Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 01:01
Thứ năm, 30/03/2023 14:03
TMO - Tỉnh Quảng Nam sẽ rà soát, đánh giá và xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp nhu cầu, tính chất đặc thù riêng của các thị trường khách quốc tế. Đồng thời, tăng cường nghiên cứu thị trường, nhu cầu và thị hiếu của khách du lịch quốc tế, trên cở đó tiến hành xây dựng cơ sở dữ liệu thị trường khách du lịch quốc tế.
Nhằm đẩy mạnh thu hút, tạo sự đột phá trong thị trường khách du lịch quốc tế, tỉnh Quảng Nam đặt ra yêu cầu, các hoạt động thu hút và đón khách du lịch quốc tế phải bảo đảm an toàn, thuận lợi cho du khách, doanh nghiệp, người lao động và cộng đồng dân cư. Đồng thời, tỉnh chủ động, linh hoạt và sẵn sàng các phương án xử lý tình huống, phòng ngừa rủi ro trong quá trình tổ chức đón khách quốc tế.
Địa phương này sẽ rà soát, đánh giá và xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp nhu cầu, tính chất đặc thù riêng của các thị trường khách quốc tế; tiếp tục mở rộng thị trường có khả năng tăng trưởng nhanh, nguồn khách lớn, mức chi tiêu cao và lưu trú dài ngày; tăng cường nghiên cứu thị trường, nhu cầu và thị hiếu của khách du lịch quốc tế, trên cở đó tiến hành xây dựng cơ sở dữ liệu thị trường khách du lịch quốc tế.
Tỉnh cũng hình thành các sản phẩm đa dạng, hấp dẫn từ giá rẻ đến cao cấp, giảm thiểu cạnh tranh không lành mạnh; nghiên cứu tổ chức các hoạt động thu hút khách du lịch quốc tế như festival biển, festival ẩm thực, các lễ hội, hoạt động đường phố....; tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt, có giá trị gia tăng cao và tăng trải nghiệm cho du khách phù hợp nhu cầu các thị trường khách quốc tế và nâng cao khả năng cạnh tranh.
Tỉnh Quảng Nam tiếp tục nâng cao chất lượng, đa dạng các sản phẩm du lịch nhằm thu hút du khách quốc tế. Ảnh: ĐH.
Quảng Nam sẽ xây dựng các mô hình sản phẩm du lịch mới trên nền tảng các giá trị văn hóa dân tộc, tài nguyên tự nhiên từng vùng, từng địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ bổ sung thêm giá trị mang tính sáng tạo, độc đáo để hình thành các sản phẩm du lịch có tính chất đặc thù riêng của từng vùng, từng địa phương; bảo đảm cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch, kiên quyết không cạnh tranh phá giá; thu hút các nguồn lực xã hội để chỉnh trang, hoàn thiện, nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch, ổn định lại nguồn nhân lực để sẵn sàng phục vụ khách quốc tế.
Theo kế hoạch phát triển du lịch, tỉnh Quảng Nam sẽ phát triển các sản phẩm du lịch có giá trị gia tăng cao, gắn với tạo thương hiệu, cạnh tranh lâu dài theo hướng xanh, bền vững, phù hợp với tiềm năng và lợi thế từng vùng. Trong đó, phía Bắc Quảng Nam sẽ tập trung đầu tư phát triển Hội An thành đô thị du lịch tiêu biểu của cả nước, Cù Lao Chàm trở thành khu du lịch quốc gia. Tại phía Nam sẽ định hướng phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, thủ công truyền thống gắn với du lịch tìm hiểu lịch sử văn hóa cách mạng, du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch công vụ (MICE).
Ở phía Tây, Quảng Nam sẽ tập trung bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số kết hợp với các di tích lịch sử, văn hóa, các giá trị đặc trưng của các làng nghề truyền thống, thể thao mạo hiểm, khám phá, nghỉ dưỡng,... nhằm giảm tải cho khu vực di sản, đa dạng hóa sản phẩm du lịch của tỉnh và cân bằng phát triển du lịch giữa các vùng.
