Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 14:01
Chủ nhật, 24/03/2024 06:03
TMO - Năm 2024, tỉnh Cao Bằng phấn đấu đón khoảng 2,2 triệu lượt khách du lịch với doanh thu ước đạt 1.500 tỷ đồng. Thời gian tới, địa phương này tập trung xác định tiếp tục nâng cao chất lượng, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo, có tiềm năng.
Cao Bằng là vùng đất chứa đựng nhiều di sản địa chất, địa mạo cổ sinh với hệ sinh thái đa dạng, phong phú, cảnh sắc thiên nhiên còn đậm nét hoang sơ, trong đó có nhiều danh lam thắng cảnh hùng vĩ như: thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, núi Mắt Thần, quần thể hồ Thăng Hen, Vườn quốc gia Phja Oắc-Phja Ðén...Cao Bằng là nơi được Bác Hồ lựa chọn để trở về trực tiếp lãnh đạo cách mạng sau hơn 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước.
Ðến nay, trên địa bàn tỉnh đang có hơn 200 di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh, trong đó có 101 di tích đã được xếp hạng, bao gồm: 3 di tích quốc gia đặc biệt, 26 di tích cấp quốc gia, 72 di tích cấp tỉnh; 2 bảo vật quốc gia; 7 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm 2018, UNESCO đã công nhận Công viên địa chất Non nước Cao Bằng là Công viên địa chất toàn cầu. Năm 2019, thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam cũng chính thức được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Thác Bản Giốc là một trong những điểm đến thu hút đông đảo du khách. Ảnh: KV.
Với các lợi thế trên những năm qua, Cao Bằng đã đẩy mạnh khai thác nhiều loại hình du lịch mang tính thế mạnh, như: Du lịch văn hóa lịch sử kết hợp trải nghiệm văn hóa bản địa, gắn liền việc tổ chức các lễ hội (Lễ hội Nàng Hai, Lễ hội tranh đầu pháo, Ngày hội văn hóa dân tộc Lô Lô...); du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái nông nghiệp, như ở điểm du lịch cộng đồng Khuổi Khon (huyện Bảo Lạc), điểm du lịch cộng đồng Hoài Khao (huyện Nguyên Bình)...; du lịch về nguồn; du lịch nghỉ dưỡng núi; du lịch mạo hiểm.
Ðặc biệt, với loại hình du lịch tham quan, khám phá hang động, bên cạnh 4 tuyến trải nghiệm Công viên địa chất Non nước Cao Bằng, tuyến du lịch thứ 5 kết nối Công viên địa chất toàn cầu UNESCO cao nguyên đá Ðồng Văn (Hà Giang) - Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng cũng tiếp tục được xây dựng nhằm tạo ra sản phẩm đặc sắc chưa từng có để thu hút du khách. Ngoài ra, Cao Bằng cũng đang chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch về đêm, ngoài chợ đêm ở thị trấn Bảo Lạc, thị trấn Thông Nông, phố đi bộ Kim Ðồng, còn đưa vào khai thác thêm tuyến đi bộ ven sông Bằng góp phần thu hút đông đảo khách du lịch.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, ngành du lịch Cao Bằng vẫn đang phải đối mặt nhiều khó khăn. Hạ tầng kinh tế-xã hội còn thiếu đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông đã và đang là "điểm nghẽn" lớn tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế-xã hội, ảnh hưởng đến hoạt động kêu gọi đầu tư và thu hút khách du lịch đến Cao Bằng. Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư cho hoạt động du lịch còn ít, chưa tương xứng với nhu cầu, tiềm năng; chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược; cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng; nguồn nhân lực du lịch chưa đáp ứng về số lượng, năng lực, nhất là lực lượng hướng dẫn viên du lịch quốc tế.
Cao Bằng cần làm mới các loại hình, dịch vụ trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, gắn với phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc.
Thời gian tới, cùng với việc phát huy các sản phẩm hiện có, Cao Bằng cần làm mới các loại hình, dịch vụ trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, gắn với phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc; chú trọng phát triển các chuỗi sản phẩm liên huyện, liên tỉnh, xuyên biên giới; xây dựng các gói kích cầu du lịch có chất lượng, có tính cạnh tranh so với các điểm đến khác.
Cao Bằng cần lấy hạt nhân là các sản phẩm du lịch gắn liền với danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng để xây dựng chiến lược truyền thông phù hợp và triển khai chuyên nghiệp, rộng rãi trong nước và quốc tế. Địa phương này phải chú trọng nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ trong quản lý và liên kết phát triển du lịch; chủ động tích hợp dữ liệu vào ứng dụng Du lịch Việt Nam, nền tảng số vietnam.travel và các mạng xã hội du lịch Việt Nam như Facebook, Instagram, Youtube...; đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, ủng hộ các sáng kiến ứng dụng công nghệ mới.
Năm 2024, tỉnh phấn đấu đón khoảng 2,2 triệu lượt khách du lịch với doanh thu ước đạt 1.500 tỷ đồng. UBND tỉnh Cao Bằng đề nghị, các sở, ban, ngành, địa phương cần tập trung xác định các sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo, có tiềm năng, thế mạnh gắn với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. Từ đó, khẩn trương có giải pháp hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư; tăng cường kết nối các điểm lưu trú, dịch vụ, phát triển các sản phẩm OCOP trong các tuyến du lịch, trải nghiệm của Công viên địa chất.
Hiệp hội Du lịch tỉnh Cao Bằng tiếp tục phát huy vai trò kết nối cộng đồng doanh nghiệp với hiệp hội, hội ngành, nghề khác liên quan, tham vấn cơ quan có thẩm quyền. Các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ du lịch và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn phát huy tính năng động, sáng tạo, vai trò động lực, chủ động tham vấn trong phục hồi du lịch; đẩy mạnh kết nối, hợp tác hỗ trợ cùng phát triển; đổi mới mô hình kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với chuyển đổi số và đổi mới, sáng tạo...
Tháng 9/2024, tỉnh sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế lần 8 của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây là sự kiện mang tầm quốc tế và khu vực, có ý nghĩa lớn đối với ngành Du lịch Cao Bằng nói riêng và đất nước nói chung. Để Hội nghị diễn ra trang trọng, an toàn, hiệu quả, lãnh đạo UBND tỉnh Cao Bằng đề nghị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Ngoại vụ, các cơ quan, ban, ngành, địa phương tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo, chủ động đề xuất các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của ngành, địa phương; rà soát kỹ công tác hậu cần, phục vụ bảo đảm chu đáo, chuyên nghiệp.
Ngoài ra, năm 2024, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tập trung tham mưu thu hút các nhà đầu tư chiến lược, xây dựng hạ tầng theo hướng đồng bộ đa chức năng tại 3 di tích quốc gia đặc biệt, các danh thắng quốc gia, vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng gắn với phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Ngành tiếp tục đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, dịch vụ; thực hiện hiệu quả các hoạt động ứng dụng công nghệ số trong du lịch. Đồng thời, ngành tổ chức hiệu quả các hoạt động xúc tiến, quảng bá trong nước, quốc tế; tham gia hiệu quả các hoạt động hợp tác, liên kết phát triển du lịch; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ di sản địa chất, di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên và môi trường trên địa bàn.
P. Thúy
Bình luận