Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 17:01
Thứ ba, 17/09/2024 08:09
TMO - Việc xây dựng thành công và đưa vào triển khai phần mềm quản lý thiên tai giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai nhất là tình hình mưa lũ trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Hiện nay công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai tỉnh Bình Định đã có những bước phát triển đáng kể, chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa. Các địa phương trong tỉnh đã chủ động hơn trong công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội; trong đó, công tác lập Kế hoạch Phòng, chống thiên tai 5 năm và cập nhật hàng năm giữ vai trò rất quan trọng và luôn được chính quyền các cấp và các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện.
Đặc biệt, trong thời đại công nghệ số, các cấp chính quyền, cơ quan chức năng của Bình Định đã chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cảnh báo, dự báo các loại hình thiên tai. Tỉnh Bình Định đã hoàn thiện phần mềm “quản lý thiên tai” với các chức năng cơ bản. Đồng thời diễn tập toàn tỉnh thành công và được cho phép sử dụng trong công tác điều hành ứng phó khi có bão, lũ lớn. Đây là phần mềm đầu tiên, duy nhất trong cả nước về ứng phó trực tuyến thiên tai.
Để có cơ sở xây dựng phần mềm “quản lý thiên tai”, Sở NN&PTNT Bình Định - cơ quan thường trực về phòng chống thiên tai của tỉnh - cùng các ngành chức năng liên quan và chính quyền cơ sở đã khảo sát, điều tra dữ liệu về dân cư, nhà ở, công tác “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện - vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ) trong phạm vi toàn tỉnh.
Từ dữ liệu nền thu thập ở từng hộ, gắn với phân loại nhà ở và số lượng, tình trạng của lực lượng ứng phó thiên tai, phương tiện - vật tư - trang thiết bị, lương thực -thực phẩm, địa điểm sơ tán tập trung của 159 xã, phường, thị trấn, 11 huyện, thị xã, thành phố…, cơ quan chức năng của tỉnh đã xây dựng phương án ứng phó theo các cấp rủi ro thiên tai (bão, lũ) theo hình thức điều hành trực tuyến.
Lãnh đạo Sở NN&PTNT cho biết, khi có tình huống thiên tai, trên cơ sở dữ liệu điều tra này, Chỉ huy Phòng chống thiên tai -Tìm kiếm cứu nạn & Phòng thủ dân sự sẽ điều hành ứng phó thiên tai trực tuyến từ cấp tỉnh đến huyện, xã. Đồng thời các số liệu có thể biến động sau thời điểm điều tra. Do đó, mỗi năm, Sở NN&PTNT sẽ yêu cầu chính quyền cơ sở rà soát, cập nhật thông tin thực tế về tình trạng nhà ở, nhân khẩu; việc lên phương án chi tiết trước sẽ tăng tính chủ động trong ứng phó thiên tai, giảm thiểu tối đa thiệt hại phát sinh Hiện, phần mềm quản lý thiên tai đã xây dựng cơ sở dữ liệu nền về ứng phó thiên tai, sơ tán chi tiết cho hơn 404,7 nghìn hộ/gần 1,5 triệu người; cùng 1.961 điểm sơ tán tập trung với sức chứa hơn 466.000 người…
Với tiến bộ của công nghệ thông tin, tỉnh cụ thể hóa “4 tại chỗ” bằng chuyển đổi số. Căn cứ các kịch bản được thiết lập trên phần mềm, chính quyền cấp xã sẽ sơ tán dân theo số liệu trên phần mềm và báo cáo kết quả sơ tán theo thời gian thực, lãnh đạo các cấp có thể theo dõi công tác chuẩn bị, ứng phó khi có thiên tai diễn ra. Tùy theo cấp độ, mức độ hoàn thành công việc, lãnh đạo 3 cấp của chính quyền đưa ra đánh giá tiến độ và kết quả thực hiện.
(Ảnh minh họa).
Trên cơ sở dữ liệu điều tra và căn cứ vào phương châm “4 tại chỗ” trong phòng, chống thiên tai, Sở NN&PTNT cùng doanh nghiệp truyền thông trên địa bàn tỉnh Bình Định đã thực hiện xây dựng được 7 phương án cho 2 loại hình bão và lũ.
Theo đó, 4 kịch bản bão và 3 kịch bản lũ được xây dựng với chức năng theo dõi trực tuyến công tác sơ tán dân theo thời gian thực. Thông qua phần mềm, lãnh đạo các cấp điều hành trực tuyến có thể điều động lực lượng ứng phó, điều động phương tiện, vật tư, trang thiết bị và xuất cấp lương thực, thực phẩm khẩn cấp, báo cáo thiệt hại do thiên tai. Đồng thời, theo dõi trực tuyến số lượng tàu cá ở vùng nguy hiểm, khả năng sắp xếp, neo đậu tàu cá ở các khu tránh trú bão của tỉnh, tình hình giao thông, hồ chứa và theo dõi tổng hợp các đề xuất hỗ trợ khẩn cấp của địa phương và các cơ quan.
Khi có dự báo tình huống thiên tai, phần mềm được kích hoạt, tùy theo cấp độ nguy hiểm của bão, lũ, hệ thống xác định rõ khu vực bị ảnh hưởng, bao nhiêu hộ cần sơ tán… Người dân sẽ được sơ tán theo hai hình thức (sơ tán xen ghép và sơ tán tập trung). “Nếu sơ tán xen ghép, hộ dân này sẽ ghép với hộ dân nào. Còn sơ tán tập trung thì hộ dân đi tới đâu, bằng phương tiện gì? Lượng thức ăn, nước uống và số người tham gia hỗ trợ sơ tán như thế nào?...Tất cả dữ liệu đều được đưa lên hệ thống phần mềm quản lý thiên tai này.
Hiệu quả của phần mềm “quản lý thiên tai” hiện nay là hình thành 1 cơ sở dữ liệu “4 tại chỗ” trong ứng phó thiên tai tương đối đầy đủ, chi tiết từng hộ dân trên địa bàn tỉnh. Lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, vật tư, lương thực, thực phẩm của UBND cấp xã, huyện và các sở, ngành (số lượng, tình trạng, điểm đặt). Thống nhất chỉ huy điều hành ứng phó thiên tai trực tuyến từ cấp tỉnh đến huyện, xã và đồng bộ số liệu để xây dựng phương án ứng phó thiên tai từ cấp xã đến huyện, tỉnh. Đây là công cụ để chính quyền ra các quyết định chính xác hơn, dựa trên các tính toán khoa học trong ứng phó thiên tai, giảm thiểu tối đa thiệt hại phát sinh.
Trước tình hình thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, các cấp, ngành của tỉnh Bình Định luôn chủ động ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ hiện đại vào cảnh báo sớm thiên tai. Qua đó, nâng cao năng lực ứng phó phòng tránh trước biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiệt hại, đồng thời giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản của Nhân dân khi có sự cố thiên tai xảy ra.
Hằng Nga
Bình luận