Hotline: 0941068156

Thứ bảy, 21/12/2024 18:12

Tin nóng

Nam Định: Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Giai đoạn 2021-2030 Hà Nội đặt mục tiêu GRDP bình quân từ 8,5 - 9,5%

Hải Phòng: Thêm 4 cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Thêm 49 cây cổ thụ đủ điều kiện công nhận Cây Di sản Việt Nam

8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế-xã hội năm 2025

Phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt khoảng 8%, tạo đà năm 2026

Trên 20 cây cổ thụ ở vườn quốc gia Côn Đảo được công nhận Cây Di sản Việt Nam

25 tác phẩm xuất sắc được trao trong Lễ công bố, trao giải Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024

Hội nghị Ban Chấp hành 2024: Tiếp tục củng cố và phát triển bền vững tổ chức hội

Hoà Bình: 4 cây cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Đa cổ thụ ở Phú Xuyên được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Từ năm 2025 áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải xe cơ giới nhập khẩu

25 giải sẽ được trao trong Lễ công bố, trao giải Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024

Việt Nam chia sẻ 3 bài học trong xóa đói giảm nghèo tại G20

Ứng Hoà (Hà Nội): Hai cây cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lên đường dự Hội nghị G20

COP29: ‘Tài chính khí hậu là an ninh toàn cầu, không phải đi làm từ thiện’

COP29: Việt Nam ủng hộ quan điểm cần đảm bảo mục tiêu tài chính khí hậu

Phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2025 khoảng 7,0-7,5%

Tăng trưởng GDP Việt Nam có thể cao nhất khu vực ASEAN +3

Thứ bảy, 21/12/2024

[Cây Di sản Việt Nam] Cây đa đền Thượng sừng sững giữa đất trời Lào Cai

Thứ bảy, 21/12/2024 14:12

Mỗi lần về với Lào Cai là thêm những kỷ niệm về mảnh đất thênh thang giữa đất trời này. Về với Lào Cai để cùng cảm nhận không khí trong lành, thoáng đạt, trên chiếc xe điện đi qua những cung đường ở thành phố. Thành phố Lào Cai nơi con sông Hồng chảy vào đất mẹ với những dãy núi trùng điệp càng cho tôi thêm yêu mến nơi này.

Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường trân trọng gửi đến bạn đọc tác phẩm: “Cây đa đền Thượng sừng sững giữa đất trời Lào Cai”. Tác phẩm đoạt giải Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024.

Tác giả: NGUYỄN LINH (Lào Cai)

Lào Cai đối với tôi là một mảnh đất xa lạ nhưng cũng thật thân quen. Còn nhớ lần đầu tiên đến với Lào Cai là vào năm 2020, lần đấy tôi đã gọi Lào Cai là nơi tôi trở về, trở về với gia đình, với thật nhiều tình yêu thương. Ngày đấy khi còn là sinh viên năm 2, tôi choáng ngợp trước khung cảnh hùng vĩ bởi núi non trùng điệp và ấn tượng với những con đường vượt núi chênh vệnh. Tôi thích thú thật nhiều và mong sẽ về với Lào Cai được nhiều lần để đi được nhiều hơn những cung đường như thế, để khám phá cảnh sắc quê hương tôi. Ấy vậy mà sau nhiều lần lỡ hẹn, phải đến tận năm 2024 tôi mới có dịp được trở về với thành phố Lào Cai và lần trở về này cũng rất đặc biệt. Thu xếp xong một số công việc ngay dưới chân đền Thượng, đoàn chúng tôi cùng nhau lên Đền Thượng, điểm đến nổi tiếng trên địa bàn tỉnh để cùng khám phá thêm một điểm đến ở mảnh đất này.

Đền Thượng Lào Cai được tọa lạc trên đồi Hỏa Hiệu (đỉnh Mai Lĩnh), phía sau là núi Mai Lĩnh, phía trước là sông Nậm Thi hiền hòa trong xanh, gắn liền với những dấu ấn lịch sử liên quan đến hoạt động của Trần Hưng Đạo ở mảnh đất biên giới Lào Cai trong cuộc kháng chiến chống quân Mông – Nguyên thế kỷ XIII của nhà Trần.

