Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 23:01
Thứ sáu, 23/08/2024 14:08
TMO - UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố; các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan về việc chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian tới, trong đó tập trung rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét, đảm bảo an toàn cho người dân.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (PCTT, TKCN&PTDS) tỉnh Thanh Hóa, hiện trên địa bàn tỉnh còn 6.603 hộ của 121 xã, phường, thị trấn/17 huyện, thị xã đang sinh sống ở khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, đá. Trong đợt mưa từ ngày 23 đến 25/7/2024, khu vực tỉnh Thanh Hóa có mưa to đến mưa rất to khiến 39 nhà bị ảnh hưởng, hư hỏng. Trong đó, huyện Mường Lát 4 nhà, Quan Sơn 6 nhà, Quan Hóa 29 nhà... Các huyện Quan Hóa, Mường Lát, Bá Thước đã chủ động sơ tán 166 hộ dân sinh sống trong khu vực có nguy cơ ảnh hưởng các thiên tai đến nơi an toàn.
Để chủ động công tác phòng tránh lũ quét, sạt lở đất, Ban Chỉ huy PCTT,TKCN&PTDS tỉnh yêu cầu các địa phương trong tỉnh xây dựng kế hoạch phòng tránh lũ quét, sạt lở đất đến từng thôn, bản theo phương châm “4 tại chỗ” và tổ chức diễn tập để cán bộ, hân dân có ý thức chủ động phòng tránh. Trong kế hoạch phải phân loại và thống kê cụ thể số hộ, số khẩu sống trong khu vực có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất để tiến hành di dời ngay. Đối với các hộ, số khẩu sống trong khu vực có nguy cơ phải chuẩn bị sẵn sàng sơ tán khi có thiên tai xảy ra.
Các địa phương, đơn vị có liên quan đã triển khai việc cắm biển báo nguy hiểm ở khu vực có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất để người dân có ý thức chủ động phòng tránh. Đồng thời, cắt cử người hướng dẫn người dân và các phương tiện giao thông đi qua các ngầm, tràn trên sông suối khi có mưa, lũ. Các ngành có liên quan của tỉnh và địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án sắp xếp, ổn định dân cư đang sinh sống ở các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Đặc biệt, là đề án sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2021-2025 để người dân có nơi ở an toàn, yên tâm sản xuất...
Nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh vẫn đang sinh sống ở khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, đá.
Để chủ động phòng ngừa, ứng phó với lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thường xuyên quan tâm và chỉ đạo sát sao đối với công tác bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận số 590-KL/TU, ngày 8/9/2021; UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 4845/QĐ-UBND, ngày 01/12/2021 phê duyệt Đề án “Sắp xếp, ổn định dân cư khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2021-2025”.
Mục tiêu của Đề án là phấn đấu đến năm 2025 bố trí sắp xếp, ổn định cho 2.846 hộ dân tại khu vực có nguy cơ rất cao và nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn 54 xã thuộc 9 huyện miền núi, theo 3 hình thức: Tái định cư (TĐC) xen ghép cho 1.122 hộ; TĐC liền kề cho 846 hộ/34 dự án và TĐC tập trung cho 878 hộ/17 dự án.
Để triển khai thực hiện Đề án có hiệu quả, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 530/QĐ-UBND, ngày 29/01/2022 về việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án; ban hành Kế hoạch số 137/KH-BCĐ ngày 17/5/2022 về Kế hoạch thực hiện Đề án. UBND tỉnh xác định đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu để tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành đoàn thể, chính quyền các địa phương và Nhân dân khu vực miền núi trên địa bàn tỉnh vượt qua khó khăn, tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án.
Theo báo cáo của UBND các huyện trong diện thực hiện Đề án, đến tháng 4/2024 đã thực hiện sắp xếp, bố trí TĐC xen ghép cho 131/1.122 hộ, đạt tỷ lệ 11,7% mục tiêu đề án. Trong đó, huyện Lang Chánh 7/26 hộ, đạt tỷ lệ 26,9%; huyện Bá Thước có 33/141 hộ, đạt tỷ lệ 23,4%; huyện Như Xuân 4/25 hộ, đạt tỷ lệ 16%; huyện Quan Hóa 42/320 hộ... Đối với việc thực hiện các dự án TĐC liền kề và TĐC tập trung, tổng số dự án được duyệt là 51 dự án/1.724 hộ dân. Trong đó, TĐC liền kề 34 dự án/846 hộ dân. Hiện, 3 dự án/46 hộ đang thi công; 8 dự án/197 hộ đang thực hiện giai đoạn chuẩn bị đầu tư; 12 dự án/381 hộ chưa phê duyệt chủ trương đầu tư và 11 dự án/222 hộ không thực hiện.
