Hotline: 0941068156
Thứ ba, 21/01/2025 07:01
Chủ nhật, 07/01/2024 03:01
TMO - Những năm trở lại đây, dưới tác động của biến đổi khí hậu, tỉnh Bến Tre chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các yếu tố thiên tai diễn biến bất thường như: xâm nhập mặn, khô hạn, sạt lở, tác động trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của người dân, phát triển kinh tế của tỉnh.
Bến Tre là địa phương ven biển với đường bờ biển dài và có hệ thống sông, kênh, rạch chằng chịt và luôn chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng và xâm nhập mặn. Thống kê của Sở NN&PTNT cho thấy, toàn tỉnh Bến Tre hiện có 112 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài 134km, gây hư hại nhà ở, mất đất sản xuất của hàng trăm hộ dân; sạt lở bờ biển diễn ra tại 8 điểm với tổng chiều dài khoảng 19km, làm mất khoảng 200ha đất và 54ha rừng phòng hộ thuộc 3 huyện ven biển.
Trong nỗ lực thích ứng, giảm phát thải khí nhà kính, trên cơ sở phù hợp chủ trương của Trung ương, Kịch bản BĐKH và phát triển kinh tế, tỉnh Bến Tre đã ban hành Kế hoạch ứng phó BĐKH 10 năm (2021 - 2030). Sau 3 năm triển khai thực hiện, các công trình thủy lợi trọng điểm, các mô hình canh tác thích ứng BĐKH, xâm nhập mặn được triển khai thực hiện, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân. Nền kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng xanh, giảm phát thải với các dự án năng lượng gió khu vực biển, canh tác nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao; việc thích ứng BĐKH cũng phù hợp với các vùng sinh thái, khai thác tiềm năng, thế mạnh kinh tế biển trên địa bàn tỉnh.
Từ năm 2020 đến nay, tỉnh tập trung đầu tư cho 22 dự án, công trình phòng chống sạt lở với tổng chiều dài khoảng 37km, kinh phí thực hiện 1.143 tỷ đồng. Mới đây nhất, UBND tỉnh Bến Tre cũng đã có quyết định ban hành lệnh xây dựng công trình khẩn cấp dự án phòng chống xâm thực, xói lở bờ biển Ba Tri, nhằm tạo điều kiện, tiền đề cho người dân phát triển sản xuất bền vững, ổn định và lâu dài; góp phần củng cố, nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các xã khu vực biên giới biển; đồng thời, bảo vệ, phát triển rừng phòng hộ ven biển... của tỉnh.
Sạt lở tại khu vực cồn Phú Đa (xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách) gây thiệt hại lớn. Ảnh: NDO.
Địa phương này xác định vấn đề tài nguyên nước là cốt lõi để chủ động ứng phó BĐKH và xâm nhập mặn, Tỉnh ủy ban hành Chương trình 10-CTr/TU về quản lý, đảm bảo an ninh nguồn nước; nguồn cấp nước ngọt thích ứng với BĐKH giai đoạn đến 2030. Theo đó, Bến Tre tập trung triển khai một số công trình trọng điểm về thủy lợi như: Dự án Hệ thống thuỷ lợi Bắc Bến Tre, Dự án Hệ thống thuỷ lợi Nam Bến Tre và Dự án Quản lý nước tỉnh Bến Tre, Dẫn nước ngọt thô từ thượng nguồn về tỉnh qua Dự án cấp nước sinh hoạt cho dân cư khu vực Cù Lao Minh trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng (giai đoạn 2) Trạm bơm nước thô Cái Bè và hệ thống tuyến ống truyền tải, lập dự án và xây dựng các hồ chứa nước ngọt, dự án trữ nước ngọt, bảo đảm an ninh nguồn nước trên sông Ba Lai, Kênh Lấp,… lập hành lang bảo vệ nguồn nước, xây dựng đê bao ngăn mặn kết hợp đường giao thông nối liền các huyện biển Bình Đại - Ba Tri - Thạnh Phú (giai đoạn 02)....
Sở NN&PTNT Bến Tre cho biết, công tác ứng phó BĐKH luôn được tỉnh quan tâm và triển khai rộng khắp các sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể, cấp huyện, xã và người dân cùng tham gia; đồng thời, công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cũng được chú trọng và thực hiện thường xuyên, liên tục. Trước diễn biến phức tạp của BĐKH, dự báo mùa khô 2024 - 2025 là cao điểm El Nino hạn mặn tác động đến khu vực, trong khi đó, tỉnh Bến Tre chưa chủ động được nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt do hệ thống công trình thủy lợi quản lý nước chưa hoàn thành; đồng thời, năng lực quản lý về giảm phát thải khí nhà kính, kiểm kê phát thải, các chất gây hiệu ứng nhà kính trên địa bàn tỉnh còn hạn chế.
