Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 05/04/2025 02:04
Thứ năm, 03/04/2025 10:04
TMO - Tỉnh Bình Thuận hỗ trợ phát triển điểm du lịch nông thôn, định hướng, bố trí và tổ chức không gian vị trí các khu du lịch, điểm du lịch nông thôn phù hợp với tiềm năng phát triển du lịch và đảm bảo kết nối với các tuyến du lịch trọng điểm của vùng, địa phương.
Tại kỳ họp thứ 33 (chuyên đề) diễn ra sáng 2/4, HĐND tỉnh khóa XI đã thống nhất thông qua Nghị quyết Quy định nội dung, mức hỗ trợ thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Đối tượng áp dụng gồm các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, cá nhân, cộng đồng tham gia vào lĩnh vực du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là các hộ gia đình, chủ thể hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn nông thôn có nhu cầu khai thác và liên kết phát triển du lịch nông thôn.
Các nội dung hỗ trợ gồm: Hỗ trợ phát triển điểm du lịch nông thôn; hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng vùng miền; hỗ trợ xây dựng và triển khai mô hình thí điểm phát triển du lịch nông thôn theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững theo quyết định được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Tỉnh Bình Thuận triển khai chính sách hỗ trợ phát triển du lịch nông thôn. Ảnh: HH.
Về mức hỗ trợ, Nghị quyết quy định mức chi hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước cho tất cả các nội dung hỗ trợ tối đa không quá 70% kinh phí thực hiện một mô hình, dự án, kế hoạch được phê duyệt đối với các huyện miền núi; tối đa không quá 50% kinh phí thực hiện một mô hình, dự án, kế hoạch được phê duyệt đối với các huyện còn lại. Tổng kinh phí thực hiện một mô hình, dự án, kế hoạch không vượt mức 2 tỷ đồng. Nguồn kinh phí thực hiện được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; kết hợp lồng ghép nguồn vốn của các chương trình, dự án và nguồn vốn hợp pháp khác.
Tỉnh Bình Thuận có lợi thế bởi vị trí địa lý thuận lợi với hệ thống giao thông kết nối với các trung tâm kinh tế lớn ở khu vực phía Nam và duyên hải miền Nam Trung bộ. Địa hình có cả vùng đồi núi, đồng bằng, ven biển và vùng lãnh hải rộng lớn, những tiểu vùng khí hậu đặc trưng là lợi thế để phát triển nông nghiệp toàn diện (nông, lâm, thủy sản, diêm nghiệp), sản phẩm có lợi thế cạnh tranh trong đó có du lịch nông thôn.
Địa phương này có nhiều di tích lịch sử như Quần thể tháp Chăm Pô Sah Inư, Trường Dục Thanh, Đình Vạn Thủy Tú, Đình làng Đức Nghĩa, Đình làng Đức Thắng, Dinh Thầy Thím, Nhóm đền tháp Chăm Pôđam, Chùa Hang... Bên cạnh đó, địa phương này còn có các làn điệu dân ca của các dân tộc Châu Ro, dân tộc Raglai và dân tộc Chăm là những di sản văn hóa vô giá của tỉnh Bình Thuận. Văn hóa ẩm thực Bình Thuận luôn mang hương vị đậm đà của những món ăn đặc sản vùng biển như bánh xèo, bánh căn, bánh hỏi, gỏi cá mai, cá đục, cá suốt...
Các sản phẩm du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đều mang tính đặc trưng: Khu du lịch ở huyện Tánh Linh gắn với các chuỗi sản phẩm như hạt điều, cá thát lát, đồ gỗ mỹ nghệ các loại. Khu du lịch trên địa bàn huyện Bắc Bình gắn với các chuỗi của sản phẩm như thịt bò 1 nắng, dưa lưới, dông thịt, huyện Tuy Phong gắn với các chuỗi sản phẩm khác như nho, ớt chim La Gàn, mủ trôm, thảo dược từ cây đinh lăng, thị xã La Gi gắn với các sản phẩm hải sản tươi sống các loại, trên địa bàn thành phố Phan Thiết gắn với các quảng bá và bán sản phẩm nước mắm, hải sản các loại, thanh long, cốm Bình Thuận, bánh rế, tranh cát Phi Long...
Các điểm du lịch nông thôn gắn với đặc trưng của từng vùng trên địa bàn tỉnh.
Theo định hướng quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh sẽ hình thành các khu vực du lịch nông nghiệp công nghệ cao tại một số địa bàn trọng điểm về du lịch của tỉnh. Phát triển các dự án du lịch nông nghiệp công nghệ cao theo quy hoạch, phát triển các dự án thành phần, trong đó ưu tiên các nguồn lực để triển khai các dự án thành phần của Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh bao gồm dự án làng văn hóa du lịch gắn với các chuỗi sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương.
Đối với các điểm du lịch cộng đồng sẽ quy hoạch đồng bộ, quản lý chặt chẽ, đảm bảo môi trường du lịch an ninh, an toàn, sạch sẽ, thân thiện. Tập trung tháo gỡ những tồn tại, khó khăn, thu hút nguồn lực đầu tư phát triển du lịch nông thôn, tạo điều kiện để các mô hình du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng phát triển mạnh trên cơ sở các tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Đồng thời tuyên truyền vận động các hộ nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chuyển đổi mô hình kết hợp du lịch nông thôn để phục vụ phát triển du lịch mang lại hiệu quả kinh tế. Phát triển các dự án thành phần nhằm phát triển các dịch vụ du lịch và bán hàng tại các địa điểm du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng.../.
Hồng Anh
Bình luận