Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 15:01
Thứ hai, 18/11/2024 04:11
TMO - Thời gian qua, tỉnh Lào Cai đã chú trọng ứng dụng công nghệ trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là hướng dẫn cho người đồng bào dân tộc sản xuất áp dụng kỹ thuật hiện đại, tiên tiến để phục vụ canh tác. Qua đó, góp phần tăng năng suất cây trồng và tạo được sinh kế cho bà con nông dân.
Lào Cai có 551.690 ha đất nông - lâm nghiệp, chiếm 86,69% tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh (đất sản xuất nông nghiệp 132.716 ha, đất lâm nghiệp 414.930 ha, đất nuôi thủy sản 3.623 ha, đất nông nghiệp khác 421 ha); diện tích đất chưa sử dụng là 47.194 ha (chiếm 7,41%), đây là tiềm năng để phát triển, mở rộng sản xuất nông nghiệp.
Cùng với đó, với đặc trưng của nền nhiệt và chịu sự tác động của khí hậu, thời tiết khác nhau đã tạo nên nét riêng của nông nghiệp Lào Cai. Khu vực vùng cao, khí hậu á nhiệt đới rất phù hợp với các loại cây trồng ôn đới (đào, lê, táo, mận, hoa hồng, hoa ly, địa lan, dược liệu, rau ôn đới) và nuôi cá nước lạnh.
Trong số đó, người dân Lào Cai đã chú trọng trồng và canh tác giống lê VH6. Được biết đây là giống lê có nguồn gốc từ Đài Loan, được nhập trồng khảo nghiệm tại Trại Nghiên cứu và sản xuất rau quả Bắc Hà, thuộc Trung tâm Giống nông nghiệp Lào Cai từ năm 2002 và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là giống cây trồng mới năm 2012.
Ưu điểm nổi bật của giống lê VH6 là sinh trưởng nhanh, dễ chăm sóc, quả lê vỏ mỏng, giòn, vị ngon ngọt thanh mát, trồng cây 4 đến 5 năm sẽ cho thu hoạch. Xác định chuyển đổi cây trồng, vật nuôi là chìa khóa để giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân. Năm 2009, cây lê VH6 được đưa vào trồng thí điểm tại xã Nậm Pung với hy vọng là hướng phát triển kinh tế hiệu quả.
Nậm Pung có 352 hộ dân, chủ yếu là đồng bào Dao và Hà Nhì. Nậm Pung có diện tích đất tự nhiên lớn, nguồn nước dồi dào, khí hậu ôn đới là tiềm năng và lợi thế của địa phương về phát triển kinh tế nông nghiệp. Nhưng trước đây, do nhận thức của người dân còn hạn chế, tập quán canh tác lạc hậu nên đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn. Đến nay, Nậm Pung đang là vùng lê hàng hóa lớn nhất của huyện Bát Xát, với hơn 170ha trồng lê VH6.
Theo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bát Xát, lê VH6 thực sự là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, hiệu quả, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững. Bởi đây là cây trồng 1 năm, nhưng được thu hoạch rất nhiều năm, hàng năm chỉ làm cỏ, bón phân 4 đến 5 lần là cho thu hoạch. Đặc biệt, những năm gần đây, xã Nậm Pung đã cử cán bộ chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật, dùng giàn kiên cố để vin cành, tỉa quả theo công nghệ của Đài Loan, giúp cây lê sinh trưởng khỏe mạnh, đủ ánh sáng, giảm sâu bệnh, thuận tiện cho chăm sóc và thu hoạch.
Những diện tích được đầu tư thâm canh, bài bản, sử dụng vin cành bằng giàn kiên cố, với diện tích cây lê 5 - 7 năm tuổi nếu chăm sóc áp dụng khoa học kỹ thuật theo quy trình thì sản lượng có thể đạt 15 đến 16 tấn quả/ha, giá trị khoảng trên 400 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều so với trồng ngô và lúa, năng suất hơn so với diện tích lê không được đầu tư thâm canh từ 15 đến 20%. Hiện nay, tại huyện Bát Xát đã thực hiện được 90ha lê tập trung có đầu tư hệ thống tưới tự động, sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật, thảo mộc.
Giống Lê VH6 mang lại nguồn kinh tế ổn định cho người dân. (Ảnh minh hoạ).
Dự kiến, trong năm tới, huyện sẽ mở rộng thêm từ 300 đến 500ha được ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó ở xã Quan Hồ Thần, huyện Si Ma Cai, tháng 4/2022, mô hình thâm canh lê VH6 theo tiêu chuẩn VietGap mới được triển khai.
