Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 09:11
Thứ ba, 17/09/2024 15:09
TMO - TP. HCM sẽ tăng cường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số để phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng phát triển bền vững.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu du lịch TP. HCM ước đạt 92.643 tỷ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 48,8% so với kế hoạch năm 2024. Trong đó, khách du lịch nội địa đến TP. HCM ước đạt 17,13 triệu lượt, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 45,1% so với kế hoạch năm 2024; khách quốc tế đến TP. HCM 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 2,68 triệu lượt, tăng 38% so cùng kỳ năm 2023, đạt 44,6% so với kế hoạch năm 2024.
Để ngành du lịch tiếp tục có bước đột phá, đặc biệt phát huy hiệu quả các giá trị tài nguyên nhất là lĩnh vực du lịch nông nghiệp nông thôn, TP. HCM ban hành Quyết định số 3755/QĐ-UBND về Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP. HCM đến năm 2025, trong đó đặc biệt chú trọng chuyển đổi số trong phát triển lĩnh vực này.
Cụ thể, TP. HCM chú trọng tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số; 100% điểm du lịch nông thôn được công nhận được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số; 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 50% điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch.
Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu về các sản phẩm, điểm du lịch nông thôn và tiếp tục cập nhật bản đồ sản phẩm OCOP gắn với du lịch TP. HCM. Cụ thể, đến năm 2025, mỗi huyện: Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ xây dựng ít nhất từ 1 sản phẩm/điểm du lịch nông nghiệp, sinh thái gắn với phát huy giá trị văn hóa, cộng đồng trong không gian nông nghiệp, nông thôn; phấn đấu có ít nhất 50% số sản phẩm này được công nhận OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên. Trong đó, phấn đấu 2 mô hình thí điểm về phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững.
Du khách trải nghiệm các hoạt động sản xuất nông nghiệp. (Ảnh minh hoạ: MK).
Phấn đấu có 70% chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch, 80% lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ kỹ năng phục vụ khách du lịch, trong đó ít nhất 50% là lao động nữ, mỗi điểm du lịch có ít nhất 1 nhân viên thành thạo ngoại ngữ.
Một số nhiệm vụ được TP. HCM đặt ra trong thực hiện kế hoạch này bao gồm: Xây dựng và triển khai có hiệu quả các văn bản chỉ đạo, các cơ chế, chính sách của thành phố có liên quan hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Mặt khác, hoạt động thông tin, quảng bá du lịch được đẩy mạnh nhằm tạo tính hiệu quả, tính lan tỏa trong việc quảng bá hình ảnh du lịch TP. HCM đến với du khách. Trong đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đưa các hoạt động du lịch lên nền tảng trực tuyến nhằm tạo hiệu ứng, tính tương tác, độ lan tỏa cao.
Ngoài ra, việc TP. HCM tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu về các sản phẩm và điểm du lịch nông thôn, đồng thời cập nhật bản đồ sản phẩm OCOP gắn với du lịch được coi là một bước tiến quan trọng trong việc quản lý và phát triển hệ thống du lịch nông thôn của thành phố, góp phần nâng cao trải nghiệm cho du khách và thúc đẩy sự phát triển kinh tế của các vùng nông thôn.
Kế hoạch phát triển du lịch nông thôn của TP. HCM không chỉ góp phần tạo thêm sản phẩm du lịch mới mà còn đóng góp vào việc phát triển kinh tế nông nghiệp, bảo tồn giá trị văn hóa, và nâng cao đời sống người dân nông thôn. Việc kết hợp giữa du lịch và nông nghiệp không chỉ là một xu hướng tất yếu mà còn là cơ hội để TP. HCM khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch quốc gia và quốc tế. Từ đó tạo cơ hội cho các doanh nghiệp du lịch giới thiệu các sản phẩm du lịch và hoạt động khuyến mãi rộng rãi đến người dân địa phương, khách du lịch trong, ngoài nước với các hoạt động phong phú, đa dạng.
Thời gian qua, ngành Du lịch TP. HCM đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm đẩy mạnh quảng bá, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch trên địa bàn. Sở Du lịch đã ban hành Kế hoạch triển khai Đề án phát triển du lịch thông minh năm 2024 với 03 nội dung trọng tâm, Nâng cao nhận thức du lịch thông minh, Xây dựng hạ tầng, trung tâm dữ liệu Triển khai các hoạt động công nghệ thông tin; Kế hoạch xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dịch vụ du lịch; Kế hoạch triển khai Chương trình “Chuyển đổi số lĩnh vực du lịch của Sở Du lịch TP. HCM” năm 2024.
Sở Du lịch cũng tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá du lịch thông qua việc tiếp tục nâng cấp Bản đồ du lịch tương tác thông minh 3D/360 (Map 3D/360) kết nối TP. HCM và 62 tỉnh thành với 5 ngôn ngữ (Việt, Anh, Hoa, Pháp, Tây Ban Nha); tăng cường quảng bá hình ảnh du lịch thành phố tại sân bay Tân Sơn Nhất; tiếp tục triển khai Kế hoạch về truyền thông điểm đến du lịch TP. HCM trên các kênh truyền thông trong nước và các kênh online, mạng xã hội. Đẩy mạnh liên kết các đối tác, đơn vị truyền thông thực hiện các hoạt động, chương trình, chiến dịch truyền thông trên các trang mạng xã hội: Tập trung truyền thông kỹ thuật số về du lịch Thành phố trên hệ thống các trang thông tin của Sở Du lịch (Cổng Thông tin điện tử, Fanpage Facebook, Youtube, Zalo), các kênh truyền thông của các quận - huyện, thành phố Thủ Đức và ứng dụng Ho Chi Minh City Tourism.
Trung Đức
Bình luận