Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 18:01
Thứ ba, 19/07/2022 20:07
TMO - Hiện nay, giá dừa khô nguyên liệu tại tỉnh Bến Tre đang rớt giá và tồn đọng rất nhiều do khó khăn về thị trường tiêu thụ. Nhằm khắc phục tình trạng trên, tỉnh Bến Tre đang tập trung mở rộng diện tích vườn dừa hữu cơ theo hướng liên kết với doanh nghiệp và phát triển kinh tế hợp tác.
Thực hiện đề án Nông nghiệp hữu cơ của tỉnh Bến Tre, trong 6 tháng năm 2022, Bến Tre đã phát triển được hơn 2.890 ha dừa hữu cơ. Đến nay, tổng diện tích dừa sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ trên địa bàn tỉnh cũng đạt hơn 16.014 ha, chiếm 20,7% trên tổng diện tích dừa toàn tỉnh; trong đó, diện tích đạt chứng nhận là hơn 9.521 ha. Diện tích dừa hữu cơ tập trung trên địa bàn các huyện Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam, Bình Đại, Thạnh Phú, Ba Tri, Mỏ Mỏ Cày Bắc.
Dừa khô rớt giá sâu, tồn đọng nhiều tại nhiều hộ sản xuất do khó khăn trong thị trường tiêu thụ. Ảnh: Hoàng Nam
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã phối hợp chính quyền địa phương và 8 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu dừa xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ. Qua liên kết với doanh nghiệp, các hợp tác xã, tổ hợp tác và bà con nông dân đã xây dựng được vườn dừa hữu cơ phục vụ nhu cầu chế biến, xuất khẩu.
Trong đó, dừa uống nước có 9/12 tổ hợp tác thực hiện liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã tiêu thụ. Dừa công nghiệp có 15/20 tổ hợp tác, 21/28 hợp tác xã đã thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ dừa với các doanh nghiệp chế biến dừa. Bước đầu đã hình thành liên kết ngang giữa 3 doanh nghiệp tham gia chuỗi. Từ đó, sử dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu dừa đạt chứng nhận hữu cơ cho hoạt động chế biến và xuất khẩu.
Hiện tại, tỉnh đang triển khai xây dựng thí điểm 5 vùng sản xuất dừa hữu cơ tập trung với diện tích 1.500ha và một vùng sản xuất dừa uống nước tập trung với diện tích 20ha, gắn phát triển chuỗi giá trị. Thực tế cho thấy, khi nông dân tham gia chuỗi hưởng lợi rất nhiều khi giảm chi phí sản xuất, đầu ra ổn định, giá bán cao hơn so với nông dân không tham gia vào chuỗi.
Dù dừa khô rớt giá, tồn đọng nhưng các mô hình sản xuất dừa hữu cơ có liên kết với doanh nghiệp vẫn tiêu thụ bình thường, giá trên dưới 30.000 đồng/chục quả. Trong 6 tháng qua, 8 doanh nghiệp ở tỉnh Bến Tre đã tiêu thụ dừa hữu cơ của nhà vườn đối với dừa lấy nước được hơn 1,2 triệu trái; dừa hữu cơ công nghiệp hơn 25,7 triệu trái.
Huyện Mỏ Cày Nam đã xây dựng đề án quy hoạch vùng trồng dừa giai đoạn 2020 - 2025. Vùng quy hoạch phân bổ trên 15 xã, có tổng diện tích tự nhiên 23.095,25ha, diện tích đất nông nghiệp hơn 17.656,84ha. Đối tượng quy hoạch là cây dừa gồm dừa hữu cơ và dừa uống nước. Huyện hiện đứng thứ 2 về diện tích trồng dừa trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Bến Tre đẩy mạnh liên kết, mở rộng diện tích dừa hữu cơ tạo thuận lợi trong tiêu thụ (Ảnh minh họa)
Thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre đẩy mạnh phối hợp với doanh nghiệp chế biến dừa, chính quyền địa phương, hội nông dân các cấp tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi sản xuất dừa hữu cơ. Đồng thời, tổ chức tập huấn kỹ thuật canh tác dừa hữu cơ, tư vấn kỹ thuật canh tác dừa hữu cơ, tư vấn thực hành ủ phân hữu cơ từ phân chuồng và phụ phẩm nông nghiệp bằng vi sinh. Qua đó, giảm tối đa chi phí đầu tư vật tư của nông dân cho sản xuất dừa hữu cơ.
Bến Tre là địa phương có vườn dừa lớn nhất cả nước, với diện tích khoảng 77.200 ha, sản lượng dừa đạt hơn 600 triệu trái/năm, giá trị sản xuất ngành chế biến dừa đạt 3.500 tỷ đồng, chiếm 9,89% so với giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Riêng 6 tháng đầu năm nay, giá trị ngành dừa ước đạt 1.800 tỷ đồng, tăng hơn 4%, chiếm 10,32% so với giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh; kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ dừa chiếm 28,38% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Hiện nay, dừa khô đang gặp khó trong việc tiêu thụ, giá giảm sâu. Cụ thể, giá dừa khô giảm chỉ còn trên dưới 2.000 đồng/quả; thậm chí ở các vùng nông thôn nhà vườn không bán được. Trước đây, giá dừa dao động từ 6.000 - 7.000 đồng/quả, nay do thị trường xuất khẩu các sản phẩm từ dừa gặp khó khăn.
Để khắc phục tình trạng trên, Sở Công thương tỉnh Bến Tre đã xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại qua thị trường các nước Liên minh châu Âu, khu vực Trung Đông và Đông Nam Á. Đồng thời, xây dựng kế hoạch phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm, trong đó có sản phẩm dừa của Bến Tre để đẩy mạnh tiêu thụ.
Thu Minh
Bình luận