Đền được xây dựng vào thời Lê, niên hiệu Chính Hòa (1680 - 1705) có tên Thánh Trần Từ, trước thuộc phố Bảo Thắng, châu Thủy Hoa, tỉnh Hưng Hóa, nay thuộc phường Lào Cai, thành phố Lào Cai. Vào năm 1794, giặc Thanh sang cướp nước ta. Tại vùng đất Lão Nhai, ông Hoàng làng (tức ông Sét) đã chiêu mộ bính lính đánh đuổi giặc, đồng thời lập đình thờ vọng Đức Thánh Trần, cầu mong vong linh Ngài giúp sức. Đình thờ được xây dựng đơn sơ ngay chân đồi Hỏa Hiệu. Năm 1836, dân làng Lão Nhai đã góp công, góp của tôn tạo ngôi đình.

Đến năm 1917 (năm Khải Định thứ 2), các bô lão và dân chúng lại tôn tạo ngôi đình mở rộng quy mô để tỏ lòng ngưỡng vọng các bậc thánh hiền, cũng tỏ rõ ý chí noi theo các bậc tiền nhân mà giữ gìn bờ cõi. Năm Giáp tý (1923), các vị tiên chỉ chức sắc, lão nhiêu, anh em các cấp trên dưới và nhân dân ở thôn Tân Bảo, xã Lao Kay, châu Bảo Thắng cùng hội họp đồng tâm chung sức tu tạo đình Thượng. Sau khi tu tạo đình uy nghi, bề thế, Tiên chỉ Hoàng Đình Ninh đã tổ chức một đoàn người về Kiếp Bạc xin âm phúc, bát nhang Đức Thánh Trần rước lên đặt tại đình Thượng để thờ phụng. Từ đó, đình Thượng chuyển thành đền Thượng. Năm 1996, di tích đền Thượng được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia. Đền Thượng sừng sững nơi miền biên viễn là tượng đài chiến thắng, là cột mốc vĩnh hằng của lòng yêu nước, ý chí quật cường, sức mạnh đoàn kết của dân tộc Việt Nam. Âm hưởng Hào khí Đông A nhà Trần vẫn vang vọng trong núi, trong sông, trong lòng người Lào Cai.

Từ đầu thế kỉ XIX, để tưởng nhớ ân đức của Đức Thánh Trần, cứ đến mùa xuân, người dân Lão Nhai lại tổ chức lễ hội làng Lão Nhai. Sau nhiều năm gián đoạn do chiến tranh. Mùa xuân năm 1999, lễ hội đền Thượng quy mô cấp tỉnh được tổ chức nhằm khôi phục lại lễ hội của làng Lão Nhai xưa. Kể từ đó đến nay, lễ hội Đền Thượng được tổ chức thường niên, Rằm tháng Giêng là ngày chính hội. Vào sáng ngày 15 tháng Giêng, nghi lễ rước kiệu Đức Thánh Trần và các loại kiệu thánh khác được tổ chức từ Ủy ban nhân dân thành phố về sân lễ hội. Tại sân lễ hội, du khách thập phương và nhân dân được chứng kiến màn trình diễn tái hiện lại quá trình đưa quân lên trấn ải biên cương, bảo vệ bờ cõi của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Hưng Đạo và các tiết mục văn nghệ đặc sắc. Sau đó, đoàn rước kiệu và các lễ vật sẽ tiếp tục rước lên trên sân đền. Tại đây, chủ tế tiến hành dâng hương, đọc chúc văn khái thuật lại công lao của Đức Thánh Trần và dâng vật phẩm của đội tế.

Lễ hội đền Thượng còn chọn lọc một số trò chơi đặc sắc của các dân tộc như đánh quay, đẩy gậy của dân tộc Hmông; ném còn của dân tộc Tày, Thái, Giáy; kéo co ở làng Trung Đô – Bắc Hà và làng Làn – Văn Bàn để tổ chức. Vào ngày hội, các cô gái Nùng Dín ở Mường Khương đều xúng xính trong bộ váy áo nhuộm chàm vừa ngồi đu bay cao vừa khoe bộ trang sức bằng bạc có nhiều biểu tượng đặc sắc của tộc người mình. Các chàng trai Hmông ở Bản Phố (Bắc Hà) thi nhau biểu diễn những kiểu đánh quay hấp dẫn chỉ có ở vùng cao, vui nhất, thu hút được nhiều người tham gia nhất chính là các đội kéo co của người Tày, người Giáy. Đó là đội hình kéo co giữa người già với người trẻ, giữa người nữ với người nam, giữa trai tráng ở đầu suối và cuối suối. 

