Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 04:11
Thứ ba, 08/10/2024 13:10
TMO - Đẩy mạnh ứng dụng viễn thám trong quản lý, giám sát tài nguyên là giải pháp tối ưu phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh. Không những thế, công nghệ viễn thám còn là công cụ hỗ trợ đắc lực trong việc quản lý, giám sát nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Với sự phát triển của khoa học, công nghệ viễn thám đã và đang trở thành công nghệ ứng dụng phục vụ đa ngành, đa lĩnh vực, là một trong các hướng đi chủ đạo nhằm phục vụ quản lý tài nguyên thiên nhiên và giám sát môi trường thống nhất trên phạm vi toàn quốc. Giám sát tài nguyên môi trường là một hướng đi chính của công nghệ viễn thám tại Việt Nam.
Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 1/2/2019. Sau hơn 5 năm triển khai, hệ thống quản lý nhà nước về viễn thám đã được hình thành, tạo hành lang pháp lý và định hình không gian phát triển dài hạn cho lĩnh vực viễn thám.
Lãnh đạo Cục Viễn thám quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) thông tin, Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 xác định 6 nhiệm vụ giải pháp và 9 chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ ưu tiên đầu tư. Chiến lược có phạm vi và đối tượng triển khai rộng trong nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong tổng thể các chiến lược phát triển chung của ngành Tài nguyên và Môi trường, ngành khoa học công nghệ và lĩnh vực không gian vũ trụ.
Qua hơn 5 năm triển khai, Chiến lược đã tác động thay đổi nhận thức, hành động của cơ quan quản lý cũng như các cơ quan, tổ chức có liên quan trong thúc đẩy phát triển ứng dụng viễn thám. Các tổ chức quản lý nhà nước về viễn thám từ Trung ương tới địa phương được hình thành. Cơ quan quản lý nhà nước về viễn thám ở trung ương là Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan thực thi là Cục Viễn thám quốc gia. Tại các địa phương là các Sở Tài nguyên và Môi trường.
Về kết quả, bước đầu Việt Nam đã làm chủ được công nghệ chế tạo, tích hợp vệ tinh viễn thám. Các chuyên gia, nhà khoa học trong nước với sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài đã nghiên cứu chế tạo thành công các vệ tinh nhỏ và siêu nhỏ, điển hình là đưa lên quy đạo các vệ tinh MicroDragon và NanoDragon.
Hạ tầng kỹ thuật về viễn thám được hình thành đầy đủ từ vệ tinh viễn thám, trạm điều khiển vệ tinh, trạm thu nhận dữ liệu viễn thám, cơ sở dữ liệu viễn thám. Các trạm thu nhận dữ liệu ảnh viễn thám có thể đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng trong nước, từ dữ liệu độ phân giải trung bình và thấp phục vụ cho mục đích nghiên cứu khí hậu, thiên tai đến các dữ liệu ảnh viễn thám quang học độ phân giải cao, siêu cao.
Đáng chú ý hiện nay, Cục Viễn thám quốc gia đang triển khai dự án xây dựng "Cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia"; dự kiến hoàn thành trong năm 2024 và đưa vào vận hành từ năm 2025. Cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia sẽ lưu trữ toàn bộ dữ liệu, sản phẩm ảnh viễn thám, siêu dữ liệu viễn thám của các bộ, ngành, địa phương giao nộp về Cục Viễn thám quốc gia theo quy định của pháp luật.
Sử dụng công nghệ viễn thám hỗ trợ công tác quản lý, giám sát nguồn tài nguyên thiên nhiên thống nhất, hiệu quả. (Ảnh minh hoạ).
Cục Viễn thám quốc gia cũng đang tích cực phát triển các trạm thu mới, có tính năng hiện đại nhằm thu được một số loại vệ tinh viễn thám có độ phân giải siêu cao khác nhau góp phần phục vụ tốt hơn nhu cầu của các bộ, ngành địa phương. Các trạm thu này đi vào hoạt động sẽ tăng hiệu quả ứng dụng ảnh viễn thám, cho phép theo dõi, giám sát các đối tượng trên bề mặt ở nhiều mức độ khác nhau về cả không gian và thời gian, từ khái quát đến chi tiết.
Đặc biệt, Cục đẩy mạnh việc phổ biến dữ liệu viễn thám cho địa phương, mở rộng thêm một số đối tượng được cung cấp miễn phí; hỗ trợ tư vấn trong ứng dụng viễn thám ở các địa phương, tiếp tục tuyên truyền, quảng bá công nghệ viễn thám, giới thiệu về công nghệ viễn thám; đẩy mạnh xã hội hóa việc ứng dụng công nghệ viễn thám phục vụ phát triển bền vững kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về viễn thám.
Công nghệ viễn thám có vai trò quan trọng, đang trở thành công nghệ ứng dụng đa ngành, đa lĩnh vực. Với ưu thế phong phú thông tin, phản ánh một cách chính xác sự phân bố, trạng thái của các đối tượng, công nghệ viễn thám đã bao quát được hầu hết các mặt đời sống, kinh tế - xã hội.
Lãnh đạo Cục Viễn thám quốc gia nhận định, việc áp dụng công nghệ viễn thám đã mang lại những hiệu quả trong giám sát tài nguyên thiên nhiên, quan trắc môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu. Đến thời điểm này, công nghệ viễn thám được ứng dụng mạnh mẽ trong quản tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên rừng, trở thành một trong các hướng đi chủ đạo của ngành Tài nguyên và Môi trường nhằm quản lý tài nguyên thiên nhiên, giám sát môi trường thống nhất trên phạm vi toàn quốc.
Bên cạnh đó, một số Dự án tiêu biểu sử dụng công nghệ viễn thám đã được triển khai như Dự án “Sử dụng công nghệ viễn thám và GIS xây dựng cơ sở dữ liệu thành lập bản đồ diễn biến vùng ô nhiễm, vùng nước thải từ các khu công nghiệp, đô thị nhằm đưa ra cảnh báo các vùng có nguy cơ ô nhiễm vùng kinh tế trọng điểm miền Trung”, Dự án “Giám sát một số vùng biển, đảo trọng điểm xa bờ bằng công nghệ viễn thám phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng”; Dự án “Giám sát xói lở bờ biển tại một số khu vực trọng điểm miền Trung bằng công nghệ viễn thám”;…
Công nghệ viễn thám cũng hỗ trợ thực hiện kiểm kê khí nhà kính trong lĩnh vực sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp phục vụ xây dựng các báo cáo quốc gia và đóng góp của Việt Nam cho công ước khí hậu. Đặc biệt, Dự án “Giám sát tài nguyên biển, hải đảo bằng công nghệ viễn thám” hoàn thành là lần đầu tiên Việt Nam có được chi tiết bức tranh toàn cảnh về biển đảo quốc gia với những thông tin trên diện rộng, đa thời gian, chính xác và nhanh chóng nhất.
Do đó, việc tiếp tục nghiên cứu ứng dụng công nghệ viễn thám trong mọi lĩnh vực, trong đó bao gồm quản lý, giám sát tài nguyên không chỉ mang lại những kết quả quan trọng về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, mà còn hỗ trợ cho các cấp quản lý nhà nước có quyết định chính sách và quản lý tài nguyên một cách hiệu quả hơn./.
An Khánh
Bình luận