Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 23:11
Thứ sáu, 02/08/2024 12:08
TMO - Nửa đầu năm 2024, trong số các thị trường nhập khẩu hồ tiêu của Việt Nam, thị phần khu vực châu Á đứng đầu, chiếm 39,4% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Theo Báo cáo của Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), tính đến hết tháng 6/2024, Việt Nam đã xuất khẩu được 142.586 tấn hồ tiêu các loại, trong đó, tiêu đen đạt 125.959 tấn, tiêu trắng đạt 16.627 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu đạt 634,2 triệu USD, trong đó, tiêu đen đạt 539,9 triệu USD, tiêu trắng đạt 94,3 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng xuất khẩu giảm 6,8%, tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu lại tăng 30,5%. Giá tiêu đen xuất khẩu bình quân 6 tháng đạt 4.365 USD/tấn, tiêu trắng đạt 5.983 USD/tấn, tăng lần lượt 922 USD đối với tiêu đen và 1.028 USD đối với tiêu trắng so với cùng kỳ 6 tháng năm 2023.
Về thị trường, thị phần khu vực châu Á đứng đầu, chiếm 39,4% thị phần, tuy nhiên, so cùng kỳ lượng xuất khẩu giảm 37,6%, trong đó chủ yếu là giảm từ thị trường Trung Quốc. Các thị trường xuất khẩu chính tại châu Á bao gồm: UAE đạt 8.388 tấn, tăng 15,2%; Ấn Độ đạt 8.173 tấn, tăng 45,7%; Trung Quốc đạt 7.453 tấn, giảm 85,2%, Philippine đạt 4.811 tấn, tăng 16,1%; Pakistan đạt 4.284 tấn, tăng 85,7% và Hàn Quốc đạt 3.994 tấn, tăng 92,9%
Xuất khẩu hồ tiêu sang khu vực châu Mỹ tăng 42,5%, chiếm 28,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, thị trường Hoa Kỳ là khách hàng mua nhiều nhất tại khu vực nay, ghi nhận mức tăng 44,6% đạt 37.435 tấn, chiếm 26,3% tổng kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam. Khu vực châu Âu với tăng trưởng xuất khẩu 39,4% và chiếm 25,5% thị phần.
Nông dân thu hoạch hồ tiêu tại tỉnh Đắk Lắk.
Các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam tại châu Âu bao gồm: Đức đạt 9.526 tấn, tăng 106,7%; Hà Lan đạt 6.019 tấn, tăng 52,1%; Nga đạt 3.564 tấn, tăng 46,6%; Thổ Nhĩ Kỳ đạt 3.151 tấn, tăng 20,9%, Anh đạt 2.952 tấn, tăng 10,3%. Xuất khẩu sang khu vực châu Phi tăng 14,1%, đứng đầu là Ai Cập đạt 3.898 tấn, tăng 56,9% so với cùng kỳ. Các thị trường xuất khẩu tiêu trắng hàng đầu: Đức đạt 2.454 tấn, Hoa Kỳ đạt 2.044 tấn, Hà Lan đạt 1.779 tấn, Thái Lan đạt 1.732 tấn…
Theo nhận định của VPSA, sản lượng tiêu của Việt Nam trong năm 2024 ước giảm 10% so với năm 2023, chỉ còn khoảng 170.000 tấn. Đây là mức thấp nhất 5 năm trở lại đây. Trong khi đó, một quốc gia xuất khẩu hồ tiêu lớn khác là Brazil đang bị ảnh hưởng nặng nề do hạn hán kéo dài. Sản lượng hồ tiêu của Brazil dự kiến thấp nhất trong nhiều năm, giảm 20 – 40% so với năm trước. Nguồn cung hồ tiêu sụt giảm sẽ giúp giá hồ tiêu giữ ở mức cao trong một thời gian nữa.
