Hotline: 0941068156
Thứ năm, 26/12/2024 17:12
Thứ ba, 10/12/2024 14:12
“Chú Cuội ngồi gốc cây đa/ Để trâu ăn lúa gọi cha ời ời”, hẳn bài đồng dao đó người Việt không ai mà không thuộc. “Cây đa, bến nước, sân đình” đã trở thành biểu tượng văn hóa in sâu trong tâm thức của người Việt. Hình ảnh cây đa rợp bóng ở đình làng, sân chùa, đền miếu… trở thành ký ức tuổi thơ của nhiều người dù đi xa vẫn luôn nhớ về. Hơn nữa, cây đa ẩn chứa sức mạnh linh thiêng như vị thần hộ mệnh canh giữ cho sự an yên của cả làng, biểu tượng tâm linh ngàn năm của làng quê Việt.
Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường trân trọng gửi đến bạn đọc tác phẩm: “Cây Di sản ở chùa Bối Khê”. Tác phẩm đoạt giải trong Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024.
Tác giả: HOÀNG HỮU HÓA (TX Quảng Trị, Quảng Trị)
Ngày nay, cây đa có ý nghĩa lớn hơn là bảo vệ môi trường, nó được liệt vào danh sách những cây cổ thụ, cây Di sản Việt Nam. Một trong những cây đa được vinh danh Cây di sản Việt Nam là cây đa ở chùa Bối Khê. Ngày 7/5/2023, nhân dân thôn Song Khê vinh dự được đón nhận bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam đối với 3 cây trên địa bàn thôn Song Khê là cây Đa, cây Bồ đề và cây Đa ba rễ. Đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử quan trọng, là niềm vinh dự của cán bộ, đảng viên, nhân dân thôn Song Khê, xã Tam Hưng (huyện Thanh Oai, Hà Nội).
Biểu tượng tâm linh của làng
Cây Đa, cây Bồ đề và cây Đa ba rễ ở thôn Song Khê được trồng bên cạnh di tích Quốc gia chùa Bối Khê. Chùa tên chữ là Đại Bi tự có từ thời Lý và được xây dựng quy mô vào thời Trần vào năm Khai Hựu thứ 10 (1338) thời vua Trần Hiến Tông. Đây là một trong những ngôi chùa cổ nhất ở vùng Bắc Bộ nằm giữa hai con sông lớn của châu thổ Bắc Bộ là sông Hồng và sông Đáy, nơi sinh tụ của người Việt cổ. Bối Khê là một ngôi chùa cổ, đẹp và giữ được bản sắc tâm linh dân tộc. Ngôi chùa này có lịch sử 1000 năm tuổi có tiếng từ ngày xưa:“Bối Khê, Tiên Lữ, chùa Thầy /Đẹp thì đẹp vậy chẳng tày chùa Hương”.
Chùa Bối Khê thờ Phật và thờ Đức Thánh có tên là Nguyễn Bình An (dân gian gọi là Đức Thánh Bối). Ngài đã có nhiều công đức giúp các đời vua đánh giặc, trị nước, yên dân. Chùa Bối Khê không những là di tích lịch sử quý giá về niên đại mà còn có kiến trúc bằng gỗ độc đáo. Ngày nay, chùa Bối Khê là nơi sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh của không những người dân địa phương mà còn là nơi tham quan của khách thập phương chiêm ngưỡng các bảo vật của chùa.
Từ “Căn cứ” trong kháng chiến
Chứng kiến bề dày lịch sử văn hóa, tâm linh của chùa Bối Khê là Cây Đa, cây Bồ đề và cây Đa ba rễ. Trước khi bước vào cổng Ngũ Môn, khách tham quan đã cảm nhận ngay được vẻ đẹp thuần việt của làng quê Việt Nam với cây đa cổ thụ 500 năm rủ bóng, lại nhớ đến câu ca dao: “Cây đa cũ, bến đò xưa/ Bộ hành có nghĩa nắng mưa cũng chờ”.
