Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 22/02/2025 13:02
Thứ sáu, 21/02/2025 16:02
TMO - Tỉnh Bình Thuận có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch nông nghiệp. Ngoài việc đưa sản phẩm nông nghiệp đến thị trường qua các kênh tiêu thụ truyền thống, nhiều chủ vườn tranh thủ tận dụng không gian trang trại để phát triển du lịch trải nghiệm.
Với lợi thế về điều kiện thổ nhưỡng, xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc phát triển loại cây ăn trái thơm ngon có tiếng, đặc biệt là “sầu riêng Đa Mi” đã trở thành thương hiệu. Hiện nay, toàn xã Đa Mi có trên 835 ha sầu riêng, 610 ha bơ, 205 ha mít và 52 ha măng cụt…từ đây nhiều chủ vườn đã cho khách vào tham quan chụp ảnh, trải nghiệm thu hoạch trái chín và thưởng thức ngay tại vườn.
Gia đình anh Nguyễn Văn Bảo (thôn Đa Tro, xã Đa Mi) có hơn 2,5 ha với nhiều chủng loại trái cây như sầu riêng, măng cụt, bơ… Thời gian đầu, anh Bảo chỉ bán cho thương lái. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, anh đã kết hợp thêm làm du lịch, tăng thu nhập cho gia đình. Thường thì vào dịp cuối tuần hoặc khi vào hè, lượng khách đến đông. Đa phần là khách trong tỉnh và các địa phương lân cận như Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh… đi theo nhóm nhỏ bạn bè hoặc gia đình.
Tại xã Thắng Hải (huyện Hàm Tân), Tổ hợp tác nhãn xuồng cơm vàng cũng đã liên kết với đơn vị du lịch khu vực Hồ Tràm, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đưa khách đến tham quan những vườn nhãn nghịch vụ có trái chín trên địa bàn và nhận được phản hồi tích cực từ du khách. Hiện tại đã có rất nhiều đoàn khách đến check–in thưởng thức nhãn tươi và sản phẩm nhãn sấy tại vườn với giá vé 50.000 đồng người lớn, còn trẻ em miễn phí. Nhãn mua về sẽ tính theo thời giá thị trường.
Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, nhiều địa phương đã khai thác để phát triển du lịch nông nghiệp. Ảnh: HH.
Những ngày này, tại nhiều vườn nho xã Phước Thể, huyện Tuy Phong đang là điểm đến thu hút khách du lịch yêu thiên nhiên nhờ không gian yên tĩnh, vườn nho xanh mướt với những chùm nho trĩu quả. Chị Hồng Nhung đến từ Bà Rịa-Vũng Tàu chia sẻ: Được bạn bè giới thiệu nên chúng tôi tìm đến khám phá. Lần đầu được vào tận vườn nho, tôi gần như choáng ngợp bởi không gian xanh mát và những chùm nho chín mọng treo lơ lửng trên giàn. Đây là một trải nghiệm thú vị và khó quên, chúng tôi đã có một bộ sưu tập ảnh rất ưng ý tại đây.
Thời gian qua, để mang lại trải nghiệm tốt hơn cho du khách, chủ nhà vườn không chỉ chăm sóc vườn thật kỹ, tạo thêm nhiều cảnh quan để du khách chụp ảnh, vui chơi mà còn liên kết với các nhà vườn khác mở rộng không gian, tạo thêm sự phong phú, đa dạng.
Hiện nay, đa phần các nhà vườn đều trồng giống nho hồng nhật bởi đây là giống nho cao cấp, được thương lái lẫn du khách yêu thích. Giống nho này nổi tiếng với quả to, căng giòn, vị ngọt thanh và mùi thơm nhẹ đặc trưng; không chỉ được ưa chuộng để ăn tươi mà còn dùng trong sản xuất rượu và các loại nước ép cao cấp. Để vừa đảm bảo an toàn cho du khách, vừa đảm bảo năng suất, sản lượng, nhà vườn áp dụng biện pháp canh tác an toàn, sử dụng phân hữu cơ giúp cây phát triển tốt, năng suất cao.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 28 điểm khai thác du lịch nông nghiệp, tập trung ở 4 huyện: Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân và Tánh Linh. Nhiều mô hình du lịch sinh thái, du lịch canh nông ở những địa phương này đã phát huy hiệu quả, thu hút sự quan tâm của du khách. Bà con nông dân trở nên tự tin, năng động hơn nhờ làm du lịch.
Các sản phẩm OCOP trở thành đặc sản của địa phương và tăng thêm giá trị cũng nhờ có du lịch... Chẳng hạn như ở huyện Tánh Linh gắn với các chuỗi sản phẩm: hạt điều, cá thát lát, đồ gỗ mỹ nghệ các loại; Các điểm du lịch trên địa bàn huyện Bắc Bình gắn với các chuỗi của sản phẩm như thịt bò 1 nắng, dưa lưới, dông thịt; huyện Tuy Phong gắn với các chuỗi sản phẩm khác như nho, ớt chim La Gàn, mủ trôm, thảo dược từ cây đinh lăng, tham quan, dã ngoại câu cá giải trí; các sản phẩm như bưởi da xanh Đông Hà, sầu riêng Rô Mô, cà phê, hạt điều, hồ tiêu ở huyện Đức Linh…
UBND tỉnh cho rằng: Hoạt động du lịch sinh thái, du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh nếu được triển khai bài bản, quy củ; được khai thác gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, văn hóa tại địa phương sẽ mang lại sắc thái mới, sức sống mới ở vùng nông thôn của tỉnh cùng nhiều lợi ích phát triển kinh tế, góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho một bộ phận người dân.
UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các sở, ngành liên quan thành lập đoàn công tác học tập kinh nghiệm ở một số tỉnh có mô hình hay, hiệu quả; cùng với đó khảo sát đánh giá thực trạng, tiềm năng phát triển loại hình kinh doanh du lịch sinh thái, du lịch canh nông. Trên cơ sở kết quả học tập kinh nghiệm, khảo sát thực tế đối chiếu quy định pháp luật có liên quan, giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì xây dựng Đề án phát triển du lịch sinh thái, du lịch canh nông.
Mai Linh
Bình luận