Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 11:11
Thứ năm, 18/05/2023 12:05
TMO - Di sản văn hóa được coi là nguồn tài nguyên vô giá tạo nên sức hút riêng cho du lịch mỗi địa phương. Thời gian qua, tỉnh Cao Bằng tiếp tục thực hiện tốt việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch bền vững. Đây được coi là nhiệm vụ quan trọng được tỉnh quan tâm thực hiện nhằm hiện thực hóa chủ trương "lấy văn hóa để phát triển du lịch, lấy du lịch để bảo tồn phát triển văn hóa". Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, ngành du lịch của tỉnh Cao Bằng đã có sự phục hồi và phát triển thần kỳ, đánh dấu sự quay trở lại của ngành kinh tế mũi nhọn.
Trong thời gian qua, việc khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đang góp phần tạo nên những "gam màu sáng" cho bức tranh kinh tế du lịch của tỉnh Cao Bằng. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, 4 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đón 476.329 lượt khách du lịch, đạt 236,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 7.963 lượt, bằng 1.190% so với cùng kỳ; khách du lịch nội địa ước đạt 468.366 lượt, bằng 234% so với cùng kỳ. Doanh thu du lịch ước đạt 327 tỷ đồng, bằng 426% so với cùng kỳ; công suất sử dụng phòng ước đạt 35,7%.
Thác Bản Giốc nằm ở xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Đây được mệnh danh là thác nước tự nhiên lớn nhất và đẹp nhất Đông Nam Á và là thác tự nhiên lớn thứ tư thế giới trong các thác nước nằm ở biên giới các quốc gia - Ảnh: IT.
Để hoàn thành mục tiêu đón hơn một triệu khách du lịch năm 2023, Cao Bằng tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện các nội dung đột phá về phát triển du lịch - dịch vụ bền vững; tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, dịch vụ; thực hiện các nhiệm vụ về công tác xây dựng và phát triển Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng…
Cùng với đó, tỉnh Cao Bằng tiếp tục phát triển sản phẩm du lịch; tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức về phát triển du lịch; triển khai hoạt động Hợp tác - kết nghĩa với công viên địa chất trong mạng lưới Công viên địa chất Việt Nam và toàn cầu UNESCO. Cao Bằng tiếp tục thực hiện tốt việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch bền vững.
Văn hóa và du lịch có mối quan hệ gắn kết, hỗ trợ lẫn nhau, xu hướng du lịch văn hóa rất phù hợp với tiềm năng, định hướng phát triển hiện nay. Có thể thấy, giữ gìn được các giá trị văn hóa, những lễ hội, phong tục tín ngưỡng sẽ tạo ra các sản phẩm du lịch đặc sắc, có sức hút lớn với khách du lịch. Mặt khác, hoạt động du lịch cũng là cầu nối hữu hiệu giúp quảng bá, phát huy giá trị di sản, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng, từ đó giới thiệu hình ảnh, văn hóa Cao Bằng tới du khách trong nước và bạn bè quốc tế. Mỗi dân tộc sinh sống trên địa bàn có những bản sắc văn hóa riêng, nhất là các lễ hội truyền thống, làn điệu dân ca, trang phục, nghề truyền thống và nhiều di tích lịch sử, danh thắng được công nhận, xếp hạng. Cùng với các loại hình dịch vụ phát triển, hệ thống cơ sở lưu trú mở rộng, hạ tầng giao thông thuận lợi là những lợi thế để địa phương phát triển du lịch trên nền tảng văn hóa sẵn có.
Nằm trong tuyến du lịch phía đông của Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, huyện Trùng Khánh nổi bật với nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử và những giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc vẫn còn được lưu giữ.
Làng đá Khuổi Ky tọa lạc tại xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh lưu giữ được vẻ đẹp cổ kính, tạo nên sự độc đáo riêng biệt cho mảnh đất vùng biên viễn - Ảnh: IT.
Theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" và Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước", huyện Trùng Khánh luôn quan tâm tới công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Các cuộc điền giã tiến hành nghiên cứu, sưu tầm các giá trị văn hóa truyền thống được triển khai đồng bộ. Trong đó chú trọng thực hiện các đề án, đề tài phục dựng các làn điệu dân ca các dân tộc đang có nguy cơ bị mai một; đồng thời truyền dạy cho thế hệ trẻ hiểu được ý nghĩa nhân văn cao cả, đạo đức lối sống, cách ứng xử giữa con người với con người, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc và truyền thống quê hương cách mạng, làm cho văn hóa trở thành nền tảng vững chắc của xã hội.