Cây Đa ba rễ có thân chính và 3 thân phụ do rễ cắm xuống đất nên dân gian thường gọi là cây Đa ba rễ. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, cây Đa ba rễ là nơi tụ điểm hoạt động của du kích xã Tam Hưng. Dưới gốc cây là hòm thư bí mật, các chỉ thị của cấp trên, cất giữ truyền đơn của Mặt trận Việt Minh. Vì thế, các trận đấu chống càn đã làm cho quân giặc bạt vía, kinh hoàng, lập nên chiến tích oai hùng của bốn chữ vàng “Tam Hưng anh dũng” năm 1948.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cây Đa ba rễ là nơi dân quân đặt chòi trực chiến. Khi có máy bay Mỹ thì báo động để dân quân tham gia chiến đấu, còn nhân dân xuống hầm trú ẩn. Trên chòi cao, đội thanh niên xung kích là những phát thanh viên gọi loa thông báo các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về kháng chiến kiến quốc, vận động thanh niên lên đường ra trận, những người ở lại thì hăng hái sản xuất, thực hiện khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” góp phần cùng toàn xã Tam Hưng đạt danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (1995).
Còn cây Đa trước cửa chùa Bối Khê, theo ông Nguyễn Văn Cường (70 tuổi, thôn Song Khê) chia sẻ cũng đã có từ lâu đời, khoảng 500 năm tuổi. Thực tế, không ai biết chính xác cây có từ bao giờ. Chỉ biết rằng, “Cây đa chùa Bối” hay “Cây đa cửa chùa” là câu nói cửa miệng mà bao đời nay mọi người đều nhắc tới. Theo quan niệm dân gian, cây đa là nơi trú ngụ của các linh hồn và được coi là biểu tượng của sự bình an và may mắn. Vì vậy, việc trồng cây đa trong chùa không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn giúp tạo nên không gian yên bình và thanh tịnh cho chùa.
Cây Bồ đề được trồng sau khi ngôi đền Đức Ông ở chùa Bối Khê xây dựng. Trong gia phả của dòng họ Lê ở làng Song Khê có ghi người trồng cây bồ đề là cụ Lê Đình Thọ, trồng cách đây gần 500 năm. Cây bồ đề là biểu tượng của Phật giáo gắn với tích truyện về Thích Ca Mâu Ni ngồi thiền dưới gốc cây này mà giác ngộ ra con đường giải thoát. Bồ đề tượng trưng cho sự thức tỉnh, cách sống ngay thẳng và thánh thiện.
Cây Bồ đề này ghi dấu những bước thăng trầm của lịch sử quê hương và dân tộc; chứng kiến nhiều sự kiện văn hóa, tín ngưỡng ở chùa Bối Khê. Đặc biệt, Lễ hội chùa Bối Khê được tổ chức từ ngày 10 đến 12 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Hội chùa Bối Khê có những trò đánh cờ, bịt mắt bắt dê, hát chèo. Đáng chú ý, trong ngày hội còn lưu giữ được di sản phi vật thể hiếm thấy ở các nơi khác, đó là tục cầu mưa. Người dân đốt pháo bông, gọi là đốt pháo “màn than”. Màn than là một khung giấy tròn quét đầy thuốc pháo treo lên ngọn tre cao khoảng 15m. Họ dùng pháo thăng thiên ở dưới đất phóng lên sao cho màn than bắt lửa.
Cụ Lê Thị Chúc (85 tuổi thôn Song Khê) cho biết, từ thời ông bà của Cụ đã thấy “Cụ cây đề” uy nghi ở đây, tỏa bóng mát cho bà con nhân dân. Mấy trăm năm đã trôi qua, cây Bồ đề đền Đức Ông ở chùa Bối Khê vẫn được nhân dân địa phương chăm sóc, bảo vệ.
Hình ảnh cây Đa, cây Bồ đề và cây Đa ba rễ từ lâu đã trở nên thân thuộc với người dân Song Khê và nhân nhân quanh vùng. Cây đã chứng kiến biết bao đổi thay của quê hương, đất nước, là nơi nghỉ chân của người dân làng và khách bộ hành khi qua nơi này.
