Hotline: 0941068156
Thứ ba, 21/01/2025 19:01
Thứ năm, 21/09/2023 08:09
TMO - Tỉnh Bến Tre tập trung vào ứng phó với các loại hình thiên tai như xâm nhập mặn, sạt lở... bằng các giải pháp như tu bổ, đầu tư hệ thống đê vững chắc, quy hoạch tưới tiêu hợp lý, xây dựng đồng ruộng có khả năng tăng cường giữ nước trong đất và tuyển lựa được các giống cây trồng có nhiều khả năng chịu hạn...
Thông tin từ UBND tỉnh Bến Tre, mùa khô năm 2022-2023, tình hình mặn xâm nhập trên các sông chính trên địa bàn, đạt mức cao nhất từ tháng 3 đến giữa tháng 4 hàng năm với độ mặn 4 ‰ xâm nhập cách các cửa sông khoảng 45km, độ mặn 1‰ xâm nhập cách các cửa sông khoảng 55km. Từ đầu tháng 5 trở đi, xâm nhập mặn giảm dần và bắt đầu thời kỳ chuyển sang mùa mưa, tạo điều kiện thuận lợi về nguồn nước sinh hoạt, sản xuất.
Diễn biến tình hình xâm nhập mặn chủ yếu lên xuống theo triều, có những đợt mặn xâm nhập sâu, ở mức cao nhưng sau đó giảm nhanh. Đồng thời, độ mặn cao duy trì trong khoảng thời gian ngắn (khoảng hơn 1,5 tháng) và xâm nhập cách các cửa sông từ 40-45km (sông Cửa Đại xâm nhập đến xã Quới Sơn, huyện Châu Thành; sông Hàm Luông xâm nhập đến xã Sơn Phú, huyện Giồng Trôm; sông Cổ Chiên xâm nhập đến xã Thành Thới B, huyện Mỏ Cày Nam).
Tình hình xâm nhập mặn mùa khô năm 2022-2023 tuy không diễn biến gay gắt nhưng cũng gây tác động đến các hoạt động sản xuất, dân sinh trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Hiện tượng sóng to, gió lớn trên biển thường xuyên xảy ra đã gây ảnh hưởng đến hoạt động khai thác thủy, hải sản của ngư dân và gây sạt lở bờ biển.
Sạt lở bờ sông gây ra nhiều thiệt hại đối với đời sống của người dân tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Ảnh: ĐH.
Cùng với xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh trong những năm qua diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường, mức độ nhanh hơn gây mất đất sản xuất, mất rừng phòng hộ,... ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, dân sinh. Những khu vực đã và đang diễn biến sạt lở nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh như: Sạt lở bờ biển Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú; sạt lở bờ sông Mỏ Cày; sạt lở khu vực các cồn;... Cụ thể: Theo số liệu tổng hợp toàn tỉnh còn khoảng 13km bờ sông và 8,5km bờ biển đang bị ảnh hưởng sạt lở nghiêm trọng nhưng chưa được bố trí vốn để đầu tư xây dựng công trình, ước tổng nhu cầu kinh phí thực hiện 730 tỷ đồng.
Trong đó, từ đầu năm 2023 đến nay đã xảy ra 02 vụ sạt lở nghiêm trọng: Sạt lở bờ sông Mỏ Cày thuộc huyện Mỏ Cày Nam, sạt lở có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp một số trụ sở cơ quan, đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân, đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp đến Quốc lộ 57, do đó UBND tỉnh đã ban hành Quyết định công bố tình huống khẩn cấp về sạt lở theo quy định; sạt lở bờ sông Giao Hòa thuộc huyện Châu Thành gây ảnh hưởng trực tiếp đến tuyến ĐH.03, khu vực sạt lở nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng công trình cống An Hóa thuộc Dự án Quản lý nước Bến Tre (JICA 3) do Ban Quản lý đầu tư và xây dựng Thủy lợi 9 - Bộ NN&PTNT làm chủ đầu tư đang trong giai đoạn chuẩn bị thực hiện. Tỉnh Bến Tre đã có đề xuất, kiến nghị Ban Quản lý đầu tư và xây dựng Thủy lợi 9 xem xét, hỗ trợ tỉnh sớm triển khai xây dựng công trình cống An Hóa, nhất là hạng mục công trình nằm trong khu vực đang và có nguy cơ bị ảnh hưởng sạt lở để đảm bảo an toàn cho người dân và hạn chế thiệt hại do sạt lở gây ra.
