Hotline: 0941068156
Thứ tư, 04/12/2024 15:12
Thứ hai, 26/09/2022 13:09
TMO - Tận dụng những điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên, thời gian qua, các tỉnh vùng Tây Nguyên đã triển khai những giải pháp đồng bộ nhằm đưa du lịch Tây Nguyên từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng.
Tây Nguyên gồm 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng với vị trí nằm ở ngã ba biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia, tiếp giáp với các vùng Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ, khu vực này có điều kiện thuận lợi để mở rộng giao lưu phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch với nhiều vùng trong cả nước và quốc tế.
Tây Nguyên hội tụ nhiều cao nguyên, khu bảo tồn tự nhiên và các vườn quốc gia với nhiều loài cây cảnh, cây dược liệu làm thuốc, các thảm thực vật nhiều tầng phong phú, đa dạng cùng các loài động vật hoang dã quý hiếm. Đặc biệt, Vườn quốc gia Chư Mom Ray và KonKaKinh được công nhận là Vườn di sản ASEAN. Đây là điều kiện tự nhiên thuận lợi để xây dựng các sản phẩm du lịch sinh thái đặc sắc mang đậm nét Tây Nguyên.
Các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên sở hữu nhiều lợi thế tự nhiên trong phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm, khám phá
Do nằm đầu nguồn của hệ thống các dòng sông Đồng Nai, sông Ba; đồng thời do cấu tạo của địa hình thiên nhiên bị chia cắt mạnh với những dãy núi lớn như Ngọc Linh (Kon Tum), An Khê (Gia Lai), Chư Yang Sin (Đắk Lắk)… nên Tây Nguyên có nhiều thác nước có cảnh quan tự nhiên đẹp, hấp dẫn như: Đray Sáp, Đray Nur, Đray Hlinh, Prenn, Trinh Nữ - Gia Long, Cam Ly, Phú Cường, Pongour, Datanla…
Bên cạnh đó, Tây Nguyên có hệ thống hồ như: hồ Lắk (Đắk Lắk), Biển Hồ, hồ AyunHạ (Gia Lai), hồ Xuân Hương, hồ Suối Vàng, hồ Tuyền Lâm (Lâm Đồng) và nhiều con suối khoáng nóng như như suối Konnit, Kon Đào, ĐắkRing, suối Ngọc Tem, suối khoáng Đạ Long… là điều kiện để phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng và du lịch khám phá thiên nhiên.
Ngoài ra, khu vực này còn là vùng đất đa sắc tộc, đa văn hóa, nơi cư trú của 47 dân tộc anh em, mang đậm những giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Trong đó, “Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên", các giá trị kiến trúc truyền thống độc đáo như nhà Rông, nhà Dài, nhà Mồ...; các lễ hội truyền thống độc đáo (lễ hội đua Voi, Cồng Chiêng, Bỏ Mả, Cơm Mới...); các giá trị văn hóa dân gian, các sử thi truyền miệng, các loại nhạc cụ dân tộc độc đáo là điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch.
Với những giá trị đặc sắc về tài nguyên du lịch, Tây Nguyên là nơi có tiềm năng rất lớn để hình thành và phát triển các sản phẩm, loại hình du lịch độc đáo như du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái-văn hóa, nghỉ dưỡng... Những năm gần đây các địa phương trong khu vực này đã ban hành nhiều văn bản có tầm chiến lược, nhằm định hướng hợp tác, liên kết phát triển du lịch, thúc đẩy liên kết hợp tác nội vùng và ngoại vùng.
Nét độc đáo trong văn hóa truyền thống của các dân tộc anh em tạo ra sức hấp dẫn thu hút đông đảo du khách. Ảnh: Phan Nguyên
Nằm ở vị trí “ngã ba Đông Dương,” Kon Tum có vai trò quan trọng trong việc liên kết vùng giữa các tỉnh khu vực Tây Nguyên với khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Trung Trung Bộ. Đặc biệt, tỉnh cũng là cầu nối du lịch cho khu vực tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam. Kế hoạch phát triển du lịch Khu vực tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030 được công bố vào cuối tháng 4/2022 nhằm hiện thực hóa mục tiêu đón 3,3 triệu lượt khách du lịch cho khu vực vào năm 2025.
Tỉnh Đắk Lắk tổ chức hợp tác, liên kết phát triển du lịch với các tỉnh nội vùng (Lâm Đồng, Kon Tum, Gia Lai) và các tỉnh, thành phố ngoại vùng (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Yên, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh, Quảng Ninh). Tỉnh Gia Lai cũng có các chương trình hợp tác tương tự như hợp tác ngoại vùng (Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Phú Yên, Bình Định) và hợp tác với các tỉnh nội vùng (Kon Tum, Đắk Lắk).
