Hotline: 0941068156
Thứ ba, 15/04/2025 11:04
Thứ tư, 09/04/2025 06:04
TMO - Theo dự báo của ngành nông nghiệp huyện Yên Châu (tỉnh Sơn La), từ giữa tháng 4 đến tháng 5 tại địa phương sẽ là thời điểm nắng nóng gay gắt, ít mưa. Nếu nắng nóng kéo dài, nguy cơ thiếu nước tưới vào cuối vụ là rất lớn. Do đó, người dân cần chủ động triển khai các biện pháp để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Để chủ động phòng, chống hạn, huyện Yên Châu đã phối hợp với Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Sơn La tại Yên Châu kiểm tra, đánh giá nguồn nước hiện có; đồng thời, xây dựng kế hoạch điều tiết nước hợp lý. Ngoài ra, huyện cũng cử cán bộ xuống cơ sở hướng dẫn người dân cách lấy và sử dụng nước hiệu quả, hạn chế thất thoát nước. Đại diện Chi nhánh Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Sơn La tại huyện Yên Châu, cho biết, đảm bảo đủ nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, đơn vị đã xây dựng kế hoạch cấp nước cụ thể cho từng khu vực.
Đồng thời, tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa máy móc, nạo vét, tu bổ hệ thống kênh mương, cửa cống và các trạm bơm. Lịch cấp nước cũng được thông báo trước để các địa phương chủ động điều tiết, bơm nước kịp thời khi xảy ra hạn. Vụ Xuân năm nay, huyện Yên Châu gieo cấy 825 ha lúa. Đến thời điểm này, hầu hết diện tích vẫn cơ bản đảm bảo đủ nước tưới. Trên các cánh đồng thuộc xã Chiềng Sàng, Chiềng Pằn, Chiềng Đông…, bà con nông dân đang tích cực ra đồng gia cố bờ ruộng, luân phiên bơm nước giữ ẩm cho đất.
Theo chia sẻ của người dân trên địa bàn bản Đán 2, xã Chiềng Sàng, với 2.000 m² lúa đang ở giai đoạn bén rễ, đẻ nhánh, do ruộng nằm ở cuối nguồn, cao hơn mương tưới, người dân phải chủ động bơm nước từ mương vào ruộng. Năm nay, đơn vị thủy lợi điều tiết nước hiệu quả, nước về nhiều và đều. Cứ 3 ngày người dân lại bơm nước một lần. Nhờ đủ nước, lúa sinh trưởng tốt, nên người dân đang tập trung làm cỏ và bón phân đợt đầu.
Đối với các loại cây ăn quả chủ lực của huyện, như: Mận hậu, xoài, nhãn…, các biện pháp chống hạn được triển khai khẩn trương. Nhằm giảm áp lực về nhu cầu nước tưới trong mùa khô, các địa phương khuyến khích người dân áp dụng các phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng. Tại một hộ gia đình khác tại bản Chiềng Phú, xã Chiềng Pằn, với hơn 1 ha trồng xoài tròn bản địa nhờ sự hỗ trợ của Viện Nông nghiệp Việt Nam hỗ trợ giống, phân bón và chuyển giao kỹ thuật trồng xoài từ cây đầu dòng, đã giúp người dân đạt năng suất cao. Nhờ đó, vườn xoài của gia đình phát triển tốt, mỗi năm thu hoạch ổn định từ 10 đến 12 tấn quả.
Theo người dân, để cây xoài đạt năng suất và chất lượng cao, yếu tố quan trọng nhất là đảm bảo đủ nước tưới. Từ kinh nghiệm trồng nhiều năm, người dân chủ động tích trữ nước từ đầu vụ bằng cách đào ao, trải bạt trên đỉnh đồi để hứng nước mưa, khoan giếng và đầu tư gần 100 triệu đồng lắp đặt hệ thống ống dẫn nước tưới tiết kiệm. Hệ thống tưới nhỏ giọt được lắp đặt giúp đưa nước trực tiếp đến gốc cây, hạn chế thất thoát, tiết kiệm nước và giúp cây hấp thụ hiệu quả hơn. Trung bình tưới 2 ngày một lần.
Hiện nay, huyện Yên Châu vẫn cơ bản đủ nước tưới cho cây nông nghiệp. (Ảnh minh hoạ).