Để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống phục vụ đắc lực cho phát triển “ngành công nghiệp không khói”, ông La Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Trùng Khánh cho biết: Thời gian qua, huyện Trùng Khánh đã có nhiều chương trình, kế hoạch bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, nhất là gắn với phát triển du lịch. Trong đó, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc bảo tồn và phát huy, khơi dậy làn điệu dân ca các dân tộc; truyền dạy, giáo dục cho thế hệ trẻ truyền thống quê hương.
Hiện nay trên địa bàn huyện Trùng Khánh có hơn 200 đội văn nghệ quần chúng - Ảnh: IT.
Hằng năm, huyện Trùng Khánh tổ chức các cuộc thi văn hóa, văn nghệ nhằm phát hiện hạt nhân, nhân rộng mô hình, thành lập mô hình hoạt động gìn giữ giá trị di sản văn hóa. Năm 2016, huyện thành lập Chi hội Bảo tồn dân ca các dân tộc và 2 phân Chi hội Bảo tồn dân ca các dân tộc với gần 400 thành viên. Hằng năm tổ chức 2 - 3 lớp truyền dạy dân ca, hát Then, đàn tính gắn với phát triển loại hình du lịch cộng đồng được triển khai trên địa bàn bước đầu đạt hiệu quả. Hiện, có 5 câu lạc bộ hát dân ca gắn với du lịch cộng đồng (homestay) tại xã Đàm Thủy và một số xã lân cận, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Huyện đăng ký thực hiện đề tài khoa học về phục dựng, bảo tồn giá trị Dá Hai xã Thông Huề, năm 2018 được tỉnh chấp thuận chủ trương, hiện nay đang chuẩn bị tổ chức thực hiện.
Biểu diễn tiết mục văn nghệ dân ca Dá Hai tại homestay ở xã Đàm Thủy (Trùng Khánh).
Đối với bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống của dân tộc, huyện đã và đang tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân bảo tồn, gìn giữ gắn với các hoạt động lễ hội, chợ phiên, trong lễ cưới, hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bàn. Trên địa bàn huyện hiện còn lưu truyền các bộ trang phục bằng chất liệu vải chàm, khâu thủ công bằng tay của người Tày, Nùng được bà con mặc vào dịp lễ, tết, ngày cưới...
Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo, kiểm tra việc chấp hành các quy định của Nhà nước về du lịch tại các cơ sở kinh doanh ăn uống, dịch vụ lưu trú được huyện thực hiện thường xuyên, triển khai kịp thời các hoạt động du lịch đi vào nền nếp, thực hiện tốt các quy định của Nhà nước về kinh doanh du lịch, kiên quyết xử lý đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh du lịch, góp phần duy trì, bảo đảm tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Vừa qua, UBND huyện Trùng Khánh đã tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Mông với nhiều hoạt động thu hút đông đảo du khách và nhân dân địa phương tham gia, gồm: tham quan không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm văn hóa, du lịch, các sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương; thi biểu diễn văn nghệ quần chúng; thi trưng bày gian hàng đẹp, không gian văn hóa các dân tộc, làm mèn mén, trưng bày xôi nghệ thuật; tổ chức các hoạt động thể thao truyền thống, trò chơi dân gian kéo co, lày cỏ, ném ngô vào gùi...
Ngày hội văn hóa dân tộc Mông huyện Trùng Khánh.
Ngày hội được tổ chức trong niềm hân hoan của tình đoàn kết dân tộc, quảng bá văn hóa đặc sắc của các dân tộc vùng cao, tạo sự gắn kết cộng đồng và là dịp đồng bào dân tộc Mông bày tỏ tình cảm, niềm tin yêu đối với Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước; có ý thức, trách nhiệm với văn hóa truyền thống, củng cố sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh trên địa bàn.
Thời gian tới, để du lịch phát triển xứng tầm, huyện Trùng Khánh tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất và kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch; kết hợp tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao gắn với phát triển du lịch. Tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và đẩy mạnh giáo dục cộng đồng phục vụ phát triển du lịch; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch; tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động du lịch nhằm thúc đẩy phát triển du lịch Trùng Khánh nói riêng và tỉnh Cao Bằng nói chung trong giai đoạn mới.
Tạ Thành
Bình luận