Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 01:11
Thứ hai, 01/01/2024 06:01
TMO - Trước tình hình mưa lũ, sạt trượt ở nhiều khu vực diễn biến phức tạp, các cấp chính quyền ở Đắk Nông đang nỗ lực bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân, giảm thiểu thiệt hại về thiên tai.
Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Đắk Nông, năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 12 đợt thiên tai lớn như lũ lụt, gió lốc, sạt lở đất..., ước tổng thiệt hại khoảng 1.000 tỷ đồng. Thiên tai làm 373 căn nhà, vật kiến trúc bị ngập, hư hỏng, sụp đổ hoặc phải di dời. Có hơn 918ha cây trồng các loại; 241ha ao nuôi thủy sản; hơn 1.000 con gia súc, gia cầm bị thiệt hại do thiên tai. Ngoài ra, nhiều công trình hạ tầng như giao thông, thủy lợi, trường học... bị hư hỏng, xuống cấp do ngập lụt, sạt lở đất.
Điển hình, hồi cuối tháng 7, đầu tháng 8/2023, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Nông liên tiếp đón những cơn mưa lớn, kéo dài suốt nhiều giờ đồng hồ, gây ngập lụt trên diện rộng. Trong 2 ngày 30 và 31/7, nhiều nơi trong tỉnh ghi nhận mưa lớn kỷ lục, lượng mưa dao động trên dưới 150mm, có nơi 200mm. Đây được coi là đợt mưa lũ kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây tại Đắk Nông. Tại TP Gia Nghĩa, mưa lớn kéo dài khiến 45 hộ dân bị ngập nặng, phải di dời khẩn cấp. UBND thành phố cho biết, hơn 28 năm, đây là lần đầu tiên thành phố xảy ra mưa lớn kéo dài. Trước tình hình trên, các lực lượng chức năng, đội xung kích nhanh chóng hỗ trợ người dân sơ tán đến nơi an toàn.
Bên cạnh đó, tuyến đường Hồ Chí Minh (QL14 cũ) đoạn qua phường Nghĩa Thành (TP Gia Nghĩa) cũng bị sụt lún, nứt toác ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc lưu thông. Đến nay, địa phương này đang lên phương án sửa chữa, khắc phục. Địa phương cũng chịu ảnh hưởng lớn do thiên tai chính là huyện Tuy Đức. Trước đó, khuya 31/7, tại bon (buôn) Bu Krắc, xã Quảng Trực xuất hiện 2 tiếng nổ lớn. Sau đó, người dân cảm nhận có sự rung chấn từ mặt đất. Đến sáng 1/8, người dân phát hiện nhiều vết nứt gãy trên mặt đất. Từ vết nứt này, những ngày sau tiếp tục có dấu hiệu lan rộng.
Các địa phương nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai trên địa bàn.
Để đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng cho người dân, chính quyền địa phương cùng các ngành chức năng khẩn trương tiến hành nhiều cuộc di dân khẩn cấp. Đến nay, huyện này đã đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông cho chủ trương xây dựng 2 điểm tái định cư, với quy mô bố trí ổn định cho khoảng 120 hộ dân tại bon Bu Krắc và bon Bu Prăng 1A. Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông yêu cầu lãnh đạo các địa phương và sở, ngành liên quan chủ động phòng tránh thiên tai, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại.
Đối với những khu vực có nguy cơ mất an toàn do sụt lún, sạt trượt, lãnh đạo tỉnh yêu cầu di dời khẩn và có phương án bố trí nơi ăn chốn ở đảm bảo cho người dân an tâm. UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo triển khai các biện pháp hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo ổn định đời sống nhân dân. Các ngành chức năng, chính quyền các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chủ động ứng phó với các hiện tượng lũ quét, sạt lở đất, dông lốc… nhất là trong bối cảnh lượng mưa được ghi nhận tại nhiều địa phương ở mức cao, phổ biến khoảng 150mm, cá biệt có nhiều nơi trên 200mm.