Đến thời điểm này, các xã trên địa bàn huyện Yên Châu cơ bản vẫn đảm bảo đủ nước tưới cho cây trồng, chưa xảy ra tình trạng hạn hán. Tuy nhiên, theo dự báo, thời tiết năm nay sẽ có nắng nóng kéo dài, nguy cơ cây trồng bị thiếu nước là rất cao. Đại diện Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện, cho biết, phòng đang phối hợp với các xã tuyên truyền, vận động người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn.
Cụ thể, khoanh vùng rõ những diện tích có nguy cơ thiếu nước để ưu tiên cấp nước hợp lý; hướng dẫn người dân tích nước, sử dụng nước tưới tiết kiệm. Với cây lúa, áp dụng phương châm “cao, xa tưới trước; thấp, gần tưới sau”. Đối với cây ăn quả, khuyến khích tưới tiết kiệm. Những nơi địa hình cao, khó khăn về nước thì chuyển đổi sang trồng rau màu ngắn ngày, phù hợp với điều kiện khô hạn. Việc chủ động triển khai các biện pháp chống hạn trong thời điểm hanh khô là rất quan trọng, nhằm đảm bảo cây trồng sinh trưởng bình thường. Nhờ sự vào cuộc kịp thời của các ngành, chính quyền địa phương và người dân, diện tích sản xuất trên địa bàn huyện Yên Châu vẫn được đảm bảo, hứa hẹn đạt năng suất, chất lượng cao và giảm thiểu thiệt hại nếu xảy ra hạn hán.
Hiện nay, huyện Yên Châu có hơn 28.220 ha đất trồng các loại cây, bao gồm: Khoảng 10.120 ha cây lương thực và rau màu; hơn 5.600 ha cây công nghiệp và 12.500 ha cây ăn quả. Hệ thống thủy lợi của huyện gồm 9 hồ chứa, 185 công trình thủy lợi và gần 250 km mương nội đồng đã được đầu tư kiên cố, đảm bảo khoảng 90% nhu cầu nước tưới cho cây lương thực. Việc triển khai đồng bộ các giải pháp đã giúp người dân cũng như ngành nông nghiệp Yên Châu đảm bảo được nguồn nước tưới, phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, ngay từ đầu năm 2025, ngành Nông nghiệp huyện Yên Châu đã thực hiện tổng kiểm kê nguồn nước cung cấp cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Khoanh vùng cụ thể các diện tích có nguy cơ bị hạn, đưa ra phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Đồng thời, yêu cầu các địa phương phối hợp dự trữ nước tối đa, phục vụ chống hạn.
Để đảm bảo khai thác hiệu quả các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, các cấp chính quyền huyện Yên Châu tiếp tục phối hợp với các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền triển khai Luật Thủy lợi và các văn bản hướng dẫn; nâng cao ý thức, trách nhiệm, vai trò của người dân trong quản lý, khai thác, bảo vệ, vận hành, sử dụng hiệu quả, bền vững các công trình thủy lợi phục vụ nông nghiệp trên địa bàn.
Địa phương cũng chủ động xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống lũ bão, chống hạn và kế hoạch tưới tiêu phục vụ sản xuất hợp lý; rà soát, thành lập, củng cố, kiện toàn các tổ thủy nông cơ sở để quản lý, khai thác công trình thủy lợi hoạt động có hiệu quả, bền vững, đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp trong những tháng cao điểm khô hạn.
Để đảm bảo sản xuất nông nghiệp trên toàn tỉnh Sơn La nói chung và Yên Châu nói riêng, Lãnh đạo tỉnh cho biết, thực hiện Kết luận số 1072-KL/TU, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương chủ động triển khai phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước phù hợp với diễn biến thực tế từng thời điểm, từng khu vực. Ưu tiên nước sinh hoạt, nước uống cho gia súc, tưới cho cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao khi hạn hán xảy ra. Đồng thời, hướng dẫn nhân dân tổ chức sản xuất, đối với diện tích khô hạn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang các loại cây trồng có thời gian sinh trưởng ngắn, sử dụng ít nước... Với diện tích không có khả năng cấp nước, chấp nhận bỏ lại, không canh tác, giảm thiểu thiệt hại cho nông dân…/.
Ngọc Anh
Bình luận