Hotline: 0941068156
Thứ tư, 04/12/2024 15:12
Thứ năm, 14/03/2024 07:03
TMO - Thời gian qua, tỉnh An Giang tập trung xây dựng hệ thống hạ tầng phục vụ phát triển du lịch hoàn chỉnh, gồm: Hạ tầng giao thông, hạ tầng viễn thông, hạ tầng dịch vụ… để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
An Giang là tỉnh được thiên nhiên ưu đãi với nhiều danh lam, thắng cảnh, núi non hùng vĩ bậc nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Là tỉnh đa dân tộc, đa tôn giáo cùng chung sống lâu đời, tạo ra những giá trị văn hóa dân tộc phong phú, đa dạng, thể hiện qua các lễ hội văn hóa dân tộc, làng nghề thủ công truyền thống, công trình kiến trúc văn hóa độc đáo. An Giang còn có nhiều di tích lịch sử văn hóa và danh thắng; có tín ngưỡng thờ mẫu nổi tiếng khắp cả nước.
Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, để phát triển “ngành công nghiệp không khói”, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020 - 2025) xác định mục tiêu: “Khai thác mạnh mẽ lợi thế so sánh của địa phương trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế. Phát triển hài hòa giữa kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân. Đồng thời, xác định khâu đột phá: Đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp và du lịch”.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh (nhiệm kỳ 2020 - 2025), thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành nên tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức về vị trí, vai trò của ngành du lịch đối với phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, tạo động lực phát triển du lịch theo định hướng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tỉnh An Giang đang đẩy mạnh kêu gọi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, nhằm khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh về du lịch, tạo bước đột phá phát triển toàn diện, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch, hướng tới mục tiêu trở thành một trong những trung tâm du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Tỉnh An Giang chú trọng đầu tư hạ tầng cho phát triển du lịch.
Năm 2024, An Giang phấn đấu đón 9 triệu lượt khách trong và ngoài nước đến các khu, điểm du lịch, điểm tham quan. Trong số đó, có 25.000 lượt khách quốc tế. Doanh thu từ hoạt động du lịch năm 2024 phấn đấu đạt 6.200 tỷ đồng. An Giang đang đẩy mạnh thu hút đầu tư vào 4 khu, điểm du lịch trọng điểm, có lợi thế cạnh tranh cao trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long như Khu Du lịch Quốc gia Núi Sam (Châu Đốc); Khu Du lịch Núi Cấm, rừng tràm Trà Sư (Tịnh Biên); Khu Du lịch Mỹ Hòa Hưng-cồn Phó Ba (Long Xuyên); Khu Di tích Văn hóa Óc Eo-Ba Thê (Thoại Sơn). An Giang đang đẩy nhanh việc thực hiện các dự án hạ tầng giao thông liên kết vùng và liên kết các huyện, thị xã, thành phố để phát triển kinh tế xã hội, trong đó có phát triển du lịch.
Tỉnh đã đề xuất kiến nghị Trung ương hỗ trợ đầu tư các dự án như Tuyến nối từ điểm đầu đường cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng đến cửa khẩu Tịnh Biên và điểm đầu đường cao tốc đến điểm đầu Quốc lộ 91 đi cửa khẩu Khánh Bình (theo tuyến Quốc lộ 91C); Xây dựng cầu Tôn Đức Thắng kết nối từ thành phố Long Xuyên với cồn Mỹ Hòa Hưng, quê hương Bác Tôn; Đầu tư xây dựng Cầu Tân Châu-Hồng Ngự; Tuyến tránh Quốc lộ 91 qua đô thị Cái Dầu-Vĩnh Thạnh Trung (nối đường tỉnh ĐT.945 và đường tỉnh ĐT.947), huyện Châu Phú, tỉnh An Giang.
Tỉnh cũng kêu gọi đầu các dự án cầu Năng Gù, cầu Thuận Giang, cầu An Hòa; đôn đốc triển khai thi công Dự án thành phần 1 thuộc dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng, giai đoạn 1. Đồng thời, tỉnh triển khai và hoàn thành công tác bảo trì cho 19 tuyến đường tỉnh với số tiền khoảng 92,5 tỷ đồng; bảo trì cho hệ thống đường quốc lộ nhận ủy quyền quản lý như: Quốc lộ 91C, N1 và Quốc lộ 91 với số tiền 30 tỷ đồng.
Hạ tầng giao thông được đẩy mạnh đầu tư kết nối các dự án du lịch trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh An Giang cho biết, tỉnh tập trung đẩy mạnh giải ngân đầu tư công các dự án hạ tầng giao thông kết nối du lịch và các dự án thuộc lĩnh vực du lịch trên địa bàn; chuẩn bị, rà soát danh mục dự án thuộc lĩnh vực du lịch phù hợp với quy hoạch tỉnh, các chính sách ưu đãi mời gọi đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến An Giang.
Tỉnh cũng đẩy mạnh hoạt động thanh toán điện tử, thương mại điện tử cho các doanh nghiệp du lịch; phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin, triển khai mạng 5G ở các khu vực trọng điểm, phủ sóng wifi công cộng tại các khu, điểm du lịch, bến xe, trung tâm mua sắm; vận hành thử nghiệm hệ thống du lịch thông minh, đẩy mạnh ứng dụng thực tế ảo vào quảng bá di tích, danh lam thắng cảnh. Năm 2023, An Giang đón khoảng 8,5 triệu lượt khách, đạt 106% so với kế hoạch năm, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2022. Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 5.900 tỷ đồng, đạt 107% năm, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2022...
Đức Tuấn
Bình luận