Hotline: 0941068156
Thứ ba, 21/01/2025 10:01
Thứ sáu, 08/12/2023 08:12
TMO - Tỉnh Kiên Giang triển khai nhiều giải pháp nhằm chủ động ứng phó với hạn mặn, trong đó địa phương này ưu tiên cấp nước sinh hoạt, cũng như đảm bảo nước tưới cho hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, hàng năm, số dân có nguy cơ bị ảnh hưởng thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô hạn dự báo khoảng 30.000 hộ, tập trung ở những khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo khó khăn về nước sinh hoạt, vùng chưa được đầu tư các công trình cấp nước tập trung.
Để đảm bảo nước ngọt sinh hoạt cho dân, UBND tỉnh yêu cầu các sở ngành và địa phương vận hành các hệ thống cống ở TP Rạch Giá, Châu Thành để trữ ngọt và ngăn mặn xâm nhập sâu vào kênh Cái Sắn, kênh Rạch Giá - Long Xuyên; vận hành cống Ba Hòn và đẩy nhanh tiến độ sửa chữa cống Hà Giang (huyện Giang Thành). UBND tỉnh xác định ưu tiên cấp nước sinh hoạt, chăm lo cho sức khỏe người dân, cấp nước cho chăn nuôi và lĩnh vực sản xuất trọng yếu. Tổng kinh phí để ứng phó với tình hình hạn hán, thiếu nước, mặn xâm nhập mùa khô 2023-2024 của Kiên Giang hơn 102 tỷ đồng.
UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các địa phương triển khai các giải pháp công trình như đắp đập tạm, nạo vét kênh, mương kết hợp làm bờ bao; duy tu, sửa chữa công trình thủy lợi, trạm bơm điện... và các giải pháp phi công trình cụ thể, chi tiết đến từng huyện, xã để chủ động thực hiện.
Cống thủy lợi tuyến đê biển An Biên - An Minh tại xã Thuận Hòa (An Minh, Kiên Giang) ngăn mặn, giữ ngọt, điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất. Ảnh: HH
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, địa phương này vận hành hiệu quả hệ thống cống vùng Tứ giác Long Xuyên, ven biển An Biên - An Minh, đê bao U Minh Thượng và đê bao Ô Môn - Xà No để phục vụ nguồn nước cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân. Vùng ven biển An Biên - An Minh, một số khu vực trên địa bàn các huyện Châu Thành, Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành bị xâm nhập mặn cục bộ do hệ thống cống ngăn mặn chưa được xây dựng đồng bộ sẽ tập trung gia cố, đắp mới các đập thời vụ tại các khu vực có khả năng bị nhiễm mặn.
Ngành chức năng phối hợp với các địa phương rà soát nạo vét kênh, mương kết hợp làm đê bao, bờ bao để tăng khả năng trữ nước ngọt sử dụng trong mùa khô trên địa bàn. Chi cục Thủy lợi tỉnh phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi miền Nam vận hành hợp lý các cống Cái Lớn, Cái Bé, Xẻo Rô để đảm bảo cho yêu cầu sản xuất.
Trước đó, giữa tháng 12/2023, ngành chức năng tỉnh cùng với địa phương hoàn thành gia cố, đắp mới 45 đập đất ngăn mặn ở các huyện Kiên Lương, Châu Thành, An Biên, An Minh; dự phòng gia cố, đắp mới 14 đập ngăn mặn trên địa bàn 2 huyện Hòn Đất và Kiên Lương khi mặn xâm nhập sâu. Tiếp đến, xây dựng, sửa chữa 44 cống thủy lợi, 35 trạm bơm điện, nạo vét hơn 50 kênh, mương kết hợp làm đê bao, bờ bao và duy tu, cải tạo, sửa chữa công trình thủy lợi trên địa bàn các huyện Giồng Riềng, Gò Quao, Châu Thành, An Biên, Giang Thành.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang phối hợp với Cơ quan khí tượng, thủy văn theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến khí tượng, thủy văn, cập nhật tình hình mực nước đầu nguồn tại Châu Đốc (An Giang) và các trạm nội đồng trên địa bàn tỉnh để chủ động ứng phó. Sở tăng cường điều tra xâm nhập mặn trên các tuyến sông, kênh trục chính, kịp thời thông báo tình hình mặn, diễn biến mực nước cho các ngành, địa phương và nhân dân biết để chủ động trong sản xuất và sinh hoạt.
UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình hạn hán, mặn xâm nhập để trồng trọt, chăn nuôi và các lĩnh vực sản xuất trọng yếu khác.
UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình hạn hán, mặn xâm nhập để trồng trọt, chăn nuôi và các lĩnh vực sản xuất trọng yếu khác. Chủ động bố trí ngân sách địa phương và các nguồn vốn xã hội hóa để triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, mặn xâm nhập; ưu tiên bố trí kinh phí đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp công trình cấp nước tập trung...
Chủ động vận hành có hiệu quả các cống trên địa bàn tỉnh và phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi miền Nam vận hành các cống Cái Lớn, Cái Bé, Xẻo Rô đảm bảo an toàn cho sản xuất; thường xuyên kiểm tra, đánh giá, cân đối nguồn nước để điều chỉnh kế hoạch sử dụng nước phù hợp, đáp ứng tốt nhất nhu cầu nước sinh hoạt và sản xuất. Chủ động tích trữ nước ở các hồ chứa, nhất là các hồ chứa trên các đảo. Qua 2 năm đưa vào sử dụng, hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đã kiểm soát nguồn nước, đáp ứng tốt yêu cầu đối với mô hình sản xuất theo hệ sinh thái mặn, lợ, ngọt hiện có trên địa bàn. Đảm bảo công tác ứng phó với tình hình hạn, mặn vào mùa khô cho vùng thượng lưu cống Cái Lớn, Cái Bé bao gồm tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang.
UBND tỉnh đề nghị các huyện, thành phố chủ động thực hiện sớm, khẩn trương việc nạo vét kênh, mương kết hợp làm đê bao, bờ bao để tăng cường khả năng trữ nước ngọt trong mùa khô. Tập trung gia cố, đắp mới các đập ngăn mặn theo thời vụ, sửa chữa trạm bơm điện, công trình thủy lợi phục vụ phòng, chống hạn mặn. Đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, nhất là các công trình giữ ngọt, kiểm soát mặn, hệ thống kênh, mương ở các vùng có nguy cơ cao xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, mùa khô năm 2023 - 2024, tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong (trạm Kratie-Campuchia) về hạ lưu và ĐBSCL có khả năng thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 5 - 10%. Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long dao động theo thủy triều với xu thế xuống dần. Từ đó xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 - 2024 sẽ đến sớm hơn và cao hơn TBNN, tại một số thời điểm có khả năng thiếu nước cục bộ do xâm nhập mặn vào sâu.
Thời gian xâm nhập mặn ở các cửa sông Cửu Long có thể xuất hiện từ tháng 12/2023, trong đó xâm nhập mặn cao tập trung trong tháng 2, tháng 3/2024; riêng các sông Vàm Cỏ, sông Cái Lớn vào các tháng 3, 4, 5/2024. Cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho biết, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 dự kiến ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm, có khả năng ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Từ giữa tháng 1 đến đầu tháng 3/2024, ranh mặn 4g/l có thể xâm nhập sâu vào khu vực khoảng 50 đến 65km. Nguy cơ thiếu nước có thể xảy ra ở một số địa phương, do đó cần tăng cường giải pháp ứng phó cho hơn 56.000ha lúa tại các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng…
Đối với vùng chuyên canh cây ăn trái, tổng diện tích nguy cơ bị ảnh hưởng khoảng 43.300ha, thuộc 4 tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng. Nguy cơ thiếu nước sinh hoạt tại các hộ dân sống phân tán và công trình cấp nước tập trung khai thác nước mặt khu vực ven biển thuộc các tỉnh: Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau…
Tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn có nguy cơ diễn ra trên phạm vi rộng và kéo dài, đặc biệt ĐBSCL có khả năng kéo dài đến mùa khô năm 2024-2025, ngành nông nghiệp khuyến cáo các địa phương, người dân cập nhật kịp thời thông tin dự báo khí tượng thủy văn, xâm nhập mặn và triển khai biện pháp chủ động ứng phó với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô 2023-2024. Tình trạng này gây nhiều ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, một số địa phương đã lên phương án phòng tránh.
Bùi Hằng
Bình luận