Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 06:01
Thứ sáu, 22/04/2022 07:04
TMO - Nhằm chủ động giảm thiệt hại từ thiên tai bất thường gây ra, tỉnh Quảng Trị cần xây dựng các giải pháp căn cơ, thực hiện có hiệu quả trước diễn biến khó lường của tình hình mưa lũ trong thời gian tới.
Từ ngày 31/3 đến ngày 2/4 mưa lũ tại Quảng Trị đã khiến 1 người chết 820 ngôi nhà bị ngập; hơn 11.600 ha lúa bị ngập úng, đổ rạp, nguy cơ mất trắng; gần 3.100 ha ngô, hơn 2.100 ha hoa màu bị đổ ngã, hư hại, hàng trăm ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại... Tổng mức thiệt hại do mưa lũ gây ra ước tính gần 800 tỷ đồng.
Đợt mưa vừa qua khiến hơn 800 ngôi nhà tại Quảng Trị ngập trong nước
Thiệt hại do đợt mưa lũ trái mùa vừa qua đã ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu nhập, nguy cơ thiếu lương thực của các hộ gia đình nằm trong vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai, trước mắt là nguồn giống cho sản xuất vụ Hè Thu sớm và Thu Đông tại Quảng Trị. Ngoài ra nhiều hộ gia đình có khả năng thiếu lương thực trong những tháng tới, nguy cơ bất ổn định xã hội ở các địa phương vừa chịu ảnh hưởng có thể xảy ra.
Nhiều diện tích hoa màu bị ngập úng, hư hỏng nặng
Để giúp người dân sớm khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống, khôi phục khẩn cấp sau mưa lũ, tỉnh Quảng Trị đưa ra các giải pháp, trước mắt tỉnh tập trung khôi phục hơn 3.400ha cây trồng bị ảnh hưởng do thiên tai có khả năng phục hồi, vệ sinh, xử lý đồng ruộng hơn 12.000ha cây trồng bị hư hại, không thể khôi phục được để tổ chức sản xuất vụ Hè Thu 2022. Tổ chức sản xuất hơn 3.700ha cây trồng cạn vụ Hè Thu sớm trên diện tích cây trồng cạn bị thiệt hại.
Thông tin từ UBND tỉnh Quảng Trị, giải pháp trước mắt là cần khẩn trương hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi, vật tư, phân bón, hóa chất... để người dân ổn định sau thiên tai, tỉnh sẽ có chính sách hỗ trợ một phần để người dân các địa phương tái sản xuất kịp thời vụ.
Tuy nhiên để đáp ứng đủ số lượng giống cho mùa vụ, tỉnh sẽ đề nghị trung ương có chính sách hỗ trợ bổ sung, cùng với đó Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị cần sớm ban hành lịch thời vụ phù hợp với từng vùng, từng loại giống trong giai đoạn hiện nay
Nhằm đưa ra giải pháp hiệu quả, tỉnh kiến nghị trung ương tiếp tục hỗ trợ kinh phí khắc phục các công trình thủy lợi hư hỏng do thiên tai từ 2020 đến nay. Đồng thời, phối hợp với tỉnh Thừa thiên Huế nghiên cứu giải pháp chống lũ thượng nguồn sông Ô Lâu, nghiên cứu thêm giải pháp tiêu thoát lũ chủ động của tỉnh Quảng Trị tại các khu vực thấp trũng... Tổng kinh phí thực hiện phương án khắc phục hơn 111,7 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương hơn 36,7 đồng.
Người dân Quảng Trị thực hiện đắp đê ngăn lũ trên diện tích lúa
Ngoài ra, các địa phương cần tổ chức giám sát môi trường nước thải sinh hoạt để kịp thời khuyến cáo người dân về chất lượng nước, đảm bảo khôi phục sản xuất lớn nhất có thể. Rà soát lại quy hoạch vùng nuôi tập trung và nâng cấp cơ sở hạ tầng, đảm bảo phòng tránh lũ trái mùa, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất khi có thiên tai xảy ra...
Hiện mực nước tại các hồ chứa đang cao hơn 30% dung tích vụ Hè Thu mọi năm, vì vậy, để đảm bảo sản xuất lương thực cho năm 2022, tỉnh đã đề nghị các địa phương mở rộng sản xuất diện tích lúa ở vùng đảm bảo điều kiện tưới, đặc biệt là các vùng đất lúa thường bỏ hoang với diện tích khoảng 500ha. Quy hoạch vùng sản xuất đủ điều kiện để tổ chức sản xuất cây trồng vụ Thu Đông và vụ Đông nhằm nâng cao giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích và chủ động trong việc cung ứng sản phẩm phục vụ tiêu dùng tại địa phương.
UBND tỉnh cũng đề nghị Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh cùng ngành nông nghiệp tham mưu để tỉnh kiến nghị Ngân hàng Trung ương có chính sách khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho người dân trong điều kiện khó khăn do thiên tai, dịch bệnh.
Yến Linh
Bình luận