Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 12:11
Thứ tư, 26/07/2023 07:07
TMO - Ngành Du lịch Quảng Ninh đẩy mạnh xây dựng, triển khai các sản phẩm du lịch mới, cùng với đó tiếp tục liên kết, xúc tiến thu hút thị trường khách du lịch trong nước cũng như đẩy mạnh quảng bá, thông tin các chính sách du lịch mới nhằm khôi phục lại thị trường du khách quốc tế.
Đứng thứ 3 cả nước, chỉ sau thành phố Hà Nội và TP.HCM, nằm trong top các điểm đến có doanh thu du lịch trên 10 nghìn tỷ đồng nửa đầu năm 2023, du lịch Quảng Ninh ghi nhận sự tăng trưởng vượt trội. Thống kê của ngành chức năng tỉnh, trong 6 tháng đầu năm, Quảng Ninh đã đón 8,86 triệu lượt khách, đạt 108% kịch bản, bằng 161% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng doanh thu từ khách du lịch ước đạt 16.660 tỷ đồng, đạt 100% kịch bản, bằng 156% cùng kỳ năm 2022. Tỷ lệ lấp đầy phòng tại các khu nghỉ dưỡng, khách sạn hạng sang trên địa bàn tỉnh vào dịp cuối tuần, ngày lễ đạt từ 90-100%; tàu đưa khách tham quan và ngủ đêm trên vịnh Hạ Long luôn ở tình trạng kín khách…
Khắp các điểm đến, đặc biệt là tại Hạ Long - tâm điểm du lịch của tỉnh, luôn ghi nhận sự sôi động, thu hút đông đảo du khách thậm chí còn hơn cả thời điểm trước Covid- 19. Các điểm du lịch biển đảo ở Quan Lạn, Minh Châu (huyện Vân Đồn), Trà Cổ (thành phố Móng Cái) hay đảo Cô Tô cũng được nhiều du khách lựa chọn. Riêng tại Móng Cái, tuyến cao tốc Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái thông xe cuối năm ngoái đã tạo điều kiện để thành phố biên giới này đón trên 1 triệu lượt khách, tăng 170% so với cùng kỳ (bằng 87% kế hoạch cả năm 2023). Đặc biệt, từ đầu tháng 6 đến nay, các khách sạn tại Móng Cái đều đạt công suất khai thác 100% vào tất cả các ngày cuối tuần.
Du lịch Quảng Ninh ghi nhận sự tăng trưởng vượt trội trong 6 tháng đầu năm 2023.
Để có được kết quả này, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động, sự kiện kích cầu, xúc tiến quảng bá, kết nối du lịch; phát triển thị trường du lịch, phục hồi mạnh mẽ hoạt động du lịch nội địa, từng bước phục hồi thị trường quốc tế.
Trong đó, năm 2023, Quảng Ninh xây dựng, đưa vào phục vụ du khách 38 sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn. Đến thời điểm này, đã có 21 sản phẩm du lịch đưa vào khai thác, phục vụ khách du lịch trong 6 tháng đầu năm; 7 sản phẩm du lịch chưa đảm bảo tiến độ do còn gặp một số vướng mắc trong đó có 02 sản phẩm du lịch của thành phố Hạ Long có báo cáo đề xuất đưa ra khỏi danh sách các sản phẩm dự kiến đưa vào hoạt động trong năm 2023 (sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sự, trải nghiệm Núi Bài Thơ và sản phẩm du lịch Phố đêm du thuyền); 10 sản phẩm du lịch dự kiến đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch vào 6 tháng cuối năm 2023 trong đó có 03 sản phẩm du lịch trên vịnh Bái Tử Long cơ bản sẽ không hoàn thành đưa vào khai thác theo tiến độ vì liên quan đến các quy định của Luật Lâm Nghiệp.
Các sản phẩm du lịch khác trên vịnh Hạ Long đang vướng một số nội dung: Quy hoạch bảo tồn phát huy giá trị vịnh Hạ Long đến 2020 được đề cập tại Quyết định số 1139/QĐ – UBND ngày 27/4/2015 đã hết hiệu lực. Hiện nay, Ban quản lý Vịnh Hạ Long đang tổ chức xây dựng lại. Cũng theo Quyết định số 142/2002/QĐ-TTg ngày 21/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ v/v phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản Vịnh Hạ Long đến năm 2020 và Quyết định số 1139/2002/QĐ-UBND ngày 27/4/2015 của UBND tỉnh Quảng Ninh v/v phê duyệt Quy hoạch chi tiết bảo tồn và phát huy giá trị di sản Vịnh Hạ Long đến năm 2020 đang hết hiệu lực.
Ban quản lý Vịnh Hạ Long đang tổ chức xây dựng Nhiệm vụ Đề cương quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi danh lam thắng cảnh Vịnh Hạ Long giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Vì vậy việc triển khai các sản phẩm du lịch mới cần đảm bảo phù hợp với các lớp quy hoạch được phê duyệt, đây cũng là nội dung còn vướng mắc chưa thể triển khai ngay một số sản phẩm du lịch trên Vịnh Hạ Long.