Cây đa trong văn hóa Việt Nam

Không biết từ bao giờ cây đa lại gắn bó mật thiết với đời sống của người dân Việt Nam đến thế. Cây đa còn luôn luôn được dành cho vị trí thoáng mát, đắc địa đầu làng, nơi đưa đón con người của một cộng đồng nhỏ sớm tối đi về, nơi xòa ra bóng mát làm con người vợi chút mệt mỏi sau một ngày lao động cực nhọc, nơi trú ngụ của đấng thánh thần, được dân làng tôn sùng vì năng lực vô hình phù hộ độ trì cho con cháu bình an làm ăn, sinh sống.

Trong văn hóa, cây đa còn là nơi trú ngụ của một thứ sức mạnh tinh thần bí ẩn, linh thiêng, nhân lên sự sùng bái trong thế giới tâm linh con người, trở thành đấng vô hình, có quyền năng chi phối niềm tin cùng hành vi con người: Thần cây Đa, ma cây Gạo, cú cáo cây Đề! Cây đa đã từ thế giới cây cỏ tự nhiên bước vào thế giới tâm linh, hòa nhập với tín ngưỡng cộng đồng, trở thành biểu tượng cho sức mạnh tinh thần của một xóm làng, thành nơi nương tựa tinh thần vững chắc của chúng sinh. Từ trong sự bề thế, khổng lồ về hình thức của cây đa (thân cây, bóng cây), như một lẽ tự nhiên, các vị thần hòa quyện vô hình trong đó đã kết hợp với cây để tạo ra sự kỳ ảo về nội dung (sự linh thiêng), làm cho cây vừa thân thuộc gần gũi, vừa có uy lực chế ngự, cai quản và điều chỉnh hành vi con người trong những mối quan hệ với tự nhiên- xã hội đa dạng, phức tạp.

Ở vùng đồng bằng trung du Bắc bộ, mỗi khi lập làng/xóm, người dân thường trồng ở đầu làng/xóm cây Đa, như để báo hiệu sự hiện tồn của một cộng đồng người mới đến sinh cư lập nghiệp. Vì thế, dấu hiệu hiện tồn của cây đa là minh chứng cho “tuổi thọ” của xóm làng. Dưới gốc cây đa thường được dựng lên một cơ ngơi thờ tự (miếu, nghè, đình, đền,…) các vị thần linh, với mong muốn được các vị phù hộ độ trì cho dân làng làm ăn, sinh sống.  

Trong không gian cư trú người Việt, cây đa góp phần tạo nên sự cổ kính, bề thế của xóm làng, nơi định vị đắc địa cho mảnh đất làm ăn phát đạt của chúng sinh cư trú. Và, bởi vậy, con mắt trực quan của con người luôn bắt gặp bóng dáng cây Đa cao lớn, làm điểm tựa cho tâm tư, tình cảm con người mỗi khi nghĩ/nhớ về ngọn nguồn xứ sở. Trên thực tế, dưới bóng cây đa, con người đã bao lần bộc lộ tình cảm, gần gũi nhau trong sinh hoạt làm ăn. Đấy cũng chính là địa chỉ hội tụ biết bao kỷ niệm của các thế hệ người dân giữa vô vàn các mối quan hệ vớí tự nhiên và xã hội.

Không phải ngẫu nhiên mà, mỗi khi đi xa, người ta thường nhớ về cây đa như nhớ về quê hương, nhớ về cội nguồn với tình cảm chân thành, da diết. Cây đa luôn là chỗ dựa tin cậy về mặt tinh thần cho con người. Đến những giai đoạn phát triển nhất định của lịch sử, cây đa lại hiện ra theo tinh thần nhân đạo của người lao động. Cây đa vừa là nơi che mưa che nắng, vừa là thứ dược liệu truyền thống đối với sức khỏe người dân.

Chính vì vậy, dù trải sự chuyển hóa của quá trình bồi đắp các lớp tín ngưỡng văn hóa khác nhau, nhưng vẫn giữ nguyên/ẩn chứa trong đó lớp tín ngưỡng cổ sơ, cây đa đã âm thầm gắn kết con người với các mối quan hệ cùng tự nhiên và xã hội, từ đơn giản đến phức tạp, tùy theo sự phát triển trong nhận thức, ý thức lịch sử và quan niệm thẩm mỹ của chính những con người sáng tạo ra không gian văn hóa có sự hiện diện của thứ cây thần kỳ đó. Tán cây, thân cây luôn luôn là chỗ chở che cho con người tránh nắng mưa, bão táp, vỏ cây làm thuốc chữa bệnh,…

 Do vậy, với con người, cây được coi như lực lượng phù trợ, gần gũi với cuộc sống. Và đến khi tư tưởng thần linh xuất hiện, ngự trị trong đầu óc, con người liền gán cho cây sức mạnh siêu nhiên, sức mạnh của thần linh, nhân lên sự sùng bái trong cộng đồng. Ở nhiều nơi, cây đa (trong hệ thống các đại thụ khác) còn được sử dụng để giải thích cho một địa danh tín ngưỡng, một vị trí địa lý hay một làng cụ thể.

