Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 18:11
Thứ năm, 21/12/2023 07:12
TMO - Trước thực tế nhiều dự án điện khí LNG đã triển khai, chuẩn bị đầu tư lại vướng về quy hoạch, thủ tục, Bộ Công Thương đề nghị các địa phương sớm tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư, thúc đẩy tiến độ các dự án trên.
Theo Quy hoạch điện VIII đến năm 2030, nguồn nhiệt điện khí phải đầu tư mới trên 30.420 MW, trong đó 75% là điện khí LNG (22.824 MW). Tới 2030 sẽ có 13 dự án điện khí LNG được phát triển, song hiện mới có một dự án là nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4, tổng công suất 1.500 MW đang thi công, dự kiến vận hành cuối năm sau và giữa 2025. Như vậy, để đạt mục tiêu tại Quy hoạch điện VIII, Việt Nam cần phát triển khoảng 22.500 MW điện khí 7 năm tới.
Tuy nhiên, việc phát triển loại nguồn điện này gặp nhiều thách thức khi đầu tư, triển khai các dự án. Chẳng hạn, dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 gặp vướng mắc liên quan giải phóng mặt bằng các tuyến đường dây đấu nối để giải tỏa công suất; giải phóng mặt bằng và hợp đồng thuê đất của dự án do địa phương chưa xác nhận hoàn thành công tác bồi thường với Tổng công ty Tín Nghĩa.
Dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 đặt tại xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai là dự án nhiệt điện sử dụng nhiên liệu khí LNG nhập khẩu đầu tiên và hiện đại nhất Việt Nam thời điểm hiện nay. Ảnh: HC.
Hay dự án Nhà máy điện LNG Hiệp Phước giai đoạn 1 vướng do UBND TP HCM chưa cho lập các đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000, quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu đất dự án và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư dự án. Tương tự, dự án LNG Hải Lăng (Quảng Trị) gặp khó khăn vì liên quan đến điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, quy hoạch 1/500 của dự án. Còn dự án LNG Quảng Ninh vướng mắc liên quan tới các thủ tục điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch 1/500 dự án.
Trước những khó khăn từ phía địa phương, Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tạo điều kiện và kịp thời giải quyết các vướng mắc theo thẩm quyền để các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án LNG. Bộ Công Thương cũng đề nghị các địa phương đôn đốc, giám sát các chủ đầu tư thực hiện dự án đúng tiến độ và xử lý nghiêm dự án chậm theo quy định về đầu tư. Với dự án chưa có chủ đầu tư, các tỉnh cần sớm hoàn thiện điều kiện, thủ tục cần thiết để chọn chủ đầu tư đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án. Bộ Công Thương cũng đề nghị các địa phương đôn đốc, giám sát các chủ đầu tư thực hiện dự án đúng tiến độ, và xử lý nghiêm dự án chậm theo quy định về đầu tư. Với dự án chưa có chủ đầu tư, các tỉnh cần sớm hoàn thiện điều kiện, thủ tục cần thiết để chọn chủ đầu tư đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án.
Phát triển điện khí là phù hợp với chủ trương của Việt Nam trong Quy hoạch điện VIII để đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống và giảm phát thải khí nhà kính ra môi trường; bù đắp thiếu hụt năng lượng cho hệ thống và đảm bảo đa dạng nguồn cung cấp nhiên liệu; là nguồn dự phòng khi tỷ trọng của các nguồn điện năng lượng tái tạo tăng cao trong cơ cấu nguồn, đảm bảo ổn định cung cấp điện cho hệ thống. Phát triển mạnh mẽ nhiệt điện khí LNG trong tương lai chắc chắn sẽ giúp ngành điện phát triển xanh hơn và hạn chế sự phụ thuộc vào các nhà máy nhiệt điện than vốn chiếm tỉ lệ khá cao trong hệ thống hiện nay.
