Hotline: 0941068156
Thứ tư, 20/11/2024 22:11
Thứ tư, 20/11/2024 06:11
TMO - Ứng dụng công nghệ vào logistics không chỉ là xu hướng của ngành, mà còn là yếu tố quan trọng để các doanh nghiệp phát triển bền vững. Có thể thấy, việc số hóa và tự động hóa ngày càng đóng vai trò then chốt, mang lại hiệu quả tối ưu hóa quy trình, giảm chi phí, nâng cao chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.
Ngành logistics được coi là ngành quan trọng trong xu thế hiện nay do đó yêu cầu về chuyển đổi số trong ngành cũng không nằm ngoài xu thế chung của toàn bộ nền kinh tế. Việc thực hiện chiến lược chuyển đổi số và chuyển đổi xanh không chỉ giúp các doanh nghiệp logistics tiết giảm chi phí, mà còn mở ra nhiều cơ hội tiếp cận các nguồn vốn để tăng tốc phát triển. Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, ứng dụng công nghệ vào hoạt động logistics giúp doanh nghiệp có thể giảm 14% chi phí giao hàng và tăng số lượng hàng giao trên mỗi xe lên 13%. Là một trong những ngành then chốt, logistics cần được đầu tư kỹ lưỡng.
Nhất là chuyển đổi số để có thể thích nghi với bối cảnh thị trường, giảm chi phí, giảm phát thải carbon, xả thải bao bì gây ô nhiễm môi trường qua tối ưu lộ trình vận chuyển dựa trên ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo. Đặc biệt, chuyển đổi số cũng sẽ là chất xúc tác góp phần chuyển đổi xanh giúp doanh nghiệp logistics phát triển bền vững.
Lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, Việt Nam hiện đang là quốc gia có tỷ lệ người dân mua sắm thương mại điện tử cao nhất Đông Nam Á (khoảng 43,9 triệu người) nên dịch vụ logistics đáp ứng cho nhu cầu ngành thương mại điện tử luôn là cần thiết. Cùng đó, xu hướng chuyển đổi số, thay đổi hành vi mua sắm và yếu tố tác động khác đang đưa thương mại điện tử thành lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ. Một trong những nhiệm vụ nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 theo Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ là nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ hiện đại trong quản lý, vận hành, đào tạo về chuỗi cung ứng nhằm đạt chất lượng dịch vụ logistics cao hơn.
Đồng thời Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, logistics là 1 trong 8 ngành cần được ưu tiên chuyển đổi số trước. Theo nhận định của một số doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics, chuyển đổi số trong logistics có thể được thực hiện ở nhiều cấp độ khác nhau, từ việc triển khai giải pháp công nghệ đơn lẻ hoặc giải pháp toàn diện cho đến việc xây dựng mô hình logistics hoàn toàn mới dựa trên công nghệ số nhằm tạo ra những giá trị mới, cơ hội mới và nguồn doanh thu mới.
Tại Việt Nam, mặc dù đã nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số trong ngành logistics để nâng cao hiệu suất, cải thiện chất lượng, đồng thời đảm bảo hiệu quả của chuỗi cung ứng nhưng doanh nghiệp còn lúng túng trong việc áp dụng mô hình này. Cụ thể như, việc thị trường có quá nhiều phần mềm số hóa, không tạo ra hệ sinh thái sẽ khiến ngành logistics phân mảnh, rời rạc, thiếu sự liên kết sâu và rộng. Cùng với đó, tiềm lực tài chính là một trong những thách thức trong chuyển đổi số logistics tại Việt Nam hiện nay.
Chuyển đổi số là cơ hội để ngành logistics phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0. (Ảnh minh hoạ).
Trong khi đó phần lớn doanh nghiệp logistics của Việt Nam có quy mô nhỏ, hạn chế về vốn và công nghệ cũng như năng lực hoạt động ở thị trường quốc tế. Đáng chú ý, những công nghệ đột phá này cho phép các công ty và nhà cung cấp dịch vụ logistics tối ưu hóa hơn nữa chi phí và tăng năng suất giao hàng bằng cách lập kế hoạch thông minh về tuyến đường để đảm bảo có nhiều lượt nhận và trả hàng. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ số trong doanh nghiệp logistics còn nhiều hạn chế về mặt công nghệ và bảo mật thông tin hay bảo mật thanh toán.
Giải pháp công nghệ xử lý nghiệp vụ sau giao hàng như: đổi trả, thu hồi, xử lý hàng cũng chưa được tổ chức, xây dựng và kiểm soát tốt cũng tạo ra thách thức cho các đơn vị logistics khi chưa đáp ứng được chất lượng dịch vụ thu hồi, đổi trả hàng lỗi hay đổi trả sản phẩm bảo hành. Điều đó đặt ra thách thức cho Việt Nam là cần đầu tư mạnh hơn nữa để tận dụng nền tảng kỹ thuật số trong sản xuất và phân phối hàng hóa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Chia sẻ về logistic và chuyển đổi xanh, một số chuyên gia cho rằng, cần có giải pháp phát triển vận tải/kho bãi xanh; sản xuất/phân phối xanh; bao bì xanh; chuyển đổi số và logistic tuần hoàn, khép kín. Đồng thời đưa ra đề xuất, chuẩn hóa hệ thống vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm năng lực kết nối, lưu thông trên toàn mạng lưới; chuẩn hóa năng lực cung ứng và sử dụng dịch vụ logistics; quy hoạch, xây dựng và vận hành hệ thống trung tâm vận tải đa phương thức và logistics, hướng tới phát triển ứng dụng công nghệ 4.0…
Thông qua hoạt động chuyển đổi số, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics sẽ thay đổi tư duy, tạo sự đột phá để nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm chi phí logistics, tăng trưởng, có thêm khách hàng và đạt lợi nhuận tối đa vượt trội so với trước khi chuyển đổi số.
Ngọc Ánh
Bình luận