Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 14/12/2024 15:12
Thứ hai, 09/12/2024 06:12
TMO - Chuyển đổi số có ý nghĩa quan trọng với tất cả các ngành trong thời đại 4.0, và ngành nông nghiệp, nông thôn của tỉnh Long An cũng không ngoại lệ. Việc ứng dụng thành công những thành quả của khoa học công nghệ trong quá trình canh tác, hoạt động góp phần nâng cao năng suất, giá trị cho nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới thông minh ở Long An.
Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là 1 trong 3 chương trình đột phá của tỉnh Long An, nhằm phát triển ngành hàng nông sản theo hướng hàng hóa, tăng sức cạnh tranh, thân thiện môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là trọng tâm trong mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Long An. Do đó, địa phương này đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất đưa công nghệ vào quá trình canh tác. Đáng chú ý, tỉnh Long An còn thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025.
Mục tiêu của tỉnh này là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, thu hẹp khoảng cách với thành thị. Trong đó, đến 2025, Long An kỳ vọng có ít nhất 90% số hồ sơ công việc cấp tỉnh, 80% số hồ sơ công việc cấp huyện và 60% số hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. Tất cả cán bộ tham gia Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn được tập huấn về chuyển đổi số.
Phấn đấu 70% số xã có các hợp tác xã, 70% huyện có các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực và 50% huyện có các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số...Để thực hiện được mục tiêu trên, tỉnh Long An đã tổ chức hàng trăm lớp đào tạo kỹ năng công nghệ thông tin, sử dụng dịch vụ số an toàn cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khu vực nông thôn đồng thời phát triển hạ tầng, kết nối Internet đến cấp xã.
Việc này nhằm tăng chất lượng và năng lực tiếp cận dịch vụ viễn thông của người dân. Theo công bố, đến nay, mạng cáp quang băng rộng triển khai đến 100% xã. Tỷ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng đạt 88,9%. Tỷ lệ dân số được phủ sóng 4G đạt 99,9%. Tỷ lệ thuê bao di động sử dụng điện thoại thông minh đạt khoảng 87%.
Trong đó huyện Cần Giuộc, Bến Lức, Đức Hòa đã có trạm phát sóng 5G và dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng thời gian tới. Tỉnh Long An cũng xây dựng thí điểm các mô hình xã nông thôn mới thông minh gắn với lĩnh vực nổi trội ở các địa phương.
Đến nay có 41 chợ truyền thống ở các huyện ứng dụng thanh toán không tiền mặt. Tính đến cuối năm 2024, tỉnh Long An có 134 trên tổng số 161 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 83,23%; 41 xã đạt chuẩn mới nâng cao. 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Trong lĩnh vực nông nghiệp, blockchain, QR được ứng dụng rộng rãi trong truy xuất nguồn gốc.
Ngành nông nghiệp đã hỗ trợ gần 3 triệu tem điện tử truy xuất nguồn gốc cho các cơ sở được xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Mô hình tổ công nghệ số cộng đồng với gần 1.000 tổ ở các địa phương cũng hướng dẫn nông dân đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, từ đó tăng khả năng tiếp cận, mở rộng thị trường. Ngành nông nghiệp còn hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ trong trồng trọt, chăn nuôi.
Đơn cử như sử dụng phần mềm để theo dõi, giám sát thông tin quan trắc, phân tích dữ liệu về cây trồng, sâu, bệnh, sử dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc, sạ giống... Hiện nay, Long An có 6 đơn vị đạt chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Ứng dụng cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp giúp người dân Long An gia tăng năng suất, giá trị nông sản. (Ảnh minh hoạ).
Đây đều là sự tích cực đổi mới trong dây chuyền sản xuất, ứng dụng các loại máy móc hiện đại để nâng chất lượng nông sản. Nhờ đó, sản phẩm có thị trường tiêu thụ rộng, sản lượng lớn. Đại diện địa phương đánh giá, nhờ áp dụng chuyển đổi số, các quy trình sản xuất được tối ưu, nâng cao hiệu quả và chất lượng sản phẩm, giúp nông nghiệp đáp ứng tốt hơn các yêu cầu về an toàn và minh bạch trong truy xuất nguồn gốc.
Quá trình này còn giúp nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp dễ dàng kết nối với thị trường tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử, từ đó mở rộng thị trường, nâng cao giá trị kinh tế cho nông sản. Đại diện Sở Thông tin Truyền thông cho biết, những nỗ lực chuyển đổi số góp phần giúp Long An thành một trong 6 tỉnh được Liên hiệp Các hội khoa học Việt Nam trao chứng nhận đạt hạng mục Top tổ chức các địa phương tiêu biểu chủ động thực hiện cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số.
Đồng thời tỉnh Long An đã hỗ trợ xây dựng 13 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Tỉnh cũng phối hợp với Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM để khảo sát và trao trao 10 giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia chuỗi cung ứng về thịt gà, trứng gà, thịt bò, nước mắm, rau, chuối. Thời gian qua, địa phương hướng dẫn cho 21 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia chuỗi sử dụng tem điện tử để truy xuất nguồn gốc sản phẩm an toàn.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp, Long An có hơn 2.600 ha canh tác nông sản đạt chuẩn VietGAP, đạt sản lượng hơn 65.000 tấn mỗi năm. Tỉnh cũng hỗ trợ các hộ kinh doanh trên địa bàn hơn nửa triệu con gà đẻ, hơn 1.000 bò thịt, 100 bò giống... với tổng kinh phí hơn 7,5 tỷ đồng.
Long An là địa phương có ngành công nghiệp phát triển bậc nhất nước ta. Song, nông nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế. Theo đánh giá của tỉnh, cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội, khoa học, việc ứng dụng máy móc hay công nghệ mới để thay đổi tập quán canh tác dần trở nên quen thuộc và phổ biến hơn.
Chuyển đổi số đang là chìa khóa để các địa phương ở tỉnh Long An đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Nhiều mô hình mới, cách làm hay được nâng lên và trở thành phong trào. Trên địa bàn tỉnh Long An cũng xuất hiện ngày càng nhiều hơn các cánh đồng tưới tự động, gieo trồng ứng dụng công nghệ cao, bơm thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái…Tất cả những phương tiện cơ giới này, kết hợp với việc xây dựng mô hình nông thôn mới thông minh đã giúp Long An có thêm bước đột phá mạnh trong hành trình xây dựng nông nghiệp hiện đại, nông thôn thông minh.
Hải An
Bình luận