Hotline: 0941068156
Thứ ba, 21/01/2025 07:01
Chủ nhật, 31/12/2023 06:12
TMO - Để chủ động ứng phó với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, tỉnh Vĩnh Long đã xây dựng 3 kịch bản nhằm đảm bảo nhu cầu nước cho hoạt động sản xuất và cấp nước sinh hoạt cho người dân trong điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra ra gay gắt trong giai đoạn 2023-2025 do tác động của hiện tượng El Nino.
Tỉnh Vĩnh Long triển khai linh hoạt các giải pháp nhằm đảm bảo nhu cầu nước sản xuất trong điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra gay gắt trong giai đoạn 2023-2025 do tác động của hiện tượng El Nino và cấp nước sinh hoạt cho người dân, đặc biệt là dân cư ở vùng gặp khó khăn về nguồn nước, góp phần đảm bảo và ổn định đời sống, sản xuất nông nghiệp của người dân trong tỉnh. Đảm bảo nước tưới cho diện tích từ 38.000-40.000 ha lúa, khoảng từ 19.200- 23.800 ha cây màu của vụ Đông Xuân, vụ Hè Thu mỗi năm (từ năm 2023-2025) và hơn 68.300 ha cây lâu năm hiện có trong tỉnh.
Trong đó, đảm bảo ngăn mặn, cấp nước tưới cho hơn 20.000 ha lúa Hè Thu, hơn 3.700 ha cây màu ở các huyện bị nhiễm mặn cao trên 40 /00 (Vũng Liêm, Trà Ôn, Mang Thít, Tam Bình và Long Hồ). Đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân trong tỉnh, đặc biệt chú trọng cấp nước sinh hoạt cho hơn 19.380 hộ ở nông thôn hiện chưa có nước máy sử dụng, hộ ở trong nội đồng xa kênh, rạch lớn sẽ gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt trong trường hợp tình hình hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra gay gắt dẫn đến nguồn nước bị cạn kiệt và bị ô nhiễm, nhiễm mặn.
Tỉnh Vĩnh Long triển khai linh hoạt các giải pháp nhằm đảm bảo nhu cầu nước sản xuất trong điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra gay gắt trong giai đoạn 2023-2025. Ảnh: BD.
Theo đó, trường hợp xâm nhập mặn nhẹ hơn mùa khô năm 2015-2016, mực nước sông rạch sụt giảm nhẹ, toàn tỉnh có 5.554 ha diện tích tự nhiên bị nhiễm mặn dưới 3 phần nghìn, chủ yếu ở 2 huyện Vũng Liêm và Trà Ôn. Bên cạnh đó, tỉnh có 16.133 ha lúa, 2.793 ha rau màu và 2.132 ha cây lâu năm bị hạn thiếu nước. Trong trường hợp này chủ động đóng cống ngăn mặn ở các huyện: Vũng Liêm (các xã ven và trên sông Cổ Chiên); ở huyện Trà Ôn (các xã ven sông Hậu như Tích Thiện, Thiện Mỹ, Lục Sĩ Thành và Phú Thành); ở huyện Long Hồ (xã Bình Hòa Phước). Đóng, mở cống ở vùng khác bình thường. Bơm tưới cho vùng gò cao; bơm hút thu nước lúc triều xuống cho các nhà máy khi độ mặn dưới 3 phần nghìn.
Trường hợp xâm nhập mặn như mùa khô 2015-2016, mực nước sông rạch sụt giảm mạnh, diện tích tự nhiên của tỉnh bị nhiễm mặn dưới 8 phần nghìn là 34.485 ha, chủ yếu ở các huyện Vũng Liêm, Trà Ôn, Tam Bình và Mang Thít. Toàn tỉnh có 28.983 ha lúa, 4.666 ha rau màu và 21.720 ha cây lâu năm bị hạn thiếu nước. Đồng thời, số dân sử dụng nguồn nước nhiễm mặn ở thời điểm cao nhất là 59.868 người.
Trong trường hợp này, đóng toàn bộ cống ngăn mặn ở huyện Vũng Liêm (các xã ven sông Cổ Chiên từ QL 53 và Đường tỉnh 902 trở ra và các xã trên sông Cổ Chiên, như: Quới An, thị trấn Vũng Liêm, Trung Thành Tây, Trung Thành Đông, Trung Thành, Trung Ngãi, Trung Nghĩa, Thanh Bình, Quới Thiện và một phần của xã Trung An); ở huyện Trà Ôn (gồm các xã ven sông Hậu từ QL54 trở ra, như: Tích Thiện, Thiện Mỹ, thị trấn Trà Ôn, Vĩnh Xuân; một phần khu vực gần QL54 thuộc các xã Thuận Thới, Hựu Thành, Tân Mỹ), xã Lục Sĩ Thành, Phú Thành trên cù lao Mây; ở huyện Mang Thít (gồm các xã ven sông Cổ Chiên, sông Măng, như: Chánh An, An Phước, thị trấn Cái Nhum). Đóng cống hạn chế ở vùng khác.
Đặc biệt, trường hợp xâm nhập mặn rất sâu, độ mặn lên rất cao như xảy ra trong mùa khô 2019-2020, mực nước sông rạch rất thấp, trong biên mặn từ 1 - 10 phần nghìn, toàn tỉnh sẽ có 6/8 địa phương bị ảnh hưởng. Dự báo tỉnh sẽ có 68.182 ha diện tích tự nhiên bị nhiễm mặn, tập trung tại các huyện Vũng Liêm, Mang Thít, Long Hồ, Trà Ôn, Tam Bình và thị xã Bình Minh; có 32.062 ha lúa, 7.300 ha rau màu và 36.016 ha cây lâu năm bị hạn thiếu nước. Bên cạnh đó, tỉnh có 76.474 người dân tại 51 trạm cấp nước sạch có thời đoạn đã sử dụng nguồn nước bị nhiễm mặn; có 46 xã có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt.