Cây đa đền Thượng

Những năm trở lại đây, khi được biết và làm nhiều hơn về Cây Di sản Việt Nam (hoạt động được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam khởi xướng từ năm 2010) tôi càng muốn được khám phá, chiêm ngưỡng và được nghe nhiều hơn những cây chuyện về các cây cổ thụ, Cây Di sản Việt Nam.

Trên khắp dải đất hình chữ S này, hầu hết ở các địa phương đều đã có cây cổ thụ được công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Đây là niềm tự hào đối với cộng đồng dân cư nơi đó, bởi cây cổ thụ của quê hương đã được gắn với di sản. Trong gần 8.000 cây Di sản đã được công nhận trên cả nước, cây Di sản nào cũng sẽ có những câu chuyện riêng được người dân địa phương lưu giữ, rồi kể lại cho con cháu nghe, để thấy cây cổ thụ không chỉ là những cây cao to hùng vĩ, tán lá tỏa rợp bóng mà đằng sau đó là những câu chuyện của thời xa xưa, của những năm tháng kháng chiến và ngay cả hiện tại.

Về với Đền Thượng, ngay từ khi bước chân đến cổng đền, tôi đã được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cây đa 300 năm tuổi, đang vươn cành trổ tán, dưới bóng cây cổ thụ là miếu thờ Bà chúa Thượng Ngàn (Nữ chúa rừng xanh). Tương truyền, trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, bà đã góp công đánh giặc bảo vệ bờ cõi nước Nam, ghi công ơn bà, nhân dân lập miếu thờ ngay dưới gốc cây đa xum xuê cành lá. Người đời sau truyền rằng, nếu ai thành tâm cầu khấn đều được bà linh ứng. Chính vì vậy dưới bóng đa linh thiêng có câu đối "Thụ mộc đa sinh, sinh thế thế; Tiên cô hóa hiện, hiện linh linh" nghĩa là "cây đa cổ thụ sinh ra đã có tư thế; Tiên cô hóa hiện, đem lại sự linh thiêng".

Năm 2012, cây đa tại Đền Thượng được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Đặc biệt hơn, đây là cây cổ thụ đầu tiên của tỉnh Lào Cai được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là "Cây di sản Việt Nam" và là cây thứ 155 trong cả nước được công nhận là "Cây di sản Việt Nam". Giữa đất trời rộng lớn và trong khuôn viên Đền Thượng linh thiêng, cây đa Di sản sừng sững, hiên ngang, vươn cao ngay bên bờ sông Nậm Thi, cạnh đền Thượng - nơi thờ Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Vương - Trần Quốc Tuấn, người có công to lớn trong sự nghiệp bảo vệ bờ cõi, non sông đất nước, trở thành niềm tự hào của người dân nơi mảnh đất biên cương - Lào Cai.

Cây đa đền Thượng thuộc giống đa lông. Thời điểm được công nhận, cây được xếp vào cây di sản có chu vi toàn bộ thân cây lớn nhất Việt Nam, với chu vi 44 m, cao hơn 36 m, có tuổi đời trên 300 năm. Đến nay, cây đã phát triển thêm rất nhiều rễ phụ và hàng nghìn rễ con bao bọc xung quanh. Rất khó phân biệt đâu là thân chính, đâu là rễ phụ, bởi theo thời gian, các rễ phụ đã phát triển, gắn chặt vào nhau thành cụm rễ khổng lồ không khác gì thân chính. Mỗi năm, cây đa mọc ra nhiều rễ mới, các rễ phụ cũng ngày càng to nên những người trông coi, quản lý đền đã kéo những rễ mới níu vào phía bờ rào và lên đồi thông, vừa tạo dáng cho cây, vừa tránh vướng lối đi của người dân và du khách khi tới đền dâng hương, chiêm bái. Cây đa cổ thụ ở Đền Thượng luôn được người dân bảo vệ. Mỗi năm cây ra rất nhiều rễ nhưng không ai bẻ cành, ngắt rễ hoặc trèo leo. Cây có nhiều tầm gửi, nhiều gốc phong lan bám chặt trên những cành cao, rễ lớn càng tô thêm vẻ đẹp cổ kính và tự nhiên.