Sở NN&PTNT Bến Tre cho biết, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 có khả năng xuất hiện sớm, sâu và kéo dài trên địa bàn tỉnh Bến Tre ở mức tương đương và cao hơn mùa khô năm 2015-2016 và không loại trừ trường hợp cực đoan, kéo dài và đạt lịch sử như mùa khô năm 2019-2020. Hạn mặn mùa khô năm 2015-2016 tại tỉnh Bến Tre ước tính giá trị thiệt hại của riêng ngành nông nghiệp khoảng 1.800 tỷ đồng. Đến hạn mặn mùa khô năm 2019-2020 tiếp tục gây thiệt hại cho ngành nông nghiệp hơn 1.660 tỷ đồng và ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân.
Ngành nông nghiệp đã phối hợp các địa phương chủ động theo dõi tình hình xâm nhập mặn, kịp thời triển khai các giải pháp công trình ngăn mặn tạm thời. Trong đó, thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm thông tin, liên lạc thông suốt, đáp ứng kịp thời việc truyền tải các thông tin, diễn biến, tình hình thiên tai cũng như công tác chỉ đạo, điều hành đến các ngành, địa phương khi có tình huống xảy ra. Đồng thời, tiếp tục đầu tư, xây dựng các công trình phòng chống thiên tai, thủy lợi, đê điều, cấp nước nhằm bảo đảm nguồn nước ngọt cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong mùa khô hằng năm cũng như các dự án có lồng ghép mục tiêu phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh...
Đảm bảo nguồn nước trong sản xuất nông nghiệp trong mùa khô là nhiệm vụ quan trọng được các địa phương đẩy mạnh triển khai.
UBND tỉnh Bến Tre chỉ đạo ngành Nông nghiệp thực hiện thời vụ gieo trồng hợp lý, phù hợp điều kiện nguồn nước, tình hình xâm nhập mặn. Thực hiện việc đắp đập tạm ngăn mặn, đào ao trữ nước phân tán theo quy mô hộ, nhóm hộ gia đình, bảo đảm chủ động cung cấp đủ nhu cầu nước tối thiểu cho sinh hoạt, chăn nuôi, cây trồng lâu năm khi xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Lãnh đạo UBND tỉnh Bến Tre yêu cầu các Sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố cần chủ động, tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm về ứng phó với BĐKH giai đoạn 2024 - 2025. Trong đó, cần tập trung phối hợp, hoàn thành các công trình trọng điểm quản lý nước tỉnh Bến Tre; chú ý vận hành hiệu quả, khoa học hệ thống công trình thủy lợi giảm thiểu rũi ro ô nhiễm môi trường nước mặt; thực hiện các hoạt động để tăng cường năng lực cho các cơ quan, doanh nghiệp của tỉnh trong giảm phát thải khí nhà kính; đảm bảo thực hiện lồng ghép ứng phó BĐKH vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chương trình, nhiệm vụ, dự án phát triển của ngành, địa phương để tranh thủ, tận dụng, huy động nguồn lực cho ứng phó BĐKH.
Tăng cường công tác phối hợp giữa các Sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố để tổ chức kịp thời, có hiệu quả, các hoạt động, nhiệm vụ; đồng thời, đảm bảo duy trì thường xuyên công tác truyền thông về BĐKH, chú ý đến nâng cao ý thức về lối sống, sinh hoạt, sản xuất xanh, bền vững, ít phát thải carbon.
Giai đoạn 2024 - 2025, UBND tỉnh Bến Tre giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh tổ chức thực hiện thẩm định kiểm kê khí nhà kính đối với các cơ sở phát thải khí nhà kính trên địa bàn; tổ chức tập huấn cho các doanh nghiệp trong giảm phát thải khí nhà kính; chủ trì, phối hợp các cơ quan tham mưu UBND tỉnh Bến Tre thực hiện nhiệm vụ “Đánh giá tiềm năng tỉnh Bến Tre tham gia thị trường các-bon” để tận dụng cơ hội từ giảm phát thải khí nhà kính cho phát triển kinh tế tỉnh Bến Tre.
Sở TN&MT Bến Tre triển khai cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước và hoàn thành nhiệm vụ “Khoanh định các khu vực hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Bến Tre”; đảm bảo công tác quan trắc, cảnh báo ô nhiễm môi trường trong đập, hồ chứa nước ngọt ứng phó hạn mặn, góp phần nâng cao năng lực trong quản lý bền vững tài nguyên nước trên địa bàn; hoàn thành tham mưu giải quyết, tháo gỡ vướng mắc để sớm đưa vào vận hành hệ thống quan trắc cảnh báo mặn tự động thuộc dự án AMD.
Các Sở, ngành liên quan và các địa phương, UBND tỉnh Bến Tre yêu cầu quản lý, khai thác có hiệu quả các công trình thủy lợi, đáp ứng cấp nước sinh hoạt, tưới tiêu, chủ động trong bối cảnh hạn hán, xâm nhập mặn; thực hiện nhân rộng các mô hình hiệu quả thích ứng, giảm phát thải, phát triển xanh trong cộng đồng; lồng ghép thích ứng, giảm phát thải khí nhà kính vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương...
Đức Minh
Bình luận