Trước đó, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định phê duyệt tổng thể quản lý, phát triển sản phẩm du lịch biển đảo vịnh Hạ Long – vịnh Bái Tử Long – Vân Đồn – Cô Tô. Theo đó, tỉnh Quảng Ninh phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo vịnh Hạ Long - vịnh Bái Tử Long - Vân Đồn - Cô Tô đúng với các quan điểm và mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh; phù hợp với tổng thể phát triển sản phẩm du lịch chung của tỉnh Quảng Ninh; hướng đến những giá trị mới được thiết lập trên cơ sở tính khác biệt, đặc sắc, nguyên bản của các giá trị văn hóa truyền thống, tính nguyên sơ, hấp dẫn, độc đáo của các giá trị tự nhiên, tính tiện nghi, hiện đại của giá trị sáng tạo từ khoa học công nghệ và trí tuệ nhân tạo.
Năm 2023, Quảng Ninh xây dựng, đưa vào phục vụ du khách 38 sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn. Ảnh: MT.
Ngoài ra, các sản phẩm du lịch biển, đảo vịnh Hạ Long - vịnh Bái Tử Long - Vân Đồn - Cô Tô sẽ có tính kết nối giữa vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long với khu vực biển đảo Vân Đồn, Cô Tô, Cát Bà (Hải Phòng), các vùng phụ cận dọc theo tuyến đường cao tốc Hạ Long – Móng Cái và khu vực từ huyện Tiên Yên đến thành phố Móng Cái; phát triển sản phẩm du lịch vịnh Bái Tử Long phải thực sự độc đáo, khác biệt đảm bảo tiêu chí “hấp dẫn, sang trọng, mới lạ, sinh thái, bền vững” góp phần giảm tải cho vùng lõi của Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long; có năng lực cạnh tranh với các nước trong khu vực và quốc tế; tạo giá trị gia tăng ngày càng cao trong tổng thể phát triển kinh tế của Tỉnh nói chung, kinh tế du lịch nói riêng.
Vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long - Vân Đồn, quần đảo Cô Tô với không gian dọc theo trục đường cao tốc Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái và không gian dọc theo các địa phương từ huyện Tiên Yên đến thành phố Móng Cái với mục tiêu tạo chuỗi các sản phẩm du lịch, kết nối các sản phẩm du lịch trên đất liền với các sản phẩm du lịch tại vùng biển đảo. Hiện tỉnh Quảng Ninh đã đưa vào khai thác Cảng Ao Tiên, phục vụ các tuyến đảo, trong đó chủ yếu là các tuyến du lịch biển đảo, kết nối Vân Đồn với Cô Tô và các khu vực đảo của huyện Vân Đồn.
Những tháng đầu năm, ngành Du lịch Quảng Ninh còn tổ chức trên 60 chương trình, sự kiện gắn với các bản sắc văn hóa, tài nguyên du lịch của từng địa phương, qua đó thu hút đông đảo khách du lịch tham quan, trải nghiệm, khám phá. Để tiếp tục thu hút mạnh mẽ du khách trong và ngoài nước đến với Quảng Ninh - Hạ Long, trong 6 tháng cuối năm, Quảng Ninh chỉ đạo ngành du lịch cùng các sở, ngành, địa phương liên quan chủ động tổ chức gần 90 chương trình, sự kiện, hoạt động văn hóa, giải trí, du lịch, thể thao độc đáo, hấp dẫn. Cùng với đó, tăng cường công tác thông tin, quảng bá cho các chương trình, sự kiện, sản phẩm du lịch mới bằng nhiều phương thức, tạo sức lan toả rộng khắp để người dân và du khách biết đến.
Năm 2023, Quảng Ninh phấn đấu đón 15 triệu lượt du khách, trong đó có 2 triệu lượt khách quốc tế. Doanh thu từ du lịch ước đạt 32.400 tỷ đồng. Để đạt mục tiêu này rất cần sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành, địa phương liên quan trong triển khai những giải pháp kết nối, xúc tiến, kích cầu du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch mới, đa dạng các loại hình du lịch, đặc biệt là khôi phục mạnh mẽ thị trường khách du lịch quốc tế.
Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định phê duyệt số 80/QĐ-TTg (ngày 11/2/2023), Quảng Ninh được định hướng phát triển thành ‘trung tâm logistics, cửa ngõ trung chuyển vận tải đa phương thức kết nối với Trung Quốc, Đông Bắc Á và ASEAN. Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với hệ thống dịch vụ chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế, giá trị gia tăng lớn; là đầu tàu du lịch quốc gia, trung tâm du lịch quốc tế, đón khách quanh năm, phấn đấu đến năm 2030 đón khoảng 25 triệu lượt khách du lịch (khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế). Việc phát triển các sản phẩm du lịch mới được đánh giá là sẽ góp phần giúp địa phương này hiện thực hóa các mục tiêu trên.
Thu Hà
Bình luận