Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 04:11
Thứ tư, 09/03/2022 15:03
TMO - Các núi đá vôi ở Hà Tiên - Kiên Lương (tỉnh Kiên Giang) chứa đựng tài nguyên sinh học phong phú và có ý nghĩa rất lớn về văn hóa, quốc phòng, lịch sử và kinh tế. Theo nghiên cứu của nhiều nhà khoa học, những hang động trong các núi đá vôi của tỉnh Kiên Giang đã được sử dụng cách đây hàng ngàn năm.
Hệ thống núi đá vôi Kiên Lương - Hà Tiên nằm trong quần thể núi đá vôi kéo dài từ Kiên Giang (Việt Nam) sang Kampot (Campuchia). Tuy diện tích chỉ 3,6 km2 nhưng tính đa dạng sinh học ở khu vực này cực kỳ quan trọng. Những khám phá đầu tiên về tính đa dạng sinh học của các hòn núi đá vôi Kiên Giang đã tạo nên sức hấp dẫn, động lực kêu gọi sự quan tâm và nghiên cứu của các nhà nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước.
Khu vực núi đá vôi tại Kiên Giang chứa đựng đa dạng sinh học về hệ động thực vật đặc hữu
Đây là vùng núi đá vôi duy nhất ở phía Nam Việt Nam, với khoảng 21 hòn núi nhỏ nằm rải rác trong vùng đồng bằng ngập nước Hà Tiên. Chính sự biệt lập về địa lý đã tạo nên tính đặc hữu và đa dạng riêng biệt cho vùng núi đá vôi này. Theo các nhà khoa học thì hệ thống hang động vùng Hòn Chông - Kiên Lương chứa đựng các di tích khảo cổ học của thời kỳ trước văn minh Phù Nam (đầu Công Nguyên đến nửa thế kỷ Bảy). Nhiều di chỉ của nền văn hóa Phù Nam đã được tìm thấy tại các hang động như Hang Tiền và Chùa Hang.
Ngoài giá trị cảnh quan và văn hóa lịch sử, núi đá vôi ở Kiên Giang được đánh giá là một trong những khu vực có tính đa dạng sinh học với tỷ lệ các loài đặc hữu rất cao. Tính đa dạng về sinh cảnh và hệ sinh thái được đánh giá rất cao, do đặc điểm vi khí hậu và địa hình gồ ghề, có nhiều hang động,...
Loài ốc cạn tại Hòn Chông là loài đặc thù tại hệ sinh thái núi đá vôi
Núi đá vôi tại đây còn có hệ động vật phong phú, với ít nhất 155 loài động vật có xương sống, trong đó một số loài chim, thú quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng và cần được bảo vệ.Trong đó, loài ốc cạn và nhóm chân đốt là hai nhóm đặc thù nhất của hệ sinh thái núi đá vôi. Ở vùng nhiệt đới, Kiên Lương là một điểm nóng về đa dạng sinh học với số lượng loài động vật không xương sống trong đất được ghi nhận nhiều nhất.
Ngoài ra, khu vực núi đá vôi Kiên Lương -Hà Tiên còn là nơi sinh sống của 114 loài chim, 6 loài được đề cập trong Sách Đỏ Việt Nam và Danh lục Đỏ Thế giới..
Loài Thu hải đường gần đây đã được phát hiện tại núi Bà Tài, bổ sung vào danh mục thực vật cho khoa học thế giới
Thu hải đường này thường mọc trong các khe đá trên núi đá vôi, ẩm có bóng mát. Loài Điểu bế là loài đặc hữu hẹp của hòn Hang Cá Sấu, Bà Tài, Hang Tiền, Mo So. Điểu bế là loài cây chịu bóng, mọc từng bụi rải rác trên các khe nứt hay các hốc đất nhỏ trên các vách đứng ở cửa hang. Các hoạt động khai thác tài nguyên đá vôi ở đây đang đe dọa nghiêm trọng đến sự tồn tại của loài thực vật đặc hữu này.
Loài Voọc bạc Đông Dương ở khu vực núi đá vôi Kiên Giang
Bên cạnh đó, vùng núi đá vôi tại đây còn ghi nhận loài động vật quan trọng khác là Voọc bạc Đông Dương. Một trong những nơi cư trú cuối cùng của loài Voọc bạc Đông Dương chính là vùng núi đá vôi thuộc Kiên Giang. Voọc bạc Đông Dương được ghi nhận ở Bãi Voi, Khoe Lá, Chùa Hang, Hang Tiền, và hòn Lô Cốc. Hiện nay, Voọc bạc được đưa vào Sách Đỏ Thế giới với mức độ nguy cấp (EN).
Ngoài giá trị cảnh quan, khu hệ núi đá vôi tại Kiên Giang còn có giá trị cao về đa dạng sinh học và tính đặc hữu không nơi nào có. Khu vực này xứng đáng được đầu tư nghiên cứu kỹ hơn và quy hoạch lại để có được một vị trí quan trọng trong lòng khu Dự trữ Sinh quyển Kiên Giang. Nếu trước kia đến Kiên Lương- Hà Tiên, du khách có thể tham quan các di tích, danh thắng nổi tiếng Hòn Phụ Tử, Chùa Hang, Thạch Động..., thì nay nơi đây sẽ là điểm tham quan du lịch sinh thái với khu hệ động thực vật đặc hữu và duy nhất trên thế giới.
Hải Nam
Bình luận