Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 08:11
Thứ tư, 11/10/2023 12:10
TMO - Nhu cầu tiêu dùng, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu tăng cao. Vì vậy, nhằm bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2024, nhiều địa phương đã chủ động xây dựng các kế hoạch thu mua và dự trữ hàng hóa, đáp ứng cho nhu cầu mua sắm của người dân.
Được dự báo nhu cầu người tiêu dùng sẽ tăng khoảng 10% trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, hiện nay các địa phương, đặc biệt là 5 thành phố lớn trực thuộc Trung ương đã lên kế hoạch cụ thể để sớm triển khai Chương trình bình ổn thị trường với nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân.
Thông tin từ Sở Công Thương Hà Nội cho biết, để chuẩn bị nguồn hàng cho những tháng cuối năm, thành phố đã tổ chức đưa đoàn doanh nghiệp đến một số địa phương, trong đó có Tây Ninh làm việc để kết nối sản phẩm vào thị trường Hà Nội. Bên cạnh việc tiếp tục kết nối cung cầu đưa hàng hóa địa phương vào thành phố, Hà Nội cũng triển khai các điểm giới thiệu và bán sản phẩm của Thủ đô đồng thời mở thêm 2 điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP, song song với đó sẽ kết nối 52 sản phẩm OCOP của các tỉnh thành phố vào các điểm bán này.
Ngoài ra, Hà Nội còn triển khai Đề án tăng cường quản lý cửa hàng trái cây với mục đích cấp biển nhận diện cửa hàng theo yêu cầu của đề án chuyên doanh về trái cây. Trong tháng 10, Sở Công Thương Hà Nội sẽ triển khai kế hoạch liên kết các chương trình về khai thác hàng hóa địa phương vào Hà Nội để đảm bảo nguồn cung tiêu dùng cho người dân Thủ đô, đồng thời triển khai chương trình bình ổn thị trường phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn.
Còn tại TP.HCM, với tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ luôn chiếm từ 20-30% cả nước, thành phố được đánh giá là thị trường tiêu thụ lớn, kết nối hoạt động xuất nhập khẩu trong và ngoài nước. Sở Công Thương thành phố cho biết, trong quý III/2023, Sở Công Thương đã tham mưu thành phố tổ chức Tháng Khuyến mại tập trung, thu hút 3.000 doanh nghiệp tham gia với 7.000 chương trình giảm giá, trong đó 30% tham gia với mức giảm giá trên 50%.
Năm nay người dân có xu hướng tiêu dùng tiết kiệm nên chủ trương của thành phố là ngoài cố gắng bình ổn giá bán, tăng khuyến mãi với nhiều chương trình khuyến mãi có quy mô lớn, thời gian kéo dài hơn các năm nhằm kích cầu tiêu dùng, đặc biệt là các đợt khuyến mãi tập trung. Trong ba tháng cuối năm 2023, UBND TP.HCM xác định nhiều nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong đó, đẩy mạnh các giải pháp bình ổn giá, rà soát, tập trung phát huy hiệu quả chương trình bình ổn thị trường , kịp thời đề xuất giải pháp quản lý, điều hành về giá, ổn định đời sống người dân.
Để đảm bảo nguồn hàng phục vụ Tết, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã chủ động nguồn vốn tự có và vốn vay của quỹ tín dụng, với hạn mức và lãi suất ưu đãi. Theo đó, các mặt hàng thiết yếu được bày bán tại các đơn vị tham gia chương trình và được phân phối, cung ứng tại 38 điểm bán hàng khắp địa bàn tỉnh, tổ chức 4 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn vào những ngày cận Tết. Đặc biệt năm nay có sự vào cuộc của UBND các huyện, thị xã, thành phố, hàng hoá cũng được phân bổ đều hơn, do đó hàng hoá năm nay đảm bảo người tiêu dùng trong dịp Tết năm 2024. Chương trình bình ổn kéo dài trong 5 tháng, từ tháng 10 năm nay đến hết tháng 2 năm tới. Sở Công thương tỉnh Trà Vinh cho biết, đã vận động được 6 doanh nghiệp, 5 siêu thị và 13 cửa hàng tiện lợi tham gia dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường, với tổng giá trị đạt hơn 7.000 tỷ đồng phục vụ thị trường những tháng cuối năm và Tết Giáp Thìn 2024.
Nhiều địa phương đã chủ động xây dựng các kế hoạch thu mua và dự trữ hàng hóa, đáp ứng cho nhu cầu mua sắm của người dân những tháng cuối năm và thị trường Tết.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tháng 9 đạt 524.595 tỷ đồng, tăng 2,4% so với tháng trước, trong đó mức tăng chủ yếu nhờ các mặt hàng lương thực, thực phẩm, đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình (tăng 1,9-4,4%) và nhóm các ngành dịch vụ (tăng 3,34,5%); các nhóm khác tăng từ 1,2-2,4%, riêng nhóm hàng vật phẩm văn hóa, giáo dục giảm 0,5%.
Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 9 tháng của năm đạt 4.567.835 tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó mức tăng chủ yếu ở nhóm hàng thiết yếu là lương thực, thực phẩm (tăng 11,4%) và nhóm hàng du lịch, dịch vụ (tăng từ 11,5-47,7%) do nhu cầu các dịch vụ này vẫn đang tiếp tục phục hồi sau dịch bệnh Covid-19.
Theo đánh giá, 9 tháng qua thị trường trong nước ổn định, nguồn cung các hàng hóa bảo đảm. Sức mua trên thị trường đã có sự phục hồi tốt so với năm trước và giai đoạn bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Riêng mặt hàng gạo giá tăng do ảnh hưởng của thị trường xuất khẩu; giá thịt lợn tăng giảm đan xem theo nguồn cung và nhu cầu từng giai đoạn, tuy nhiên vẫn ở mức hợp lý cho cả người chăn nuôi và người tiêu dùng. Giá một số mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng như xăng dầu, khí hóa lỏng có diễn biến tăng, giảm đan xen do tác động của giá thế giới.
Bộ Công Thương sẽ có những chỉ đạo với UBND các tỉnh thành phố và Sở Công Thương để đẩy mạnh chương trình kích cầu gắn với bình ổn thị trường phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán năm 2024. Đồng thời, khuyến nghị các sở Công Thương cần sớm đăng ký các mặt hàng thế mạnh của địa phương, sản lượng cụ thể để chủ động điều phối tiêu thụ, tránh tình trạng lãng phí, gây thất thoát rủi ro cho doanh nghiệp và bà con nông dân.
Đặc biệt, nhằm góp phần bảo đảm nguồn cung và bình ổn giá thị trường cuối năm và dịp Tết Nguyên đán, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ, ngành trong việc tham mưu điều hành giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý giá, trong đó có mặt hàng xăng, dầu nhằm góp phần kiểm soát lạm phát chung theo mục tiêu của Chính phủ. Cùng với đó, chỉ đạo các doanh nghiệp giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, thực hiện việc giảm giá bán… nhằm phân phối hàng hóa cho thị trường với giá cả hợp lý.
Bích Thủy
Bình luận