Mô hình có 60 hộ dân tham gia với diện tích là 14ha. Tại đây, bà con được hỗ trợ về kỹ thuật, chăm sóc, bón phân, vin cành, tạo tán, tỉa quả theo quy trình. Do đó, cây lê có thể đạt năng suất trên 20 tấn/ha, tăng 15% so với cách chăm sóc truyền thống. Mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất lê VH6 theo tiêu chuẩn VietGap giúp đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi tư duy, nhận thức.
Việc triển khai nhiều đề tài, dự án, nghiên cứu các địa phương bằng nhiều giải pháp, hình thức khác nhau đã nỗ lực chuyển giao khoa học kỹ thuật, đưa khoa học đến gần hơn với bà con, tạo những thay đổi trong nhận thức của của họ. Từ phương thức sản xuất truyền thống, bà con đã mạnh dạn chuyển đổi sang sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn, đưa các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế vào sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên từng đơn vị diện tích canh tác, tăng thu nhập cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.
Không chỉ phát triển cây lê, cây mận Tả Van cũng là loài mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân huyện Bắc Hà và Si Ma Cai. Lào Cai hiện có trên 700ha cây mận Tả Van được trồng tập trung ở huyện Bắc Hà và Si Ma Cai, nhưng cây mận Tả Van lại mất mùa cách năm và đậu quả không đều.
Để tìm hiểu nguyên nhân và hướng giải quyết, tháng 6/2022, Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai Đề tài “Khắc phục tình trạng đậu quả không ổn định trên cây mận Tả Van tại huyện Bắc Hà và Si Ma Cai” đến năm 2025. Sau hơn 2 năm thí nghiệm, cải thiện chế độ dinh dưỡng, tác động các biện pháp cơ giới và sử dụng chất điều tiết sinh trưởng thì các chỉ số về tỷ lệ ra hoa, đậu quả, năng suất cao hơn so với công thức đối chứng.
Tỉnh Lào Cai sẽ mở rộng diện tích trồng mận Tả Van. (Ảnh minh hoạ).
Các biện pháp khoa học kỹ thuật được áp dụng với 4 nhóm tác động chính là: Dinh dưỡng, cơ giới, chất điều tiết sinh trưởng và hun khói xua sương mù, giảm độ ẩm không khí. Sau khi khắc phục được hiện tượng đậu quả không ổn định, các chuyên gia còn đưa ra một quy trình chuẩn chăm sóc cho cây mận Tả Van để bà con áp dụng. Sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, còn bà con thì thấy thời tiết chưa thuận lợi, yếu tố rủi ro cao dẫn đến tâm lý e ngại đầu tư nông nghiệp theo hướng hàng hóa.
Do đó, những đề tài, dự án mà Sở Khoa học và Công nghệ cùng các địa phương đã và đang thực hiện từng bước tháo gỡ khó khăn này. Từ các dự án hỗ trợ phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Lào Cai đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh đạt giá trị kinh tế cao như cánh đồng một giống tại huyện Văn Bàn, lúa Séng Cù chất lượng cao của huyện Mường Khương, huyện Bát Xát, vùng ngô hàng hóa ở huyện Si Ma Cai, Bắc Hà, vùng dược liệu ở Bắc Hà, Sa Pa...
Bà con đã mạnh dạn khởi nghiệp, kinh doanh, vươn lên làm giàu, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật đưa các loại cây con giống có năng suất cao vào sản xuất, giá trị sản phẩm trên một đơn vị ha canh tác tăng từ 80 triệu đồng vào năm 2019 lên 97 triệu đồng năm 2023. Sự thay đổi về nhận thức đã tạo ra sự chuyển biến rõ rệt về phát triển kinh tế, có chuyển biến về phát triển sản xuất thì đời sống của đồng bào mới được nâng cao.
Từ đó, sẽ xuất hiện nhiều gương điển hình trong phát triển kinh tế, số hộ đồng bào dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi hàng năm cũng tăng lên nhờ biết áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăm sóc cây trồng đúng theo quy trình, chuẩn của các dự án, đề án, đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng cao của xã hội.
Nhờ được quan tâm, đầu tư và sự nỗ lực vươn lên, đời sống, vật chất, tinh thần của bà con ngày càng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh chỉ còn 18,8%, thu nhập bình quân đạt 95 triệu đồng/người/năm.
Phát huy thế mạnh về điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng, tính đa dạng của sản xuất nông nghiệp, thời gian tới, tỉnh Lào Cai tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ kỹ thuật hiện đại để phát triển các sản phẩm tiềm năng, có lợi thế; thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, tiến tới xây dựng Lào Cai là vùng nông nghiệp trọng điểm, trung tâm dịch vụ logistics và thương mại nông nghiệp của cả nước…/.
Quỳnh Trang
Bình luận