Việc phát triển điện khí là hướng đi tất yếu và có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm cung cấp điện cho nền kinh tế và thúc đẩy chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn, vướng mắc về quy hoạch, thủ tục, phát triển điện khí LNG tại Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức. Trong đó, Việt Nam không chủ động được nguồn cấp khí hóa lỏng, hoàn toàn phải nhập khẩu loại nhiên liệu này. Trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi khó lường, giá nhiên liệu khí hóa lỏng biến động thất thường và thường chiếm tỷ lệ từ 70-80% giá thành, việc xây dựng cơ chế giá phù hợp để thích nghi với những thay đổi giá nhiên liệu mà không tác động quá lớn tới giá bán lẻ điện là thách thức rất lớn với Việt Nam.
Việc triển khai các dự án điện khí vẫn đang gặp nhiều khó khăn như: vướng mắc trong đàm phán giá điện do bên mua là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tính toán giá mua đang cao hơn giá bán lẻ điện bình quân bán ra; chưa ban hành khung giá phát điện cho các nhà máy điện khí hóa lỏng; khung pháp lý cho các dự án khí hóa lỏng chưa hoàn thiện; khó thu xếp vốn cho dự án khí hóa lỏng…Trong khi đó, từ nay đến năm 2030 chỉ còn 7 năm nữa để các dự án khí hóa lỏng triển khai và đi vào vận hành. Nếu không nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc thì việc triển khai các dự án khí hóa lỏng sẽ gặp trở ngại lớn, đồng thời sẽ ảnh hưởng đến bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Các dự án điện khí LNG có công nghệ tiên tiến, vốn đầu tư lớn nên đòi hỏi nhà đầu tư cần có kinh nghiệm và năng lực tài chính. Bên cạnh đó, các cơ quan có thẩm quyền chưa có đủ kinh nghiệm về lĩnh vực này nên có thể sẽ ảnh hưởng tới tiến độ và chất lượng lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án. Cơ chế giá điện sử dụng nhiên liệu LNG chưa có quy định đầy đủ. Vấn đề kho chứa cũng là thách thức lớn. Hiện nước ta mới chỉ có duy nhất 1 kho được xây dựng đưa vào vận hành tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngoài ra, còn nhiều kho chứa LNG đang trong giai đoạn lập kế hoạch trên toàn quốc. Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong phát triển các chuỗi dự án điện - khí LNG, cũng như xây dựng, vận hành các dự án kho cảng LNG và tham gia vào thị trường LNG trên thế giới.
Theo Quy hoạch điện VIII thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng công suất đặt nguồn điện đến 2030 là 150,489 GW (gần gấp đôi tổng công suất đặt hiện nay, khoảng 80 GW). Trong đó, các nguồn điện khí là 30.424 MW; điện gió ngoài khơi khoảng 6.000 MW. Đây là 2 nguồn điện quan trọng, chiếm tới 46% tổng công suất tăng thêm và phải triển khai từ nay đến năm 2030. Tuy nhiên việc triển khai đang gặp nhiều khó khăn vướng mắc, cần sớm có giải pháp tháo gỡ.
Bộ Công Thương nhấn mạnh đến 3 vướng mắc chính liên quan đến điện khí gồm cơ chế bao tiêu sản lượng điện tối thiểu; cam kết giá khí; mua khí hóa lỏng dài hạn. Các Bộ, ngành liên quan đều thống nhất cho rằng các dự án điện khí, điện gió có vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp điện, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, quốc phòng an ninh. Tuy nhiên việc triển khai đang gặp khó khăn.
Do vậy cần sớm sớm rà soát, có văn bản báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét quyết định theo hướng “cơ chế đặc thù” cho các loại nguồn điện này. Các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần có cơ chế đặc thù cho phát triển điện khí LNG tại Việt Nam để đáp ứng tiến độ đặt ra cho các dự án điện khí LNG. Các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia cũng cần sớm ban hành để có cơ sở áp dụng, thực hiện.
Đức Tuấn
Bình luận