Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 04:11
Thứ sáu, 12/01/2024 09:01
TMO – Với sự phát triển của khoa học, công nghệ viễn thám đã phát triển và đang trở thành công nghệ ứng dụng phục vụ đa ngành, đa lĩnh vực và trở thành một trong các hướng đi chủ đạo nhằm phục vụ quản lý tài nguyên thiên nhiên và giám sát môi trường thống nhất trên phạm vi toàn quốc.
Chương trình Kho học và Công nghệ (KHCN) quốc gia "Ứng phó biến đổi khí hậu phục vụ phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030" (giai đoạn 2) do Đại học Quốc gia TP.HCM và Bộ Tài nguyên và Môi trường đồng chủ trì, triển khai vừa được công bố đặt mục tiêu Phát triển kinh tế bền vững vùng ĐBSCL; Phát triển xã hội bền vững, hài hòa, góp phần đưa ĐBSCL thành vùng văn minh sinh thái, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước.
Đồng thời, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm nhẹ thiên tai để phát triển bền vững ĐBSCL; Tích hợp đồng bộ bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thích ứng với tác động của các hoạt động kinh tế - xã hội ở thượng nguồn sông Mekong và phát triển bền vững ĐBSCL. Chương trình cũng đề ra mục tiêu có ít nhất 80% kết quả của các đề tài nghiên cứu được ứng dụng vào thực tiễn và được nơi sử dụng công nhận. Khoảng 20% kết quả được tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện.
(Ảnh minh họa)
Theo Cục Viễn thám quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường), trong thời gian qua, cơ quan này đã chú trọng việc đầu tư trang thiết bị, cung cấp cơ sở dữ liệu, chuyển giao công nghệ viễn thám, hỗ trợ nghiệp vụ chuyên môn, tạo thuận lợi cho địa phương trong việc khai thác và sử dụng dữ liệu viễn thám; xây dựng cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia thống nhất với cơ sở dữ liệu TN&MT cung cấp các dữ liệu ảnh viễn thám đã qua sử dụng, đa dạng hóa và làm phong phú nguồn dữ liệu trong cơ sở dữ liệu viễn thám tại địa phương.
Đồng thời cũng cung cấp dữ liệu ảnh vệ tinh Spot 6/7 phục vụ công tác nghiên cứu khoa học để phát triển lĩnh vực viễn thám. Các đề tài nghiên cứu khoa học đã góp phần xác lập các cơ sở khoa học thực tiễn phục vụ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành viễn thám, các quy chuẩn, tiêu chuẩn viễn thám; Nghiên cứu khoa học, công nghệ nhằm ứng dụng công nghệ tiên tiến trong việc phát triển cơ sở hạ tầng viễn thám, công nghệ quan trắc giám sát tài nguyên môi trường, thiên tai bằng công nghệ viễn thám.
Hệ thống cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia, siêu dữ liệu viễn thám bao gồm dữ liệu ảnh vệ tinh Spot 6/7 đang được xây dựng và cập nhật cùng với việc xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới cung cấp dịch vụ công trực tuyến về dữ liệu viễn thám cho mọi tổ chức và cá nhân có nhu cầu sử dụng. Hạ tầng viễn thám cũng được hoàn thiện đồng bộ với quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường, trong đó sẽ đầu tư trang bị hai trung tâm thu nhận dữ liệu viễn thám từ vệ tinh tại Hà Nội và Bình Dương. Hệ thống truyền dẫn dữ liệu viễn thám cũng được hoàn thiện bảo đảm cung cấp và xử lý dữ liệu viễn thám kịp thời phục vụ công tác quản lý nhà nước và các trường hợp khẩn cấp như phòng tránh thiên tai, thảm họa hoặc các sự cố môi trường. Mặc dù ứng dụng viễn thám đã đóng góp không nhỏ cả về phương diện khoa học và quản lý trong việc làm chủ công nghệ, tuy nhiên, ứng dụng công nghệ cao về viễn thám trong ngành TN&MT vẫn bộc lộ nhiều hạn chế. Do đó, việc làm chủ công nghệ, nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ viễn thám trong ngành TN&MT, phục vụ thiết thực và có hiệu quả sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh của đất nước là cần thiết.
Anh Khoa
Bình luận