UBND tỉnh đề nghị các địa phương, doanh nghiệp, các tổ chức cá nhân chủ động xây dựng kế hoạch đầu tư, kết nối lại thị trường, đối tác tại các thị trường truyền thống và các thị trường tiềm năng; thúc đẩy hình thành các liên minh liên kết phát triển du lịch giữa các vùng, địa phương, điểm đến trong và ngoài tỉnh; tổ chức các chương trình gặp gỡ, khảo sát, giới thiệu sản phẩm, du lịch, đón các đoàn famtrip từ các thị trường quốc tế truyền thống của Quảng Nam và các thị trường tiềm năng.
Các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức cá nhân đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp cận thị trường du lịch; tổ chức các chiến dịch marketing online trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến theo từng thị trường; phát triển các website giới thiệu điểm đến, sản phẩm dịch vụ của địa phương, doanh nghiệp với phiên bản tiếng nước ngoài để tiếp thị tới thị trường mục tiêu.
UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp tạo đột phá đối với thị trường khách du lịch quốc tế.
UBND tỉnh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì định hướng công tác xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh; vận động doanh nghiệp du lịch xây dựng và chuẩn bị sẵn sàng các sản phẩm phù hợp nhu cầu, thị hiếu của thị trường khách du lịch quốc tế; triển khai thực hiện giải pháp quảng bá xúc tiến du lịch; xây dựng các chương trình kích cầu du lịch; tổ chức các chiến dịch marketing online trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến; phát triển các website giới thiệu điểm đến, sản phẩm dịch vụ của địa phương; hỗ trợ doanh nghiệp du lịch quảng bá, xúc tiến sản phẩm tại các thị trường quốc tế.
Đồng thời, tăng cường tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn để nhân lực có thông tin, hiểu biết về đặc thù của các thị trường mới; bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về ngoại ngữ và các kỹ năng liên quan khác. Thường xuyên giám sát, kiểm tra các hoạt động thu hút và đón khách du lịch quốc tế; kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và du khách.
Sở Công Thương cần tăng cường công tác quản lý thị trường; kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh du lịch, các khu, điểm du lịch vi phạm các quy định về đăng ký kinh doanh, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, bán hàng giả, hàng kém chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh; phối hợp các ngành, địa phương liên quan kiểm tra các cơ sở kinh doanh du lịch, các khu, điểm du lịch về công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm...
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 địa phương này đã đón khoảng 215.000 lượt khách tham quan, lưu trú. Con số này đã tăng gấp 3,8 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Tại số liệu thống kê, số lượng khách quốc tế đến Quảng Nam ước đạt 58.000 lượt, tăng gấp 33 lần và khách nội địa ước đạt 157.000 lượt, tăng 2,8 lần so với cùng kỳ. Trong bối cảnh hiện tại, số lượng khác quốc tế đến Quảng Nam phần lớn vẫn là các thị trường Hàn Quốc, Ấn Độ và một số nước châu Âu. Lượng khách vẫn tập trung chủ yếu đến phố cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn để tận hưởng kỳ nghỉ.
Tuy nhiên, để ngành du lịch phục hồi hoàn toàn, các doanh nghiệp trên địa bàn Quảng Nam vẫn đặt nhiều kỳ vọng vào các thị trường quốc tế trong thời gian tới. Bởi lẽ, các doanh nghiệp cho rằng khách quốc tế sẽ đến trải đều vào toàn bộ thời gian trong năm, trong khi đó khách nội địa sẽ du lịch theo mùa và chủ yếu tập trung vào các dịp nghỉ lễ. Ngoài các thị trường Đông Nam Á, châu Âu,... tỉnh Quảng Nam cũng đã có kế hoạch về việc đón tiếp khách từ Trung Quốc khi quốc gia này đã thông báo mở cửa trở lại. Việc đón được nguồn khách Trung Quốc cũng sẽ góp phần vào việc khôi phục ngành du lịch của địa phương.
Hà Phương
Bình luận