Với người Việt, cây cối, nhất là những cổ thụ không đơn thuần là một dạng thức tồn tại vật chất, mà ẩn chứa trong đó còn là bề sâu tinh thần với nhiều vỉa, tầng giá trị. Với người Việt, cây cối, nhất là những cổ thụ không đơn thuần là một dạng thức tồn tại vật chất, mà ẩn chứa trong đó còn là bề sâu tinh thần với nhiều vỉa, tầng giá trị. Đền Thượng nổi tiếng linh thiêng nên hằng năm luôn có hàng trăm nghìn lượt người tới cầu mong bình an, may mắn, tài lộc, nhất là dịp Lễ hội đền Thượng vào ngày rằm tháng Giêng. Với hơn 300 năm bám rễ sâu vào lòng đất, tán cây phủ bóng mát cả một vùng rộng lớn, cây đa đã góp phần che chắn gió bão, bảo vệ ngôi đền thiêng và cuộc sống của người dân xung quanh.

Đền Thượng soi mình bên dòng Nậm Thi xanh trong, đây cũng là đường biên giới biên ải giữa Việt Nam với Trung Quốc. Nơi đây được cho là vị trí yết hầu quan trọng trong chiến lược chống giặc ngoại xâm của cha ông ta. Ngay dưới chân Đền du khách được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cây đa sum suê tỏa bóng. Cây đa hơn 300 năm tuổi này được công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Cây đa xanh tốt uy nghi minh chứng cho sự gìn giữ nền độc lập và chủ quyền dân tộc. Cây đa là biểu tượng cột mốc biên cương của đất nước.

Trên mảnh đất Lão Nhai này cách đây hơn 700 năm, Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã chọn vùng biên ải làm đồi Hỏa Hiệu, nơi vọng gác của quân ta trong đánh giặc ngoại xâm để giữ yên bờ cõi. Và truyền thống tự tôn dân tộc được kết nối đời kiếp cho con cháu. Đất trời vẫn đất trời xưa, Hồng Giang, Nậm Thi vẫn ngày đêm cuộn chảy xuôi dòng, biên giới ngàn năm vẹn nguyện và hoa thơm quả ngọt sẽ mãi ngày càng tươi tốt dâng hương cho đời để không hổ thẹn với tổ tông. Bóng đa cổ thu bên dòng biên ải vẫn vươn cành tỏa bóng che mát cõi thiêng. Bóng đa uy nghi như cột mốc xanh bền vững muôn đời nơi thành phố biên cương địa đầu đất Việt.

Dưới bóng cây rợp mát cả một khoảng không rộng lớn, nhìn cây cổ thụ và hơn cả là Cây Di sản của quê hương ngày càng xanh tốt, tôi thầm hiểu rằng, Lào Cai mảnh đấy quê hương mình sẽ ngày càng phát triển hơn. Cây đa Di sản đã ở đó hơn 300 năm nay, chứng kiến bao đổi thay của mảnh đấy Lào Cai, cây càng phát triển, những bộ rễ ngày càng vươn rộng và hơn cả lá cây xanh tốt quanh năm như dự báo về tương lai phồn thịnh của mảnh đất nơi đầu nguồn con sông Hồng chảy vào lãnh thổ Việt Nam.

Trước đây, thật lòng mà nói tôi không quan tâm quá nhiều đến cây xanh, cũng chỉ biết là cây này, cây kia... nhưng rồi khi được tiếp cận sâu hơn với những cây cổ thụ được coi là Cây Di sản thì mới hiểu ra rằng, cây cổ thụ không phải chỉ hùng vĩ như vậy mà nó còn mang trong mình một kho tàng vốn hiểu biết, ở đó chứa đựng lịch sử và rồi in dấu hiện tại. Chẳng thể nào không choáng ngợp trước sự đồ sộ của cây đa Di sản tại đền Thượng... những chùm rễ cứ thế ngày càng phát triển để người dân Lào Cai mỗi lần ghé qua đền Thượng lại cảm thấy bình yên hơn.

Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024 do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam chủ trì, Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường được giao triển khai thực hiện. Cuộc thi được phát động triển khai từ tháng 3/2024 đến hết tháng 9/2024. Trong số hơn 400 tác phẩm tham gia cuộc thi, Hội đồng giám khảo đã lựa chọn 25 tác phẩm tốt nhất, phù hợp nhất để công bố, trao giải. Lễ công bố, trao giải được tổ chức ngày 26/11/2024 tại Hà Nội.

 

 

 

 

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

Bình luận

    Bình luận của bạn

    cmt
      Web đang chạy kỹ thuật
      Zalo phone Hotline