Chủ tịch UBND các huyện, thành phố rà soát các khu vực sườn dốc (nhất là tại các khu dân cư, trường học, trụ sở cơ quan…) để kịp thời phát hiện nguy cơ sạt lở khi lượng mưa lớn tiếp tục kéo dài; chủ động khơi thông dòng chảy các sông, suối, xử lý nghiêm tình trạng lấn chiếm hành lang thoát lũ. UBND các xã, phường, thị trấn nghiêm túc thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng” trong công tác phòng, chống thiên tai…Các đơn vị khai thác, quản lý hồ đập thủy lợi, thủy điện theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, thực hiện nghiêm quy trình vận hành đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đặc biệt chú trọng cảnh báo cho nhân dân để đảm bảo an toàn cho tính mạng, tài sản của người dân, cho vùng hạ du và các công trình.
Đường Hồ Chí Minh đoạn qua tổ dân phó 9, phường Nghĩa Thành, TP. Gia Nghĩa sạt lở nghiêm trọng.
Để chủ động phòng, chống mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất, bảo đảm an toàn tính mạng người dân, khắc phục thiệt hại về tài sản của dân và công trình hạ tầng, giao thông UBND tỉnh Đắk Nông yêu cầu các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn; các tổ chức chính trị xã hội; xã đơn vị quản lý, vận hành công trình thủy điện, thủy lợn, hồ chứa nghiêm túc triển khai thực hiện các ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh về việc chủ động các biện pháp ứng phó với thiên tai.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương và UBND xã huyện, thành phố chỉ đạo, kiểm tra các đơn vị quản lý thủy lợi, thủy điện thực hiện đúng quy trình vận hành, bảo đảm an toàn mùa mưa lũ. Sở Giao thông Vận tải chủ trì phối hợp với các đơn vị triển khai kế hoạch duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường trong tỉnh bảo đảm giao thông thông suốt, tổ chức đánh giá tại các vị trí xung yếu có nguy cơ ngập lụt, sạt lở, sụt lún và dự trù phương án khắc phục, đảm bảo giao thông khi có sự cố xảy ra.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh xây dựng phương án, bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ ứng cứu các tình huống khẩn khấp về thiên tai, tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, sơ tán, di dời dân ra khỏi nơi nguy hiểm, giúp các địa phương khắc phục hậu quả. Công an tỉnh bảo đảm an ninh trật tự an toàn xã hội và bảo vệ các cơ quan, các vùng khi có thiên tai và phối hợp với quân đội, các ngành, địa phương sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm và tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả.
UBND xã huyện, TP. Gia Nghĩa rà soát, cập nhật, xác định những khu vực nguy hiểm có khi xảy ra mưa lũ, chủ động di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai cấp xã triển khai các biện pháp cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, trang bị thông tin liên lạc truyền tin đến các tổ dân phố, thôn, buôn, bon để phục vụ cảnh báo khi xảy ra tình huống khẩn cấp…
Chủ tịch UBND các huyện, thành phố rà soát các khu vực sườn dốc (nhất là tại các khu dân cư, trường học, trụ sở cơ quan…) để kịp thời phát hiện nguy cơ sạt lở khi lượng mưa lớn tiếp tục kéo dài; chủ động khơi thông dòng chảy các sông, suối, xử lý nghiêm tình trạng lấn chiếm hành lang thoát lũ. UBND các xã, phường, thị trấn nghiêm túc thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng” trong công tác phòng, chống thiên tai… Các đơn vị khai thác, quản lý hồ đập thủy lợi, thủy điện theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, thực hiện nghiêm quy trình vận hành đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đặc biệt chú trọng cảnh báo cho nhân dân để đảm bảo an toàn cho tính mạng, tài sản của người dân, cho vùng hạ du và các công trình.
Minh Hoàng
Bình luận