Tỉnh Đắk Nông tập trung khai thác phát triển du lịch bền vững trên nền tảng phát huy các lợi thế tự nhiên sẵn có, đặc trưng văn hóa, bản sắc các dân tộc, đặc biệt là hệ thống hang động núi lửa ở Đắk Nông đã được các nhà khoa học phát hiện. Tỉnh đã đồng ý để một số công ty lữ hành, đơn vị nghiên cứu từ Lâm Đồng, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội vào khảo sát các điểm du lịch, tuyến, tour và sản phẩm du lịch cụ thể. Tỉnh cũng đang nỗ lực khôi phục và quảng bá các sản phẩm văn hóa truyền thống như thổ cẩm, các làn điệu dân ca, dân vũ, món ăn truyền thống…
Tỉnh Lâm Đồng đang thực hiện các chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa tỉnh với các địa phương trong và ngoài vùng Tây Nguyên (Lâm Đồng - Khánh Hòa; Lâm Đồng - Thành phố Hồ Chí Minh - Bình Thuận; Lâm Đồng - Kiên Giang; Lâm Đồng - Đồng Nai; Lâm Đồng - Quảng Bình, Lâm Đồng - Nghệ An, Lâm Đồng - Ninh Thuận,...). Địa phương này chú trọng triển khai các hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trên lĩnh vực chủ yếu, như đầu tư, quảng bá, xúc tiến, xây dựng sản phẩm, đào tạo nguồn nhân lực du lịch,...
Việc triển khai hợp tác liên kết vùng, liên kết sản phẩm đã phát huy hiệu quả tích cực, thể hiện ở một số nội dung, như tăng cường thu hút đầu tư, mở rộng kết nối tour tuyến, phát triển và đa dạng hoá sản phẩm du lịch; quảng bá hình ảnh du lịch địa phương, thu hút du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng,...
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xác định Tây Nguyên là một trong bảy vùng du lịch trọng điểm. Hoạch định của Chính phủ là phát triển du lịch theo hướng tăng cường liên kết giữa các tỉnh trong khu vực, giữa vùng Tây Nguyên với các vùng khác trong nước và liên kết quốc tế, nhằm phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, toàn vùng.
Mục tiêu trước mắt là hình thành được chuỗi liên kết du lịch giữa năm tỉnh Tây Nguyên một cách toàn diện, đồng bộ; xây dựng được sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng bằng thương hiệu riêng có của không gian đại ngàn.
Tuy nhiên, theo đánh giá của TS Nguyễn Duy Thụy (Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên), công tác liên kết, hợp tác trong phát triển du lịch ở các tỉnh vùng Tây Nguyên vẫn còn những hạn chế. Theo đó, thực tế, chưa có bản ký kết chung giữa 5 tỉnh Tây Nguyên về phát triển du lịch của vùng mà chủ yếu là giữa tỉnh này với tỉnh kia.
Việc liên kết, hợp tác nội vùng, liên vùng vẫn gặp khó khăn, vướng mắc, chưa triển khai được như kế hoạch, nội dung đã ký kết do bị chi phối bởi nguồn kinh phí hạn chế, công tác xã hội hóa trong phát triển du lịch chưa mạnh mẽ, điều kiện kết cấu hạ tầng ở các tỉnh Tây Nguyên kết nối đến các vùng khác còn nhiều khó khăn, đặc biệt là hệ thống đường bộ bị xuống cấp nghiêm trọng ở nhiều nơi, ảnh hưởng xấu đến việc khai thác các chương trình du lịch kết nối giữa các địa phương.
Thúc đẩy hạ tầng phát triển du lịch giữa các địa phương trong vùng Tây Nguyên là nền tảng để tăng cường liên kết du lịch
Trên cơ sở định hướng phát triển du lịch chung của vùng Tây Nguyên, cùng với những khó khăn, hạn chế trong quá trình liên kết phát triển du lịch trong thời gian qua; để triển khai các chương trình hợp tác, liên kết đi vào chiều sâu và mang lại hiệu quả tương xứng với nguồn lực sẵn có, các tỉnh Tây Nguyên cần tập trung thực hiện một số giải pháp
Xây dựng các tiểu vùng và kết nối tuyến đường giao thông thuận tiện cho phát triển các tuyến du lịch; nâng cấp các tuyến giao thông đường bộ quan trọng trên địa bàn vùng và tuyến đường qua các cửa khẩu quốc tế quan trọng như Bờ Y, Bu Brăng,..; phát triển kết cấu hạ tầng về đường hàng không để gia tăng khả năng liên kết phát triển du lịch nội vùng, liên vùng và quốc tế.
Tiếp tục triển khai ký kết giai đoạn tiếp theo đối với các tỉnh, thành phố đã liên kết, hợp tác có hiệu quả cao; chủ động hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng cùng các cấp quản lý thực hiện nghiêm túc Luật Bảo vệ môi trường, Luật Du lịch, các điều ước quốc tế về bảo vệ môi trường - tài nguyên quốc gia; đồng thời, chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu ở lĩnh vực du lịch trong khuôn khổ “Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu”, phát triển du lịch gắn với bảo tồn các loài sinh vật cảnh, động, thực vật qúy hiếm, bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, liên kết và cung cấp thông tin về dịch vụ du lịch để đăng tải trên trang thông tin điện tử của các tỉnh vùng Tây Nguyên. Hiện nay, công nghệ số hoá phát triển mạnh, cần ứng dụng công nghệ số vào hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; chú ý nghiên cứu thị trường để tập trung vào thị trường trọng điểm, thị trường khách quốc tế, thị trường truyền thống,...
Đồng thời, nghiên cứu xây dựng các chính sách kích cầu du lịch; tiến hành thực hiện các ấn phẩm, vật phẩm chung như chương trình, sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch, phát hành đĩa phim du lịch giữa các địa phương, xuất bản cẩm nang du lịch ở nhiều lĩnh vực, như văn hóa, ẩm thực đặc trưng, phong tục, tập quán sinh hoạt cư dân địa phương.
Thu Thảo
Bình luận