Đến cây Di sản Việt Nam
Ngày 7/5/2023, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam trao Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam đối với 3 cây trên địa bàn thôn Song Khê là cây Đa, cây Bồ đề và cây Đa ba rễ. Theo GS.TSKH. Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng cây di sản Việt Nam, Anh hùng đa dạng sinh học ASEAN, việc công nhận 03 cây di sản thôn Song Khê là cơ sở pháp lý tạo điều kiện cho việc chăm sóc bảo vệ và góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ nguồn gen quý hiếm; giữ gìn truyền thống lịch sử, văn hóa quốc gia, bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường Việt Nam. Đây không chỉ là niềm vinh dự, tự hào của nhân dân thôn Song Khê mà nhân dân xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai nói chung.
Việc công nhận và tôn vinh cây di sản tiếp tục cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân thôn Song Khê quyết tâm hơn nữa gìn giữ để phát huy giá trị cây di sản, góp phần tô thắm trang sử truyền thống văn hóa, cách mạng của quê hương; đưa Song Khê, xã Tam Hưng phát triển giàu mạnh, văn minh, xứng đáng với danh hiệu xã anh hùng. Việc bảo tồn và phát huy tốt cây di sản sẽ giúp xã Tam Hưng phát triển du lịch, trở thành sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh độc đáo, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển.
Truyền thông điệp bảo vệ môi trường
Truyền thống bảo vệ, chăm sóc cây cổ thụ trong cộng đồng, trong các làng quê của Việt Nam đã có từ lâu đời. Theo GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, cây cổ thụ là những nhân chứng lịch sử, văn hóa của đất nước, của dân tộc cần được tôn vinh và bảo vệ. Trong lớp vỏ sần sùi thô ráp của trên 6.000 cây cổ thụ được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam lưu giữ cả triệu mùa Xuân cùng muôn vạn sự kiện lịch sử - văn hóa. Vì vậy khi Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam khởi xướng sáng kiến bảo tồn cây cổ thụ với tên gọi Cây Di sản Việt Nam đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng.
Trồng cây xanh và bảo vệ cây xanh trong đó có cây Di sản Việt Nam giúp con người có bầu không khí trong lành để sống khỏe mạnh. Cây xanh làm đẹp con người, làm đẹp đất nước. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng tăng, trái đất đang nóng dần lên và môi trường đang ô nhiễm nhất là ô nhiễm không khí, thì cây xanh là sự cần thiết để cải thiện môi trường và chất lượng cuộc sống. Vì thế mỗi chúng ta phải thường xuyên trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh như Bác Hồ căn dặn cán bộ, nhân dân địa phương trong lần về thăm Xuân La tháng 11 năm 1958, Bác Hồ đã đứng dưới bóng mát của cây đa cổ thụ và căn dặn “phải bảo vệ, gìn giữ những cây bóng mát muôn đời cho con cháu mai sau”.
Ở khắp dải đất hình chữ S, hiện hữu biết bao bóng hình cây cổ thụ. Nằm trong hệ thống cây Di sản Việt Nam, với mỗi cây lại chứa đựng nhiều câu chuyện lịch sử đầy ý nghĩa. Trong đó cây Đa, cây Bồ đề và cây Đa ba rễ đã góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; tô vẽ bức tranh di tích lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh của người dân làng Song Khê; đồng thời là biểu tượng hồn cốt của làng quê Việt Nam.
Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024 do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam chủ trì, Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường được giao triển khai thực hiện. Cuộc thi được phát động triển khai từ tháng 3/2024 đến hết tháng 9/2024. Trong số hơn 400 tác phẩm tham gia cuộc thi, Hội đồng giám khảo đã lựa chọn 25 tác phẩm tốt nhất, phù hợp nhất để công bố, trao giải. Lễ công bố, trao giải được tổ chức ngày 26/11/2024 tại Hà Nội. |
Bình luận