Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 06:01
Thứ bảy, 10/06/2023 06:06
TMO - Với bốn ngọn tháp, tháp Bánh Ít (thôn Đại Lộc, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) là quần thể nhiều tháp nhất hiện còn tại địa phương này với giá trị kiến trúc, lịch sử, văn hóa đặc sắc.
Tại tỉnh Bình Định, kiến trúc các đền tháp Chăm có quy mô lớn và còn khá nguyên vẹn, mang phong cách của thời kỳ Vijaya. Hiện tại, các đền tháp Chăm nơi đây còn 8 cụm với 14 ngôi tháp Chăm, phân bố ở thành phố Quy Nhơn, thị xã An Nhơn và các huyện: Tuy Phước, Tây Sơn, Phù Cát. Trong đó, tháp Bánh Ít còn có tên gọi khác là Tháp Bạc trong tiếng J'rai là YANG MTIAN là một trong những ngôi tháp nổi tiếng nhất trong số các di tích tháp Chăm tại Bình Định với 4 tháp đứng trên đồi cao.
Cụm tháp Bánh Ít tại tỉnh Bình Định.
Tháp Bánh Ít được xây dựng cuối thế kỷ XI, đầu thế kỷ XII, thuộc Vương triều Chăm pa cổ. Đây là một nhóm tháp đại diện cho giai đoạn chuyển tiếp từ phong cách Mỹ Sơn A1 sang phong cách Bình Định, kết hợp hài hòa hai vẻ đẹp của hai xu thế: Nhịp nhàng, trang nhã và khỏe khoắn, hoành tráng của kiến trúc Chăm pa.
Tháp Bánh Ít cũng là quần thể tháp có số lượng nhiều nhất gồm 4 tháp: Đền thờ chính hay còn gọi là tháp Chính (Kalan), tháp Cổng (Gopura), tháp Lửa (Kosagrha), tháp Bia (Posah). Nơi đây xưa là trung tâm của ba thành cổ Chăm pa vương triều Vijaya: Thành Thị Nại, thành Cha và thành Đồ Bàn, với hoạt động kinh tế (gốm cổ Vijaya) và trung tâm thương mại (Cảng Thị Nại).
Tháp Bánh Ít cũng là quần thể tháp đặc trưng cho văn hóa Chăm pa cổ. Ảnh: NN.
Trong đó, tháp Cổng không lớn, cao chừng 13m, xây trên bình đồ hình vuông, mỗi chiều 7m, với tạo hình như một mũi lao, hướng lên trên. Tháp mở hai cửa thông nhau đi hướng Đông – Tây, cùng nằm trên một trục thẳng với cửa tháp chính trên đỉnh đồi. Hai mặt còn lại của tháp là hai cửa giả, không thông với lòng tháp nhưng vòm được tạo dáng giống như cửa thật. Quanh thân tháp có các trụ đá ốp để trơn không trang trí. Diềm mái tháp hơi nhô ra nâng toàn bộ ba tầng mái trang trí đơn giản nhưng khỏe khoắn.
Tháp chính (Kalan), nằm ở vị trí chính giữa đỉnh đồi. Đây là tháp có kích thước lớn nhất trong 4 tháp và là điểm thu hút ánh nhìn từ mọi phía. Tháp cao trên 20m. Cửa chính còn được trang trí diềm phù điêu khắc tạc hình Ganesa (người đầu voi, thần hạnh phúc và may mắn, con trai của thần Siva và thần nữ Parvanti), hình Hamuman (khỉ thần, theo truyền thuyết là con trai thần Gió Vayu, đã giúp hoàng tử Rama đánh thắng quỷ vương Ravana, cứu được công chúa Sita).
Nằm gần kề với tháp chính Tháp Hỏa (Kosagrha) có phần mái có hình vòm cong úp xuống như một chiếc yên ngựa nên mọi người thường gọi tháp này bằng cái tên tháp Yên Ngựa. Không chỉ phần mái mà từ phần đế tháp được xây rộng và thu hẹp dần khi đến thân, tạo nên điểm thanh thoát, uốn dẻo như “chiếc eo” của người thiếu nữ Chăm.
Tháp Bia (Posah) có 4 cửa đều thông với nhau ở 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Ảnh: NN.
Tháp Bia (Posah) có 4 cửa đều thông với nhau ở 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Tháp có phần mái khá đặc biệt, các tầng mái nhỏ dần về phía trên. Mỗi tầng đều có một hàng cột thể hiện theo lối thắt giữa, phình hai đầu, trông xa giống như những quả bầu nậm.
Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định đang phối hợp cùng với Sở Du lịch tỉnh Bình Định đề xuất các sản phẩm du lịch phục vụ du khách khi đến các tháp Chăm, nhất là sản phẩm du lịch ban đêm; tổ chức các tour đưa du khách về các tháp Chăm. Trong kế hoạch phát triển du lịch Bình Định năm 2023, UBND tỉnh đặt mục tiêu đạt 5 triệu lượt khách với doanh thu 16.400 tỷ đồng.
Ngô Uyên
Bình luận