Hotline: 0941068156
Thứ ba, 15/04/2025 11:04
Thứ năm, 10/04/2025 15:04
TMO - Chủ động ứng phó, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, thời gian tới tỉnh Cà Mau đầu tư nâng cấp các công trình thủy lợi, đê điều, hệ thống thủy lợi, các công trình giao thông, chỉnh trang đô thị, khu dân cư kết hợp phòng chống thiên tai góp phần ổn định sản xuất và đời sống người dân vùng thiên tai.
Năm 2024, thiên tai trên địa bàn tỉnh Cà Mau khiến 1 người thiệt mạng, 7 phương tiện chìm, 225 căn nhà bị thiệt hại, hư hỏng; 840 vị trí bị sạt lở, sụp lún dài gần 22.000m; hơn 940 ha lúa, 2,5 ha ao nuôi tôm bị ảnh hưởng, tổng thiệt hại trên 44 tỉ đồng. Ngoài thiệt hại do thiên tai, năm 2024 cũng đã xảy ra 100 vụ tai nạn làm 46 người chết, mất tích 8 người, 42 người bị thương, chìm 11 tàu cá; cháy 18 căn nhà và 40 ha cây tràm, thiệt hại khoảng 10 tỉ đồng.
Các địa phương đã triển khai công tác huy động, vận động mọi nguồn lực để khắc phục hậu quả, phục hồi tái thiết sau thiên tai, với tổng kinh phí khoảng 36,7 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ cho 1.000 hộ dân bị ảnh hưởng bởi hạn hán, với tổng kinh phí 5,5 tỷ đồng; hỗ trợ 2.700 hộ khôi phục sản xuất lúa, rau màu bị thiệt hại, với tổng kinh phí là 4,67 tỷ đồng; các hội, đoàn thể tổ chức vận động hỗ trợ 20 hộ dân bị thiệt hại về nhà ở, hỗ trợ 314 bồn nước, 1.455 bình nước lọc, 200 áo cứu sinh, với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng.
Dự báo trong năm 2025 có khoảng từ 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên biển Ðông, trong đó có 6-7 cơn ảnh hưởng đến nước ta. Với phương châm phòng là chính, công tác quản lý, đầu tư, xây dựng và duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp đê điều và công trình phòng, chống thiên tai khác... được tỉnh đẩy mạnh triển khai.
Dông lốc khiến nhà cửa đổ sập hoàn toàn tại huyện U Minh.
Trong năm 2024, tỉnh triển khai đầu tư xây dựng các dự án, công trình bảo vệ bờ biển, phòng chống sạt lở với chiều dài 28,9 km, tổng mức đầu tư 1.239 tỷ đồng; thực hiện 8 công trình duy tu bảo dưỡng đê điều với nguồn vốn hơn 15 tỷ đồng. Ðối với các công trình bờ bao, cống, nạo vét kênh mương..., tỉnh thực hiện xây dựng, duy tu, sửa chữa, nạo vét hơn 91 km kênh mương, bờ bao các loại, với tổng mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng, đầu tư xây dựng 6 công trình và hệ thống đường ống với tổng kinh phí 180 tỷ đồng.
Hiện nay, 100/100 xã, phường, thị trấn của tỉnh có đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã được củng cố, kiện toàn với lực lượng trên 5.000 thành viên. Ngoài ra, các nguồn nhân lực khác có thể huy động tham gia công tác phòng, chống thiên tai là hơn 29 ngàn người và nhiều trang thiết bị sẵn sàng khi có lệnh, chủ động ứng cứu trên từng địa bàn, nhất là các khu vực xung yếu, địa bàn trọng điểm khi bão, mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất xảy ra.
Bên cạnh bão, áp thấp nhiệt đới, tình trạng sạt lở ven biển, ven sông là loại hình thiên tai phổ biến trên địa bàn tỉnh và đang gây ra nhiều thiệt hại về tài sản cho người dân. Ðể giảm thiệt hại của loại hình thiên tai này, tỉnh đang triển khai xây dựng đề án sắp xếp dân cư ven sông và di dời dân cư trong vùng thiên tai. Năm 2024, toàn tỉnh có 36 hộ được hỗ trợ tái định cư tại các khu vực để cất nhà ở ổn định, tổng kinh phí hỗ trợ 720 triệu đồng. Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang lập hồ sơ, thủ tục để xét hỗ trợ khoảng 578 hộ.
