Biên đã đầu tư xây dựng hoàn thành Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Bức tranh Panorama, Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ, cải tạo, sửa chữa khu thờ tự Đại tướng Võ Nguyên Giáp... Tỉnh đang tiếp tục thực hiện bảo tồn, tôn tạo các điểm di tích, trọng tâm là di tích Trung tâm Đề kháng Him Lam, Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ giai đoạn 2... Đồng thời, đề xuất, Chính phủ xem xét, cho chủ trương xây dựng Khu căn cứ chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng thành Khu Di tích lịch sử - Du lịch Mường Phăng để phát huy giá trị di tích lịch sử Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Thời gian tới, tỉnh Điện Biên tiếp tục phát huy lợi thế thúc đẩy du lịch phát triển bền vững.
Tại Hội thảo khoa học quốc gia "Điện Biên phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch bền vững", Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà quản lý tập trung làm rõ tài nguyên, tiềm năng, lợi thế, thách thức đối với du lịch của Việt Nam và Điện Biên. Các giải pháp, nhiệm vụ tạo ra sự đột phá về sản phẩm chiến lược, mũi nhọn thể hiện được tính độc đáo, riêng biệt của du lịch Điện Biên trên thị trường du lịch. Điện Biên cần thu hút, mời gọi những nhà đầu tư, nhà thiết kế, tư vấn, lập quy hoạch, sắp xếp những tài nguyên du lịch còn tản mạn, phát lộ vẻ đẹp tiềm ẩn, tạo ra sự hấp dẫn, khác biệt", cùng với các giá trị văn hoá, tự nhiên, chiến thắng Điện Biên Phủ là lợi thế rất lớn để quảng bá trên bản đồ du lịch thế giới bằng công nghệ số, chuyển đổi số…
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng nhấn mạnh, Điện Biên cần tư duy phát triển du lịch song song với bảo tồn các giá trị văn hóa, gắn với tôn trọng giá trị tự nhiên, thân thiện, hài hòa. Đặc biệt cần giúp đồng bào các dân tộc nhận thức rõ ý nghĩa, lợi ích kinh tế của việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, phát triển du lịch cộng đồng…
Lãnh đạo UBND tỉnh Điện Biên cho biết, trong thời gian tới, tỉnh Điện Biên quyết tâm triển khai cụ thể hóa, một số nội dung trọng tâm. Trong đó, triển khai đồng bộ, quán triệt nghiêm túc Quyết định số 109/QĐ- TTg ngày 27.1.2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; bao gồm “Phương án phát triển du lịch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” và cần có kế hoạch, giải pháp đồng bộ, đảm bảo sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị với sự tham gia tích cực của doanh nghiệp, người dân theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả. Phát triển du lịch phải theo hướng bền vững về tài nguyên, môi trường và văn hoá – xã hội; cần giảm thiểu tới mức thấp nhất về ô nhiễm môi trường trong hoạt động du lịch.
Triển khai hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân trong phát triển du lịch bền vững. Cần lồng ghép việc nâng cao nhận thức cho cộng đồng về phát triển du lịch vào các chương trình, dự án. Nâng cao hiểu biết cho cộng đồng dân cư địa phương và khách du lịch trong việc bảo tồn, tôn tạo phát triển các tài nguyên du lịch. Đặc biệt, chú trọng bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Trên cơ sở những tiềm năng vốn có và xu hướng của thị trường phải chú trọng việc xây dựng thương hiệu du lịch của địa phương với các loại hình du lịch lịch sử, tâm linh kết hợp du lịch sinh thái, khám phá, du lịch cộng đồng nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách và tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương; quan tâm giữ gìn, phát triển các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống.
Để có tiền đề phát triển và thực sự trở thành “ngành công nghiệp không khói”, biến du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Điện Biên sẽ đầu tư hơn nữa cho cơ sở hạ tầng du lịch, gắn kết lại giữa các điểm, các tuyến du lịch ... Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất (nâng cấp và xây thêm nhà nghỉ, khách sạn, các khu resort, nơi vui chơi giải trí, các nhà hàng phục vụ ăn uống...), trước mắt chú trọng việc tạo cầu nối liên kết chặt chẽ hơn với các doanh nghiệp vừa và nhỏ kinh doanh, hoạt động trong lĩnh vực du lịch tại Hà Nội, TP.HCM...
Năm 2023, tỉnh Điện Biên lần đầu tiên vượt mốc 1 triệu lượt du khách, tăng gần 25% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 107% kế hoạch năm; trong đó du khách quốc tế đạt 7.500 lượt. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt hơn 1.700 tỷ đồng, tăng gần 27% so với cùng kỳ năm 2022; số ngày lưu trú bình quân của du khách cũng tăng lên ước đạt gần 3 ngày. Việc cán mốc 1 triệu khách du lịch và tổ chức nhiều hoạt động quảng bá vào những tháng cuối năm 2023 như: Tuần văn hóa, du lịch Điện Biên tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… đã tạo đà tăng trưởng vững chắc cho ngành du lịch trong Năm du lịch quốc gia - Điện Biên 2024.
Minh Đức
Bình luận