Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 19:11
Thứ năm, 24/03/2022 18:03
TMO - Rừng phòng hộ ven biển Đông của tỉnh Bạc Liêu có ý nghĩa quan trọng trong bảo vệ môi trường, hạn chế tác động bất lợi của nước biển dâng cao làm sạt lở, đe dọa hệ sinh thái và đa dạng sinh học.
Theo Ban Quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ ven biển Bạc Liêu, khu vực rừng này có chiều dài 56km, rộng 7.778 ha, gồm hai loại cây chủ yếu là mắm và đước. Bên cạnh đó, theo thống kê tỉnh có 895 hộ với 3.582 khẩu sống xung quanh khu vực rừng phòng hộ và sinh kế từ rừng. Trong đó, 670 hộ đang sống ở khu vực ven rừng, đầu kênh, ngoài đê biển Đông; 219 hộ đang sống trong thảm rừng phòng hộ được nhà nước giao khoán đất rừng để quản lý và bảo vệ rừng, 6 hộ đang cư trú bất hợp pháp trong rừng phòng hộ.
Rừng đặc dụng - phòng hộ Bạc Liêu đang được bảo vệ phát triển tốt
Những năm gần đây, công tác tuần tra, kiểm tra được triển khai thường xuyên, kết hợp với tuyên truyền công tác quản lý bảo vệ rừng. Từ đó, người dân sống trong rừng và ven rừng ngày càng nâng cao ý thức, cùng chung tay bảo vệ rừng. Đặc biệt, việc xây dựng có hiệu quả các mô hình sản xuất kết hợp với bảo vệ rừng đã giúp cho các hộ nhận giao khoán đất rừng có cuộc sống ngày càng được đảm bảo, rừng cũng được bảo vệ tốt hơn.
Theo đánh giá của các hộ nhận khoán đất rừng, với mô hình tôm - cua - cá dưới tán rừng, năng suất bình quân các loài thủy sản thu hoạch được từ 550 - 700kg/ha, các hộ thu lãi từ 50 - 100 triệu đồng/ha/năm. Bên cạnh hưởng lợi từ việc nuôi trồng, khai thác nguồn lợi thủy sản, các hộ nhận giao khoán đất rừng còn được hỗ trợ chi phí giao khoán bảo vệ với mức 450.000 đồng/ha/năm.
Mô hình nuôi tôm-cua-cá dưới tán rừng góp phần bảo vệ diện tích rừng cũng như ổn định sinh kế cho người dân sống tại vùng đệm
Để rừng phòng hộ ven biển Bạc Liêu ngày càng trở nên hấp dẫn hơn với du khách, chính quyền các địa phương ven biển của tỉnh đang nghiên cứu thành lập các hợp tác xã hoặc tổ quản lý với sự tham gia của các hộ dân. Theo đó, các hợp tác xã chịu trách nhiệm bảo vệ và quản lý rừng của các xã viên, kết nối với các đơn vị du lịch lữ hành thiết kế các tour du lịch phù hợp.
Công tác bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh Bạc Liêu đã có nhiều chuyển biến tích cực, khắc phục được tình trạng người dân chặt phá rừng. Tuy vậy, trên thực tế, việc bảo vệ rừng phòng hộ cũng có nhiều thách thức do nhu cầu sử dụng đất để nuôi trồng thủy sản. Môi trường sinh thái rừng chịu tác động thường xuyên và mạnh mẽ của gió, nước biển dâng. Tình trạng sạt lở, xâm thực đất rừng ven biển ngày càng phức tạp, đặc biệt là khu vực cửa biển Nhà Mát, Gành Hào.
Từ thực trạng đó, Ban Quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ ven biển Bạc Liêu đã đề xuất với Sở NN&PTNT tỉnh tham mưu UBND tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế và tổ chức xã hội tham gia đầu tư phát triển lâm nghiệp nhằm mục tiêu bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và cung cấp dịch vụ môi trường; góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống cho người làm nghề rừng và giữ vững an ninh, quốc phòng.
Theo Ban Quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ ven biển tỉnh, để công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả là phải cân bằng giữa lợi ích của người dân với mục tiêu bảo vệ diện tích rừng. Đơn vị thường xuyên kết hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng theo các quy định của pháp luật.
Cùng với đó, đơn vị quan tâm nghiên cứu trồng thử nghiệm một số loài cây bản địa có năng suất cao, cây đa tác dụng để vừa có tác dụng phòng hộ, vừa tạo ra nguồn thu nhập cho người dân. Phối hợp với các đơn vị có liên quan mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng rừng, nuôi trồng thủy sản kết hợp, xây dựng mô hình trình diễn lâm - ngư kết hợp tôm rừng.
Tuấn Kỳ
Bình luận