Hotline: 0941068156
Thứ tư, 09/10/2024 04:10
Thứ sáu, 27/09/2024 08:09
TMO - Thời gian qua, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tập trung thực hiện phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là ngành chăn nuôi. Ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi đã mang lại lợi nhuận cao, góp phần lớn vào việc chuyển dịch cơ sở kinh tế tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hiện có hơn 404.000 con lợn, 6,8 triệu con gia cầm và hơn 155.000 con trâu, bò, dê. Chăn nuôi trong ngành nông nghiệp ngày càng chuyển dịch nhanh hơn, nếu như năm 2005 tỷ lệ này chỉ chiếm 31,6% thì đến năm 2024 đạt gần 47%; trong đó, sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt gần 35%.
Trong những năm gần đây, việc phát triển ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị các loại nông sản hàng hóa, tăng sức mạnh cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp trên thị trường. Đặc biệt đã chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, quy mô lớn gắn với ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị. Việc chuyển đổi này không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn hướng tới ngành chăn nuôi phát triển xanh, bền vững.
Mô hình chăn nuôi công nghệ cao được nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu áp dụng. Như tại 4 trại nuôi gà chuồng lạnh khép kín của doanh nghiệp trên địa bàn xã Suối Rao, huyện Châu Đức đã mang lại những hiệu quả tích cực. Chủ doanh nghiệp thông tin, các trại nuôi gà được nuôi đúng tiêu chuẩn với diện tích 1.600 m2/20.000 con/trại. Trại được xây dựng kiên cố bằng bê tông, khung thép, hệ thống máy lạnh làm mát không khí, cùng máng nước tự động, khay để thức ăn. Không chỉ đầu tư chuồng lạnh, trang trại này còn có hệ thống quản lý nhiệt độ, ánh sáng, thức ăn, nước uống tự động.
Ngoài ra, hệ thống phun thuốc sát trùng và xử lý phân được kích hoạt để ngăn ngừa vi khuẩn từ bên ngoài xâm nhập vào ảnh hưởng đến đàn gà, ngăn mùi hôi phát sinh. Gà giống, thức ăn cũng được trang trại nhập với nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Chỉ sau 6 tháng chăm sóc, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận từ gà thu của trang trại đạt khoảng 500 triệu đồng/lứa.
Nuôi gà theo hướng công nghệ cao tuy mức đầu tư ban đầu khá lớn, song quá trình nuôi lại hạn chế tối đa được dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt chỉ khoảng 2%. Ngoài ra, việc liên kết với các doanh nghiệp khác cũng tạo đầu ra ổn định, bền vững hơn so với nuôi gà theo kiểu truyền thống.
Còn tại trang trại chăn nuôi lợn ứng dụng công nghệ cao của doanh nghiệp trên địa bàn xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc, với hơn 38.000 con lợn; trong đó, có 35.000 con lợn thịt và 3.000 con lợn nái, trang trại đã ứng dụng công nghệ cao vào trong chăn nuôi khép kín toàn bộ.
Mô hình chăn nuôi gà công nghệ cao trên địa bàn huyện Châu Đức.
Đại diện trang trại trên cho biết, trang trại được xây dựng trên diện tích 70ha; trong đó, 25ha sử dụng trong chăn nuôi lợn. Hiện trang trại đang ứng dụng quy trình chăn nuôi lợn bằng đệm lót sinh học, khép kín trong chuồng lạnh, máng ăn, nước uống hoàn toàn tự động. Mặc dù nuôi trong phòng lạnh nhưng mỗi chuồng nuôi sẽ thiết kế một nửa sàn ximăng, một nửa là đệm lót sinh học, để khi nóng lợn sẽ lên sàn xi măng nằm, còn khi lạnh lợn có thể xuống đệm lót nằm.
Đặc biệt, trong quá trình nuôi từ khi sinh ra cho đến kỳ xuất chuồng lợn thịt hoàn toàn không tắm (không tiếp xúc với nguồn nước), từ thiết kế và cách chăn nuôi này đã giúp hạn chế về dịch bệnh, tiết kiệm được rất nhiều chi phí trong sử dụng điện, nước, thuốc thú y, đảm bảo về môi trường nuôi do không phát sinh nước thải, không phải xử lý nước thải trong trong chăn nuôi. Đồng thời chất lượng thịt sẽ ngon hơn, thịt đỏ, nhiều nạc. Việc áp dụng công nghệ cao vào chăn nuôi, đã giúp tiết kiệm được khoảng 50% chi phí trong chăn nuôi.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Hiện nay tỉnh đang phát triển chăn nuôi từ nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, an toàn sinh học ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ. Đến nay, tỉnh đã quy hoạch 34 vùng chăn nuôi tập trung tại thành phố Bà Rịa, thị xã Phú Mỹ, huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, Đất Đỏ và Long Điền. Tại các vùng quy hoạch này ngành chức năng tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô lớn, tập trung nhằm kiểm soát dịch bệnh, nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Hiện trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có 177 trang trại chăn nuôi, với diện tích gần 230ha trong đó có hơn 75% trang trại hoạt động chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, hầu hết các trang trại chăn nuôi đều được qui hoạch xa khu dân cư sinh sống, đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh hiệu quả.
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đặt mục tiêu giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 50% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp, để đạt mục tiêu đề ra tỉnh tiếp tục triển khai có hiệu quả các Chính sách tín dụng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời ưu tiên xây dựng phát triển hạ tầng các khu, vùng đã được quy hoạch nông nghiệp công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp công nghệ cao và xúc tiến thương mại nông nghiệp; tổ chức các chuyến tham quan, học tập các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong và ngoài nước để áp dụng các mô hình phù hợp, hiệu quả.
Lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết để đẩy mạnh phát triển các mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, ngành đang xây dựng Đề án chuỗi liên kết giá trị gia tăng và an toàn thực phẩm trong chăn nuôi đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo Quy hoạch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, phát triển nông nghiệp công nghệ cao vẫn được coi là xu thế tất yếu trong sản xuất nông nghiệp hiện đại. Đây là giải pháp tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh cao. Do nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vẫn là mục tiêu, giải pháp để đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, từ đó duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp nói chung và ngành chăn nuôi nói riêng.
Tuấn Vũ
Bình luận