Ngành chức năng các địa phương vận động người dân tích cực tham gia gia cố cống đập, nạo vét kênh mương trên địa bàn để tích trữ nước. Ảnh: QT.
Nhằm chủ động ứng phó, giảm thiệt hại từ hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn, Ban chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tham mưu UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo thực hiện kế hoạch tập trung toàn bộ các nguồn lực, các đoàn thể tuyên truyền vận động người dân ra sức phòng chống hạn và xâm nhập mặn có hiệu quả; các đơn vị và cán bộ chuyên môn triển khai công tác khảo sát, quan trắc các vùng bị hạn, mặn, thường xuyên cập nhật số liệu hạn, mặn, tham mưu cho Ban chỉ đạo chỉ đạo tốt công tác phòng chống hạn, mặn.
Triển khai thực hiện các công trình thủy lợi, nước sạch tập trung theo Kế hoạch chống hạn, mặn đã duyệt và tổ chức hỗ trợ bơm tát, hỗ trợ cấp nước sạch khi hạn, mặn xảy ra gay gắt, kéo dài, dẫn đến hoạt động sản xuất, nguồn nước sinh hoạt bị đe dọa; song song đó còn triển khai thực hiện các công trình thủy lợi, nước sạch do tỉnh, huyện đầu tư trong Kế hoạch năm 2023-2025. Tất cả các ngành, các cấp quán triệt và thực hiện nghiêm túc phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và nguyên tắc “chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”. Tập trung lực lượng, phương tiện hiện có, sẵn sàng ứng phó hạn, xâm nhập mặn, chú trọng ở các huyện Vũng Liêm, Trà Ôn, Tam Bình, Mang Thít và Long Hồ.
Tăng cường tuyên truyền đến các ngành, các cấp, nhân dân nhận thức được tác động của hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô giai đoạn năm 2023-2025 dưới tác động của hiện tượng El Nino để chuẩn bị tốt kế hoạch phòng, chống. Vận động người dân tích cực tham gia gia cố cống đập, nạo vét kênh mương trên địa bàn để tích trữ nước; thực hiện vệ sinh môi trường, bảo vệ nguồn nước nhất là đảm bảo vệ sinh nguồn nước nội đồng khi tích trữ và khi đóng cống ngăn mặn; và chuẩn bị dụng cụ chứa nước đảm bảo phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình ít nhất trong 15 ngày.
Tổ chức vận hành tốt những công trình thủy lợi ngăn mặn, trữ ngọt, cấp nước tưới đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp và công trình nước sạch hiện có đảm bảo cấp nước phục vụ sinh hoạt của nhân dân. Cụ thể: Đóng toàn bộ cống ngăn mặn ở huyện Vũng Liêm, Trà Ôn, 4 xã cù lao thuộc huyện Long Hồ và huyện Mang Thít (các xã ven sông Cổ Chiên, như: Chánh An, An Phước, thị trấn Cái Nhum, Tân An Hội, Tân Long Hội, Mỹ Phước, một phần của xã Mỹ An, Nhơn Phú), ở huyện Tam Bình (các xã ven sông Măng, như: Ngãi Tứ, Bình Ninh, Loan Mỹ, Hòa Thạnh, Tường Lộc, Hòa Lộc, Hòa Hiệp), thị xã Bình Minh (xã Mỹ Hòa, một phần xã Đông Thành, Đông Thạnh, Đông Bình); trữ nước trong đồng triệt để; Mở cống hạn chế ở vùng khác.
Cấp hỗ trợ nước thùng (nước sạch đóng thùng để uống), dụng cụ chứa nước ngọt cho hộ dân sử dụng nước bị nhiễm mặn và chưa có nước máy, hộ gặp khó khăn về nước sinh hoạt, hộ ở nông thôn chưa nước máy sử dụng. Có tính đến phương án dùng xe bồn, hoặc xà lan chở nước ngọt cấp cho dân. Khai thác các giếng khoan nước ngầm đã có: hơn 10.000 giếng bơm riêng lẻ và các giếng khoan cấp nước tập trung ở các huyện Vũng Liêm và Trà Ôn. Riêng huyện Trà Ôn có 3 giếng khoan tầng sâu, công suất lớn tập trung ở các xã Tích Thiện, Thiện Mỹ và Hựu Thành.
Ưu tiên đầu tư nạo vét kênh mương, đặc biệt là hệ thống thủy lợi nội đồng, đắp đập thời vụ ngăn mặn và trữ ngọt chống hạn, đảm bảo cấp nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất. Tại các khu vực bị ảnh hưởng mặn, tập trung công tác quản lý vận hành công trình kết hợp nạo vét công trình thủy lợi để tiếp nước ngọt và bơm tát chống hạn do thiếu nguồn nước. Trung tâm Nước sạch Vệ sinh Môi trường nông thôn có kế hoạch cải tạo, nâng cấp và sửa chữa nhỏ 30 công trình nước sạch do Trung tâm quản với tổng kinh phí thực hiện 101.450 triệu đồng từ nguồn quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị....
Nguyễn Mai
Bình luận