Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 18:01
Thứ năm, 11/01/2024 13:01
TMO – Năm 2024, ngành tài nguyên nước sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển đổi số, duy trì vận hành hệ thống giám sát trực tuyến khai thác sử dụng nước đối với khoảng 600 công trình đã được Bộ cấp phép; thúc đẩy việc xây dựng bản đồ số dự báo cảnh báo hạn hán thiếu nước kết nối với hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định trong điều hoà, công bố kịch bản nguồn nước.
Theo Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường), trong năm 2023, các đơn vị đã trình cấp có thẩm quyền hoặc ký theo thẩm quyền gần 1000 văn bản hướng dẫn, đôn đốc các Bộ, ngành địa phương, doanh nghiệp trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ về quản lý tài nguyên nước, trách nhiệm của chủ giấy phép tài nguyên nước liên quan đến lập hành lang bảo vệ nguồn nước; công bố danh mục nguồn nước sông nội tỉnh; công bố danh mục hồ ao không san lấp lấn chiếm; vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; nội dung quy hoạch tỉnh; báo cáo tình hình sử dụng nước; kết nối hệ thống giám sát khai thác tài nguyên nước; vận hành liên hồ chứa; đôn đốc thực hiện trách nhiệm của chủ giấy phép tài nguyên nước.
Ngành tài nguyên và môi trường các địa phương cũng đã tích cực tham mưu UBND cấp tỉnh ban hành 122 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành để tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn; đã có 22/63 tỉnh thành phố trực thuộc trung ương đã được phê duyệt quy hoạch tỉnh; 05/63 tỉnh thành phố trực thuộc trung ương đã được phê duyệt Kế hoạch điều tra cơ bản tài nguyên nước; có 50/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã phê duyệt, công bố danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp trên địa bàn tỉnh; 49/63 tỉnh, thành phố đã công bố danh mục nguồn nước cần phải lập hành lang bảo vệ; có 38/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt danh mục nguồn nước nội tỉnh; có 26/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện phê duyệt, công bố Danh mục và Bản đồ phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh theo quy định; có 33/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thực hiện việc phê duyệt vùng bảo hộ vệ sinh lấy nước sinh hoạt cho các công trình thuộc đối tượng trên địa bàn tỉnh.
(Ảnh minh họa)
Năm 2024, Cục Quản lý tài nguyên nước sẽ đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể: Xây dựng, trình ban hành 03 Nghị định, 04 Thông tư hướng dẫn thi hành Luật tài nguyên nước số 28/2023/QH15; Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Đánh giá tổng thể tác động và giải pháp ứng phó đối với việc các nước phát triển thủy điện trên dòng chính, chuyển nước sông Mekong”; Xây dựng dự thảo kịch bản nguồn nước để đầu năm 2025 trình Bộ công bố để các Bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch sử dụng nước; Lập Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Ba, Cả, Trà Khúc, Vu Gia - Thu Bồn, Kôn - Hà Thanh trình Chính phủ phê duyệt để hoàn thiện hệ thống quy hoạch (hoàn thành 15/15 quy hoạch được Luật giao) và đôn đốc việc thực hiện quy hoạch;
Đẩy mạnh việc chuyển đổi số: duy trì vận hành hệ thống giám sát trực tuyến khai thác sử dụng nước đối với khoảng 600 công trình đã được Bộ cấp phép; thúc đẩy việc xây dựng bản đồ số dự báo cảnh báo hạn hán thiếu nước kết nối với hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định trong điều hoà, công bố kịch bản nguồn nước; Phối hợp với Cục kiểm soát ô nhiễm trình Bộ công bố sức chịu tải của nguồn nước liên tỉnh và trình Bộ để Bộ trình Chính phủ phê duyệt Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt trên lưu vực sông Bằng Giang-Kỳ Cùng, Mã, Ba, Trà Khúc, Kôn, Sê San, Srepok; Tuyên truyền, phổ biến Luật tài nguyên nước, nhất là việc thực hiện các biện pháp tích trữ nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả;
Tăng cường công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra đối với các công trình khai thác sử dụng nước; Đẩy mạnh các hoạt động KH&CN, đề xuất các nhiệm vụ mới nhằm phục vụ cho việc thực thi Luật Tài nguyên nước, tập trung vào các nội dung về an ninh nguồn nước; hạch toán tài nguyên nước; sử dụng nước tuần hoàn, sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả; cải tạo, phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; Đẩy mạnh triển khai các hoạt động của tổ chức lưu vực sông; Tổ chức thực hiện hiệu quả Kế hoạch chiến lược của Ủy hội sông Mekong quốc tế 2021-2030 và Kế hoạch hành động hợp tác tài nguyên nước Mekong-Lan Thương giai đoạn 2023 – 2027. Chuẩn bị việc đồng chủ trì với Trung Quốc Hội nghị Bộ trưởng Hợp tác tài nguyên nước Mekong - Lan Thương lần thứ hai; chuẩn bị nội dung tham dự Phiên họp của Hội đồng Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 31 tại Lào;
Tăng cường hợp tác song phương, đa phương với các quốc gia ven sông Mekong trong trao đổi, chia sẻ thông tin về quy hoạch, chiến lược phát triển lưu vực sông Mê Công và chia sẻ thông tin về xây dựng và vận hành các công trình khai thác, sử dụng nước, đặc biệt là chia sẻ thông tin vận hành các hồ đập, công trình sử dụng nước lớn theo thời gian thực; Tăng cường công tác quản lý cán bộ, quản lý tài sản, tài chính, cải cách thủ tục hành chính; Tiếp tục thực hiện đề án tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia, các dự án điều tra cơ bản tài nguyên nước đã được duyệt đảm bảo hiệu quả, chất lượng và tiến độ, thúc đẩy việc triển khai Nghị quyết 499/NQ-UBTVQH15 trong việc triển khai đề án phục hồi sông Bắc Hưng Hải, Nhuệ, Đáy…/.
PV
Bình luận