Hotline: 0941068156
Thứ tư, 16/04/2025 18:04
Thứ ba, 15/04/2025 06:04
TMO - Chỉ trong ba tháng đầu năm 2025, thiên tai đã gây thiệt hại trên khắp cả nước, khiến hàng trăm ngôi nhà bị hư hỏng, hàng nghìn hecta lúa và cây trồng khác bị ảnh hưởng, ngập úng; đặc biệt khiến 7 người tử vong, mất tích, 6 người bị thương. Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trong quý I/2025 ước tính lên tới 116,7 tỷ đồng.
Trước đó, vào năm 2024 đánh dấu một năm đối mặt với nhiều thách thức do thiên tai cực đoan tại Việt Nam. Các loại hình thiên tai diễn ra ở quy mô rộng, mức độ nghiêm trọng chưa từng có, gây ra thiệt hại nặng nề về người và tài sản.
Trong năm 2024, các cơn bão mạnh, mưa lớn kéo dài gây lũ lụt tại miền Trung và Đồng bằng Bắc Bộ, làm hư hại hàng nghìn ngôi nhà, phá hủy hoa màu, và ảnh hưởng đến đời sống của hàng trăm nghìn người dân. Cụ thể, trong năm 2024 Việt Nam đã xảy ra 1.340 trận thiên tai với 21/22 loại hình thiên tai.
Sau những tháng đầu năm hạn hán tại các tỉnh phía Nam do ảnh hưởng của hiện tượng Elnino thì tiếp theo đó là bão mạnh, mưa lũ lớn, sạt lở đất, lũ quét trên diện rất rộng tại Bắc Bộ; mưa lũ lớn ở Trung Bộ. Thiên tai năm 2024 diễn ra khốc liệt, cực đoan, khiến 514 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng hơn 88.748 tỷ đồng.
Đặc biệt, cơn bão số 3-Yagi năm 2024 đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản của Nhân dân trong nước. Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường thông tin, bão số 3 và mưa lũ sau bão đã làm 345 người chết và mất tích, gây thiệt hại rất lớn về nông nghiệp; hệ thống cơ sở hạ tầng điện lực, thông tin liên lạc, giao thông, y tế, giáo dục; tổng thiệt hại về kinh tế ước tính trên 81.700 tỷ đồng.
Mặc dù chính quyền và các cấp, ngành chức năng đã tăng cường triển khai các kế hoạch phòng, chống, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, tuy nhiên, chỉ trong quý I/2025, thiên tai vẫn gây ra những hậu quả đối với người dân cả nước. Cụ thể, thông tin từ Cục thống kê (Bộ Tài Chính), trong quý I/2025, thiên tai làm 07 người chết và mất tích, 06 người bị thương; gần 10,1 nghìn ha lúa và hoa màu bị hư hỏng; 173 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi và hư hỏng. Tổng giá trị thiệt hại về tài sản do thiên tai gây ra trong quý I/2025 ước tính 116,7 tỷ đồng, giảm 31,8% so với cùng kỳ năm 2024.
Mưa đá, dông lốc làm đổ cây, tốc mái nhiều nhà dân ở Nghệ An.
Trước thực tế trên, việc nâng cao năng lực ứng phó, chủ động phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro thiên tai là vấn đề cấp bách cần được quan tâm và thực hiện hiệu quả. Theo đó, về công tác thủy lợi, phòng chống thiên tai, thông tin từ Vụ Kế hoạch - Tài chính cho biết trong quý I/2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã tiếp thu, giải trình để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: Quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Cửu Long và lưu vực sông Hồng-Thái Bình thời kỳ 2022- 2030, tầm nhìn đến năm 205011; Đề án phòng, chống sụt lún, sạt lở, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng ban hành văn bản gửi các tỉnh, thành phố về thực hiện nghiêm các quy định trong Quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ số 495/KL-TTCP ngày 9/12/2024…
Trong thời gian tới, đại diện Vụ Kế hoạch - Tài chính cho biết Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị làm công tác dự báo khí tượng thủy văn theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, nguồn nước, xâm nhập mặn;
Trực ban điều hành ứng phó với thiên tai 24/24h để chỉ đạo, hỗ trợ các cấp chính quyền và người dân chủ động chuẩn bị sẵn sàng ứng phó và khắc phục hậu quả được kịp thời, hiệu quả. Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường có trách nhiệm đôn đốc các địa phương thực hiện các chỉ thị, công điện về tăng cường công tác quản lý, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy lợi trong mùa mưa, lũ;
Tăng cường công tác quản lý đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lụt; hướng dẫn tích trữ nước vào hệ thống công trình thủy lợi để dành tưới dưỡng; gia cố bờ vùng, bờ thửa để giữ nước trên ruộng, chống thất thoát cho các diện tích đã cấp đủ nước.
Cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong giám sát thiên tai, lũ lụt.
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ phối hợp với Văn phòng Chính phủ rà soát hồ sơ, bổ sung theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Cửu Long và lưu vực sông Hồng-Thái Bình thời kỳ 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đề án phòng, chống sụt lún, sạt lở, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cùng với đó là hoàn thiện hồ sơ quy hoạch thủy lợi sông Cả thời kỳ 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương; tổ chức lập Quy hoạch đê điều và Quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình thời kỳ 2025-2035, tầm nhìn đến năm 2050.
Chính phủ và các cơ quan chức năng đang nỗ lực tăng cường công tác phòng chống thiên tai, đồng thời kêu gọi sự chung tay của toàn xã hội trong việc nâng cao nhận thức và chủ động ứng phó với các hiện tượng thời tiết cực đoan, nhằm bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân.
Dự báo về tình hình thời tiết năm 2025, Lãnh đạo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia (Cục Khí tượng Thủy văn) cho biết: Năm 2025, theo nhận định, mùa bão trên khu vực Biển Đông có khả năng xuất hiện tương đương so với trung bình nhiều năm (TBNN) (khoảng tháng 6), số lượng bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền có khả năng ở mức xấp xỉ TBNN (TBNN trên Biển Đông khoảng 11-13 cơn, ảnh hưởng đến đất liền khoảng 5-6 cơn).
Trong mùa khô đầu năm 2025, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ở mức cao hơn TBNN. Từ nay đến tháng 7, tình hình khô hạn, thiếu nước cục bộ ngoài vùng cấp nước của các công trình thủy lợi có khả năng xảy ra tại các tỉnh Phú Yên đến Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo, từ tháng 4 đến giữa tháng 5/2025, nhiều khu vực trên cả nước có nguy cơ cao xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như dông, lốc, mưa đá, khô hạn và cháy rừng. Người dân được khuyến cáo theo dõi sát sao các bản tin dự báo thời tiết và thực hiện các biện pháp phòng tránh cần thiết để giảm thiểu thiệt hại do các hình thái thời tiết cực đoan gây ra.
Thu Thảo
Bình luận