Hồ tiêu ngày càng bị cạnh tranh bởi cây sầu riêng và cà phê. Diện tích trồng mới có nhưng không nhiều, chủ yếu trồng xen tiêu với cà phê, tỷ lệ 6 -2. Sản lượng hồ tiêu vụ tới có thể tương đương hoặc tăng nhẹ so với năm 2024. Lượng hàng tồn trong dân không còn nhiều, tình trạng sâu bệnh vẫn còn nhưng không đáng kể. Bên cạnh đó, ảnh hưởng biến đổi khí hậu (El Nino, La Nina) ngày càng khắc nghiệt dẫn tới một số vườn tiêu bị ngập úng nguy cơ bị nhiễm bệnh, dễ rụng trái, thiếu dinh dưỡng, bị vàng lá, ngập úng, nhiễm sâu bệnh hại….
Để đồng hành, hỗ trợ cùng cộng đồng doanh nghiệp ngành hàng hồ tiêu và cây gia vị, VPSA sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại khảo sát thị trường xuất khẩu. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện và xin phê duyệt kế hoạch thực hiện đề án “Tuyên truyền, quảng bá phát triển bền vững ngành Hồ tiêu và gia vị Việt Nam giai đoạn 2024 - 2026”. Tiếp tục phối hợp với các bên liên quan và Cảng vụ Hàng hải TP.HCM và các cơ quan chức năng cập nhật tình hình và giải quyết việc thiếu hụt hàng hoá trên tinh thần bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp thành viên. Tổ chức khảo sát các vùng trồng tiêu trọng điểm tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên dự kiến vào tháng 11 và tháng 12/2024.
Cùng với hồ tiêu, các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng gia vị như quế, hoa hồi...
Cùng với hồ tiêu, nửa đầu năm nay, cả nước đã xuất khẩu được 44.528 tấn quế, mang về 126,9 triệu USD, so với cùng kỳ tăng 3,9% về lượng nhưng kim ngạch giảm 1,8%. Ấn Độ là thị trường xuất khẩu chính của quế, chiếm 33,5%, đạt 15.040 tấn, so với cùng kỳ giảm 13,5%. Tiếp theo là Hoa Kỳ chiếm 11,5% đạt 5.160 tấn và tăng 3,2%. Bangladesh chiếm 10,9% đạt 4.882 tấn và tăng 14,3% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu hoa hồi được 7.023 tấn, mang về 34,2 triệu USD, so với cùng kỳ giảm 5,6% vè lượng và giảm 25,3% về trị giá. Ấn Độ là thị trường xuất khẩu chính và đạt 4.410 tấn, tuy nhiên so cùng kỳ giảm 4,2% chiếm 62,8% tỷ trọng xuất khẩu. Tiếp theo là các thị trường Hoa Kỳ: 490 tấn, Trung Quốc: 216 tấn.
Việt Nam là một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về cung ứng các sản phẩm gia vị với kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,5 tỷ USD mỗi năm. Gia vị Việt Nam hiện đã được xuất khẩu đi hơn 125 quốc gia, chiếm lĩnh nhiều thị trường quan trọng. Đây là ngành có tỷ lệ 95% hàng hóa xuất khẩu cho nên cần tập trung đầu tư chế biến sâu và xúc tiến thương mại để nâng cao giá trị gia tăng.
Bên cạnh việc tăng sản phẩm chế biến, thì xúc tiến thương mại cũng đóng vai trò quan trọng để đưa gia vị Việt Nam đến với người tiêu dùng thế giới. Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam cho biết, Hiệp hội đang nỗ lực triển khai xây dựng chiến lược phát triển thị trường bền vững và tuyên truyền, quảng bá ngành hàng hồ tiêu và gia vị Việt Nam; ưu tiên phê duyệt các chương trình tham gia hội chợ quốc tế lớn tại các thị trường trọng điểm. Trên cơ sở đó, hiệp hội chủ động xây dựng kế hoạch, đăng ký gian hàng sớm với ban tổ chức để có vị trí đẹp, giá tốt; đồng thời các doanh nghiệp thành viên cũng có thời gian chuẩn bị nhân sự, sản phẩm tốt nhất để tham gia trưng bày, mở rộng cơ hội giao thương.
Minh Yến
Bình luận