Ngoài ra, trong 7 tháng của năm 2023 trên địa bàn tỉnh xảy ra 5 đợt dông lốc gây hư hỏng, tốc mái 88 căn nhà ở, 02 người bị thương do tôn rơi trúng; trong đó ảnh hưởng nhiều nhất là 03 huyện ven biển Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú và huyện Chợ Lách. Theo nhận định của các cơ quan chuyên môn, tình hình thiên tai những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024 diễn biến phức tạp, khó lường, bên cạnh đó, mùa mưa năm 2023 kết thúc sớm hơn trung bình nhiều năm (khoảng vào nửa cuối tháng 10.2023), lượng mưa thiếu hụt so với trung bình nhiều năm; nhiệt độ trung bình tại các khu vực cao hơn.
Xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 có khả năng xuất hiện sớm, sâu và kéo dài trên địa bàn tỉnh ở mức tương đương và cao hơn mùa khô năm 2015- 2016 và không loại trừ trường hợp cực đoan, kéo dài và đạt lịch sử như mùa khô năm 2019-2020 do tác động của công trình cống, đập giữ nước tại thượng nguồn tỉnh và tại các địa phương giáp ranh tỉnh, xâm nhập mặn khả năng sẽ xâm nhập sớm vào các sông trên địa bàn tỉnh từ nửa cuối tháng 11/2023.
Hoạt động sản xuất nông nghiệp chủ động các giải pháp điều tiết, trữ nước để ứng phó với hạn, mặn. Ảnh: TĐ.
Nhằm chủ động ứng phó linh hoạt với các loại hình thiên tai trên địa bàn, UBND tỉnh Bến Tre yêu cầu các địa phương hướng dẫn tăng cường trữ nước và xây dựng kế hoạch chuẩn bị phòng chống, ứng phó xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024. Trong đó, tập trung thực hiện một số nội dung: Tuyên truyền, phát động nhân dân, doanh nghiệp tích cực trữ nước mưa, nước ngọt ngay trong mùa mưa năm 2023; xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống, ứng phó xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 phù hợp với dự báo tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn và khả năng đáp ứng nhu cầu dùng nước của hệ thống công trình thủy lợi, cấp nước trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, thực hiện thời vụ gieo trồng hợp lý, phù hợp với điều kiện nguồn nước, tình hình xâm nhập mặn; đắp đập tạm ngăn mặn, đào ao trữ nước phân tán theo quy mô hộ/nhóm hộ gia đình, bảo đảm chủ động cung cấp đủ nhu cầu nước tối thiểu cho sinh hoạt, chăn nuôi, cây trồng lâu năm khi xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; rà soát diện tích vườn cây ăn trái, cây giống, hoa kiểng có nguy cơ ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, chi tiết đến từng loại cây trồng và từng vùng trồng để xây dựng giải pháp ứng phó phù hợp.
Rà soát, cập nhật các kế hoạch về phòng chống, ứng phó với thiên tai theo quy định, phù hợp với nhận định tình hình thiên tai những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, phương án về ứng phó với các loại hình thiên tai như: Dông lốc, bão, ấp thấp nhiệt đới; triều cường, ngập úng, tràn, vỡ đê; sạt lở bờ sông, bờ biển;... trong đó chú trọng đến nội dung về sơ tán, di dời dân tại các khu vực xung yếu nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân khi có tình huống thiên tai xảy ra. Đồng thời, duy trì, củng cố, nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã, kịp thời huy động lực lượng khi có tình huống đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại địa phương.
Tăng cường thực hiện các biện pháp chủ động ứng phó triều cường; các hiện tượng thời tiết cực đoan trong mùa mưa, bão hàng năm. Chủ động thực hiện công tác phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển theo quy định. Trong đó, các ngành có liên quan và địa phương chủ động rà soát, kiểm tra, kịp thời phát hiện các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở; vận động các hộ dân có nhà ở nằm trong khu vực đã, đang hoặc có nguy cơ ảnh hưởng sạt lở di dời đến nơi an toàn. Thực hiện cắm biển cảnh báo, khoanh vùng khu vực sạt lở để tránh xảy ra tai nạn; thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ, chủ động huy động lực lượng, phương tiện, vật tư,... để gia cố tạm thời nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sạt lở gây ra.
Thanh Hải
Bình luận