Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 18:11
Thứ ba, 26/07/2022 15:07
TMO - Trong 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu tôm sang thị trường Trung Quốc tăng 84%, xuất khẩu cá tra sang thị trường này cũng tăng 107% so với cùng kỳ. Cùng với chính sách nới lỏng trong quy định chống dịch với hàng thủy sản, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường này được dự báo là sẽ tăng trưởng ổn định.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, xuất khẩu tôm sang thị trường Trung Quốc trong tháng 6 đạt gần 58 triệu USD. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt gần 333 triệu USD tăng 84%. Đối với mặt hàng cá tra, 6 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc - Hồng Kông đạt 427,6 triệu USD, tăng 107% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 6 tháng đầu năm, Trung Quốc siết chặt các biện pháp kiểm tra virus SARS-CoV-2 với hàng thực phẩm nhập khẩu, trong đó có cá thịt trắng. Mặc dù vậy, theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, quý I/2022, tổng giá trị nhập khẩu cá thịt trắng của nước này đạt 452,7 triệu USD, tăng 151% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhập khẩu cá minh thái từ Nga đạt hơn 250 triệu USD, tăng 250%; nhập khẩu cá tra, cá thịt trắng từ Việt Nam đạt 125 triệu USD, tăng 143%.
Ảnh minh họa
Nhưng trong tháng 6/2022, Hải quan Trung Quốc đã 4 lần thông báo hạn chế nhập khẩu thuỷ sản Nga do phát hiện SARS-CoV-2 trên bao bì cá tuyết Thái Bình Dương đông lạnh. Đến tháng 5/2022, cơ quan kiểm dịch Trung Quốc đã phát hiện coronavirus trong các sản phẩm thuỷ sản do hơn 30 tàu cá Nga cung cấp cho Trung Quốc, cũng như khoảng 20 kho hàng ở Nga.
Cho tới thời điểm này, vẫn chưa có dữ liệu nhập khẩu cá thịt trắng chính thức từ Hải quan Trung Quốc nhưng chắc chắn, khối lượng và giá trị nhập khẩu sản phẩm cá thịt trắng từ Nga giảm sẽ giảm mạnh so với quý I. Cảnh báo trên cũng là lưu ý giúp các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam chú trọng trong việc đảm bảo chất lượng mặt hàng xuất khẩu.
Mới đây, Hải quan Trung Quốc thông báo, dỡ bỏ kiểm tra trực tiếp hàng thủy sản nhập khẩu. Theo đó, từ tháng 7, nếu doanh nghiệp xuất thủy sản vào Trung Quốc có hàng bị nhiễm Covid-19 không còn bị đình chỉ nhập khẩu. Trước đó, hàng chục doanh nghiệp thủy sản Việt, bao gồm cả cá tra và tôm, đều bị tạm ngưng khi có lô hàng kiểm tra dính Covid-19. Trong đó, có doanh nghiệp bị dừng xuất 1-3 tháng do số lượng container nhiễm lớn.
Các chuyên gia tại VASEP dự báo, sau khi Trung Quốc xóa bỏ chính sách nêu trên, xuất khẩu cá tra của Việt Nam vào thị trường này sẽ tăng mạnh vào nửa cuối năm. Cùng với thủy sản, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam cũng đã bắt đầu nhận nhiều tín hiệu tích cực từ thị trường Trung Quốc
Hiện nay, xuất khẩu cá tra đông lạnh Việt Nam sang Trung Quốc vẫn duy trì mức tăng trưởng hai con số so với cùng kỳ năm trước. Số lượng doanh nghiệp cá tra tham gia xuất khẩu sang Trung Quốc - Hồng Kông cũng đông nhất lên tới 185 đơn vị. Điều này cho thấy sức hút của thị trường này với các doanh nghiệp cá tra Việt Nam trong nửa đầu năm nay.
Về xu hướng, thị trường Trung Quốc tiếp tục bị chi phối bởi dịch Covid-19 khiến nhập khẩu thủy sản bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, về lâu dài thủy sản nhập khẩu của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trưởng.
Trong đó, loại thủy sản phổ biến là tôm sẽ được tiêu thụ nhiều hơn trong các hộ gia đình (nguồn cung tôm từ Trung Quốc giảm trong 3 năm qua do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19). Các loài thủy sản nhập khẩu mà người tiêu dùng Trung Quốc ưa thích và có khối lượng nhập khẩu lớn là tôm, cá hố, mực ống, cá tra, cá hồi...
Trung Quốc vẫn là thị trường có nhu cầu tiêu thụ mạnh thủy sản, tuy nhiên, thị trường này cũng thay đổi thường xuyên những quy định về nhập khẩu. Đưa ra khuyến nghị, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp cần nghiêm túc nhận thức đúng mức độ quan trọng của công tác kiểm soát ATTP, an toàn dịch bệnh trong quá trình sản xuất, xuất khẩu.
Thanh Nga
Bình luận