Tái định cư tập trung là 17 dự án/878 hộ dân. Trong đó có 4 dự án/151 hộ dân được đầu tư theo hình thức khẩn cấp đã hoàn thành đầu tư cơ sở hạ tầng và các hộ dân đã di chuyển đến nơi ở mới (huyện Mường Lát 1 dự án/42 hộ; huyện Quan Sơn 1 dự án/36 hộ; huyện Quan Hóa 2 dự án/73 hộ); 6 dự án/313 hộ đang thực hiện giai đoạn chuẩn bị đầu tư; 6 dự án/326 hộ chưa phê duyệt chủ trương đầu tư và 1 dự án/88 hộ không thực hiện.
Đối với việc bố trí TĐC xen ghép, đa số các hộ dân vùng ảnh hưởng thiên tai là các hộ nghèo, cận nghèo nên việc tự tìm kiếm quỹ đất để thực hiện di chuyển còn khó khăn, đến nay việc bố trí TĐC xen ghép trên địa bàn các huyện đạt tỷ lệ thấp (11,7%). Về thực hiện các dự án TĐC tập trung, liền kề, đối với 17 dự án/556 hộ được phê duyệt chủ trương đầu tư (thời gian phê duyệt từ tháng 7/2022 và tháng 3/2023); đến tháng 4/2024, đã hơn 1 năm triển khai thực hiện nhưng mới có 3 dự án đang thực hiện thi công san lắp mặt bằng; còn lại 14 dự án vẫn đang triển khai thực hiện giai đoạn chuẩn bị đầu tư.
Nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc trên được chỉ ra là do các huyện miền núi có đặc điểm địa hình đồi núi cao, độ dốc lớn, chia cắt bởi nhiều sông, suối nên việc lựa chọn vị trí TĐC bảo đảm an toàn gặp khó khăn khi quỹ đất ở rất hạn chế. Nhiều khu dự kiến bố trí TĐC cho các hộ dân cách xa trung tâm xã, huyện; cơ sở hạ tầng chưa được xây dựng đồng bộ, giao thông đi lại khó khăn, địa hình phức tạp, độ dốc cao, khối lượng đất đá rất lớn dẫn đến chi phí san nền, chi phí vận chuyển vật liệu, đầu tư cơ sở hạ tầng khu TĐC lớn...
Trước diễn biến phức tạp của tình hình thiên tai, Thanh Hóa tiếp tục triển khai các giải pháp ứng phó, nhất là đối tình trạng sạt lở, lũ quét.
Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, để tiếp tục chủ động phương án phòng chống thiên tai, nhất là đảm bảo an toàn cho dân cư vùng chịu ảnh hưởng thiên tai trong các tháng cao điểm của mưa bão năm 2024 (tháng 8, 9, 10), Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, Giám đốc các sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, chủ động triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả.
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” với tinh thần chủ động, kịp thời, quyết liệt nhất để bảo đảm an toàn tính mạng, giảm thiểu thiệt hại về tài sản của nhân dân và Nhà nước. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức giám sát, kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị phòng, chống thiên tai, cứu nạn, cứu hộ trước mùa mưa lũ và trước khi xảy ra bão, lũ theo quy định.
Các địa phương khẩn trương rà soát, hoàn thiện phương án ứng phó đối với từng loại hình thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn, nhất là phương án ứng phó bão, lũ lụt, sạt lở đất, lũ quét; xác định các khu vực trọng điểm xung yếu để chủ động xây dựng kịch bản bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó, cứu hộ cứu nạn khi có tình huống xảy ra. Các địa phương tổ chức rà soát, xác định các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực sườn dốc có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt để chủ động tổ chức di dời người, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm. Đối với những nơi chưa có điều kiện để di dời ngay, địa phương phải có phương án chủ động sơ tán khi có tình huống thiên tai để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các địa phương chỉ đạo triển khai công tác bảo đảm an toàn hệ thống đê điều và công trình thủy lợi, nhất là các trọng điểm đê điều xung yếu, hồ đập thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp, công trình đang thi công dở dang; bảo đảm an toàn tàu thuyền, hoạt động thủy sản, bảo vệ sản xuất nông nghiệp. Đơn vị chỉ đạo vận hành an toàn các hồ thủy lợi, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho công trình, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên nước.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh chỉ đạo rà soát, xây dựng phương án, chủ động huy động lực lượng, phương tiện để phối hợp với địa phương và các lực lượng có liên quan triển khai công tác ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục nhanh hậu quả thiên tai theo quy định. Đài Khí tượng thủy văn tỉnh tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, thiên tai, nhất là là bão, mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất… Dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời để các cơ quan liên quan và người dân biết, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó…
Tại Thanh Hóa từ đầu năm 2024 đến nay đã xảy ra và chịu ảnh hưởng của 22 trận thiên tai làm 2 người chết, 1 người bị thương, 1.707 ha lúa bị thiệt hại, 518 nhà bị hư hỏng... Ước giá trị thiệt hại khoảng 70 tỷ đồng. Do ảnh hưởng đợt mưa lớn vào cuối tháng 7/2024 cùng với mưa lớn các ngày 13 - 15/8 trên địa bàn các huyện miền núi Quan Hóa, Bá Thước, Mường Lát đã khiến nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở, sụt lún gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.../.
Thanh Hương
Bình luận