Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 11:11
Thứ sáu, 21/10/2022 14:10
TMO - Bình Thuận hiện là vùng chuyên canh cây thanh long lớn nhất cả nước, thời gian qua nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, địa phương này đẩy mạnh triển khai cấp, quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói thanh long, qua đó tạo điều kiện cho nông sản chủ lực của tình thuận lợi mở rộng thị trường xuất khẩu.
Cây thanh long được xác định là cây lợi thế và đặc sản của tỉnh Bình Thuận. Tính đến tháng 9/2022, toàn tỉnh có hơn 29.700 ha cây thanh long, chủ yếu xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới Việt – Trung, chiếm khoảng 70-80% tổng sản lượng thanh long trên địa bàn tỉnh.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết, việc triển khai cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói không những giúp truy xuất nguồn gốc mà còn gắn chặt sản xuất theo quy trình nhất định để đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu. Đồng thời giúp nông dân, người kinh doanh ý thức được các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu.
Việc cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói góp phần truy xuất nguồn gốc, tạo thuận lợi mở rộng thị trường xuất khẩu. Ảnh: KH
Trước đây, các mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói được Cục Bảo vệ thực vật cấp căn cứ theo rà soát của UBND tỉnh. Đến năm 2021, Cục Bảo vệ thực vật chính thức giao việc giám sát và quản lý vùng trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu cho địa phương. Tính đến tháng 6/2022, toàn tỉnh có 574 mã số vùng trồng và 287 mã số cơ sở đóng gói được cấp và giám sát; trong đó, mã số vùng trồng trong tỉnh đăng ký xuất khẩu sang Hàn Quốc là 120 mã số, Australia là 139 mã số; New Zealand là 139 mã số; Trung Quốc là 78 mã số...
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đạt hiệu quả, sở đã đề ra một số giải pháp trong thời gian tới. Trong đó, chú trọng tuyên truyền, vận động người dân duy trì việc sản xuất, ghi chép nhật ký nhằm truy xuất nguồn gốc. Tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sản xuất thanh long theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, thanh long hữu cơ để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của nhiều thị trường xuất khẩu. Cùng với đó, mở rộng thị trường tiêu thụ thanh long còn rất lớn, tiềm năng như Ấn Độ, Nhật Bản và Australia...
Đồng thời, quản lý chặt chẽ các vùng trồng, cơ sở đóng gói thanh long xuất khẩu. Hạn chế tối đa việc các tổ chức, cá nhân sử dụng không đúng mã số vùng trồng hoặc cơ sở đóng gói thanh long xuất khẩu. Đẩy nhanh tốc độ thực hiện các thủ tục cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói thanh long nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện việc xuất khẩu thuận lợi và đảm bảo quy định.
Bình Thuận hướng tới mục tiêu mở rộng gần 12.000ha thanh long đạt tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: Hợp Phố
Đáp ứng tiêu chuẩn trong sản xuất là điều kiện quan trọng để các cơ sở sản xuất được cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Hiện tại, toàn tỉnh đã có gần 12.400ha cây thanh long được cấp giấy chứng nhận VietGAP và 560ha được cấp giấy chứng nhận GlobalGAP. Năm 2022 toàn tỉnh phấn đấu có 11.900 ha thanh long đạt tiêu chuẩn VietGAP. Cụ thể, diện tích cấp chứng nhận mới tại huyện Hàm Thuận Nam 200 ha, tái cấp chứng nhận trên 5.200 ha; Hàm Thuận Bắc tái cấp trên 2.000 ha; Bắc Bình cấp mới 20 ha, tái cấp 382 ha…
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 109 tổ hợp tác được cấp Giấy chứng nhận sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP/2.281 hộ; 59 hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ thanh long, trong đó có 22 hợp tác xã/448 hộ sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tổ chức lại vùng sản xuất, chuyên canh thanh long quy mô lớn, hữu cơ đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến; nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để đẩy mạnh thực hiện, nâng cao hiệu quả, hướng đến phát triển toàn diện, nâng cao năng suất, chất lượng, phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Đồng thời, tập trung củng cố, nâng cao năng lực hoạt động của hợp tác xã (HTX), vận động người sản xuất tham gia vào HTX để sản xuất theo VietGAP, GlobalGAP; phát huy vai trò của các HTX trong điều hành sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm đầu ra, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên từ đó liên kết với doanh nghiệp để sản xuất - tiêu thụ nhằm đảm bảo sản xuất và tiêu thụ bền vững.
Thu Hoài
Bình luận