Thời gian tới, tỉnh Cà Mau. kiện toàn tổ chức, bộ máy tăng cường năng lực quản lý thiên tai; lập, rà soát và thực hiện các kế hoạch, quy hoạch, phương án; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo cấp tỉnh; nâng cao nhận thức, kiến thức phòng chống thiên tai cộng đồng. kết hợp các nguồn lực, đầu tư nâng cấp, xây dựng các công trình phòng chống thiên tai.
Đầu tư, nâng cấp các công trình thủy lợi, đê điều, hệ thống thủy lợi ngăn mặn, giữ ngọt, hệ thống cấp nước sinh hoạt, các công trình giao thông, chỉnh trang đô thị, khu dân cư kết hợp phòng chống thiên tai, góp phần ổn định sản xuất và đời sống người dân vùng thiên tai. Xây dựng các trường học kết hợp làm nơi tránh trú bão cho người dân; tiếp tục thực hiện kế hoạch kiên cố hóa trường lớp theo chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Sạt lở bờ sông là thiên tai ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân trên địa bàn.
Trong đó, tập trung đầu tư xây dựng những trường có khả năng chống chịu và giảm nhẹ trước tác động của thiên tai. Đầu tư xây dựng, sửa chữa nâng cấp các cơ sở y tế địa phương, đảm bảo phục vụ hoạt động khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân, đặc biệt là trong các tình huống thiên tai. Bổ sung các trạm đo khí tượng thủy văn chuyên dùng, các trạm cảnh báo thiên tai tại tỉnh như là trạm cảnh báo dông sét và đa thiên tai.
Đầu tư các cụm loa truyền thanh cho các xã, thị trấn ven biển thuận tiện cho công tác thông tin và cảnh báo thiên tai. Bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng ngập mặn ven biển và ven cửa sông. Nạo vét, giải tỏa các chướng ngại vật trên các tuyến sông, luồng lạch đi vào các khu neo đậu tránh trú bão và các điểm quy hoạch bố trí neo đậu tàu thuyền.
Biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai đảm bảo thông tin kịp thời, chính xác đến các cấp, các ngành và nhân dân. Thông tin dự báo phải cụ thể, rõ ràng để người dân hiểu và không chủ quan; triển khai phương án dự phòng để đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo điều hành khi có sự cố. Triển khai các kế hoạch, phương án ứng phó kịp thời, sát tình hình thực tế theo phương châm “4 tại chỗ”, thông báo rộng rãi để các tổ chức, cá nhân biết, liên hệ trong trường hợp thông tin liên lạc bị gián đoạn. Tổ chức phân công cán bộ chỉ huy trực tiếp, cán bộ điều hành bám địa bàn. Xác định những nơi trọng yếu và tăng cường lực lượng, phương tiện cứu nạn, sơ cấp cứu ứng trực trước thời điểm thiên tai xảy ra.
Kêu gọi, hướng dẫn phương tiện khai thác thủy sản vào nơi neo đậu an toàn; lập các chốt kiểm soát tại các cửa sông, cửa biển; thực hiện lệnh cấm biển, cấm di chuyển trên sông đảm bảo kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền khi có bão. Chỉ đạo bảo vệ sản xuất trên các lĩnh vực, địa bàn cụ thể; đảm bảo đủ về lực lượng, phương tiện trong thu hoạch, đảm bảo giá cả và đầu ra hợp lý hoặc ít nhất có đủ nơi bảo quản các sản phẩm thu hoạch sớm để chạy bão cho người dân. Duy trì tối thiểu các hoạt động sơ chế thủy sản đảm bảo an toàn. Đồng thời, xác định các điểm nóng về thiên tai (dễ bị tổn thương) và làm công tác chuẩn bị trước khi có thiên tai. Cập nhật thông tin, báo cáo nhanh cho cấp trên về tình hình thiên tai, mức độ ảnh hưởng và nhu cầu hỗ trợ.../.
Thanh Ngọc
Bình luận