Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 07:01
Thứ năm, 14/04/2022 16:04
TMO - Là một trong những địa phương có tài nguyên nước dồi dào và phong phú, thời gian qua tỉnh Quảng Bình đã ban hành các quy định để tăng cường quản lý, cấp phép tài nguyên nước. Qua đó, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và góp phần sử dụng bền vững nguồn tài nguyên này trên địa bàn.
Đối với nguồn nước mặt, tỉnh có 5 hệ thống sông lớn với tổng chiều dài 375 km, tổng diện tích lưu vực 7.778 km2. Các hệ thống sông này đều là sông nội địa được bắt nguồn từ vùng rừng núi cao thuộc dãy Trường Sơn và đổ ra Biển Đông. Bên cạnh đó, tỉnh còn có 140 hồ chứa tự nhiên và nhân tạo, 96 đập dâng lớn nhỏ với tổng dung tích 550 triệu m3 có nhiệm vụ chính cấp tưới cho trên 40.000 ha đất sản xuất nông nghiệp và cấp nước phục vụ sinh hoạt.
Tỉnh Quảng Bình có nguồn nước mặt dồi dào, đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân địa phương
Theo báo cáo Quy hoạch thăm dò, khai thác sử dụng tài nguyên nước tỉnh Quảng Bình đến năm 2020, trữ lượng tiềm năng nước dưới đất của tỉnh khoảng 516.000 m3/ngày đêm.Tuy nhiên, trong quá trình phát triển đô thị đã nảy sinh tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác động xấu đến nguồn nước dưới đất, do vậy tỉnh Quảng Bình đã triển khai khoanh định, lập Bản đồ, nâng cao công tác quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên nước dưới đất.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có 17 điểm quan trắc động thái nước dưới đất thuộc hệ thống quan trắc Quốc gia do Trung ương quản lý, chưa có hệ thống quan trắc địa phương của tỉnh. Để có thể theo dõi biến đổi động thái và chất lượng nước dưới đất theo thời gian, dự báo nguy cơ cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước và làm cơ sở cho quản lý, công tác thẩm định cấp phép khai thác nguồn tài nguyên nước dưới đất trong phạm vi tỉnh thường xuyên quan trắc động thái nước dưới đất.
Nguồn nước dưới đất tại tỉnh Quảng Bình vẫn đang được khai thác phục vụ đời sống sinh hoạt
Trong năm 2021, UBND tỉnh Quảng Bình đã phê duyệt danh mục, bản đồ khoanh vùng hạn chế và vùng phải đăng ký khai thác nước dưới đất trên địa bàn. Ngoài ra, để bảo vệ nguồn nước dưới đất, một số khu vực nhất định phải áp dụng hình thức hạn chế khai thác nước dưới đất. Điều tra, khảo sát, đánh giá nước dưới đất phục vụ khoanh vùng có nguy cơ sụt lún đất, xâm nhập mặn, gia tăng ô nhiễm do khai thác nước dưới đất; Khảo sát, đo đạc nước dưới đất phục vụ khoanh định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất đối với khu vực có mực nước dưới đất suy giảm liên tục và có nguy cơ hạ thấp quá mức.
Khoanh định vùng hạn chế khai thác nguồn nước dưới đất để hạn chế nguy cơ suy kiệt tài nguyên nước ngầm
Để đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở TN&MT tập trung giải quyết các vấn đề về bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt, bảo vệ các hồ, đập thủy lợi trên địa bàn. Theo đó, Sở đã chủ động rà soát, thống kê toàn bộ hồ, đập hiện có trên địa bàn cũng như nhu cầu sử dụng nước theo thứ tự ưu tiên; hiện trạng môi trường và quản lý, sử dụng đất quanh hồ chứa.
Ngoài ra, Sở TN&MT cũng đã tham mưu UBND tỉnh lập quy hoạch, cắm mốc hành lang bảo vệ chất lượng nguồn nước các hồ, đập thủy lợi và cấp nước sinh hoạt. Theo kế hoạch, sẽ có tổng cộng 11 sông, suối và 43 hồ chứa nằm trong danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã cấp được 197 giấy phép tài nguyên nước, trong đó có 28 giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt; 72 giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất và 96 giấy phép xả nước thải vào nguồn nước. Để quản lý và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên nước, trong thời gian tới, Sở TN&MT sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về tài nguyên nước
Để phát triển bền vững, Sở TN& tiếp tục huy động các nguồn lực, tiến hành Quy hoạch phân bổ và bảo vệ nước dưới đất và nước mặt trên địa bàn tỉnh; cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước và vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt tại các hồ, đập đảm nhiệm cấp nước sinh hoạt; trước mắt, ưu tiên cho các hồ: Bàu Sen (huyện Quảng Trạch), Vực Nồi (huyện Bố Trạch) và Rào Đá ( huyện Quảng Ninh).
Yến Linh
Bình luận