Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 11:01
Thứ ba, 17/01/2023 14:01
TMO - Tỉnh Đồng Tháp xác định vùng đất ngập nước giữ vai trò quan trọng trong bảo tồn đa dạng sinh học, vì vậy để bảo tồn, khai thác bền vững khu vực này cần nâng cao công tác quản lý nhà nước đối với vùng đất ngập nước, trong đó việc triển khai các biện pháp tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật cần được chú trọng thực hiện.
Hưởng ứng Ngày Đất ngập nước Thế giới (2/2) năm 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; các sở, ban, ngành Tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai và tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Đất ngập nước Thế giới ngày 02/02/2023 với chủ đề “Hãy phục hồi đất ngập nước ngay từ hôm nay – Hơn 35% diện tích đất ngập nước tự nhiên đã bị mất trong 50 năm qua. Lựa chọn, tiếng nói và hành động của bạn thúc đẩy xu hướng phục hồi đất ngập nước” trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp”.
Tổ chức tuyên truyền, phổ biến về giá trị và tầm quan trọng của các vùng đất ngập nước đối với sự sống của con người và thiên nhiên, tăng cường nhận thức về các mối đe dọa đối với hệ sinh thái đất ngập nước, đồng thời kêu gọi người dân cùng cam kết bảo vệ, sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, tăng cường quản lý, phục hồi đất ngập nước. và nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của các vùng đất ngập nước đối với tài nguyên nước, sự sống của con người và đa dạng sinh học. Tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật.
Các khu đất ngập nước tại tỉnh Đồng Tháp có tính đa dạng sinh học cao, cần được bảo vệ và khai thác bền vững.
Treo băng rôn, pa-nô, áp phích, khẩu hiệu tuyên truyền về chủ đề của ngày Đất ngập nước thế giới năm 2023 ở nơi công cộng, các tuyến đường chính, trụ sở cơ quan, những nơi đông người qua lại. Kêu gọi mọi người dân cùng cam kết bảo tồn, sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, có phương án phục hồi các vùng đất ngập nước bị suy thoái. Tiến hành các hoạt động truyền thông phù hợp, tổ chức lễ kỷ niệm, các cuộc thi, triển lãm hoặc phát động các phong trào gắn với chủ đề của ngày Đất ngập nước thế giới năm 2023. Tích hợp nội dung về bảo vệ giá trị đất ngập nước, quản lý, phục hồi và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước vào các chương trình, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển tại địa phương.
Đối với các đơn vị chủ quản các khu bảo tồn thiên nhiên, khu đất ngập nước trên địa bàn Tỉnh (Vườn Quốc gia Tràm Chim, Khu di tích lịch sử Xẻo Quít, Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, Khu di tích Gò Tháp): Tổ chức hoạt động truyền thông thiết thực nhằm tuyên truyền, phổ biến về tầm quan trọng của các vùng đất ngập nước; lồng ghép nội dung về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước vào các chương trình, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển của từng đơn vị.
Đẩy mạnh các giải pháp đầu tư vào bảo tồn, quản lý và phục hồi các vùng đất ngập nước để ngăn chặn các cuộc khủng hoảng khí hậu và đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh. Các tài liệu về ngày Đất ngập nước thế giới năm 2023, các hoạt động kỷ niệm ngày Đất ngập nước thế giới năm 2023 được đăng tải tại trang thông tin điện tử của Công ước Ramsar: https://www.worldwetlandsday.org.
Yêu cầu các sở, ngành Tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện tốt các hoạt động hưởng ứng, đảm bảo thiết thực, hiệu quả; báo cáo kết quả về Ủy ban nhân dân Tỉnh (thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường) đến hết ngày 28/02/2023. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường làm đầu mối, chịu trách nhiệm theo dõi việc thực hiện, tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân Tỉnh nắm, chỉ đạo kịp thời; đồng thời, tổng hợp kết quả thực hiện của các đơn vị, báo cáo Ủy ban nhân dân Tỉnh và Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định.
Hoạt động phát triển kinh tế cần gắn bó chặt chẽ với công tác bảo tồn tài nguyên tại các khu đất ngập nước.
Tỉnh Đồng Tháp có các khu bảo tồn, rừng thuộc hệ sinh thái ngập nước được bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học gồm: Vườn Quốc gia Tràm Chim (diện tích 7.313,03 ha), khu di tích Gò Tháp (279,6 ha) và khu di tích Xẻo Quít (63,61 ha). Ngoài ra, còn có Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng với diện tích 1.657 ha.
Công tác bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái đất ngập nước được tổ chức thực hiện nghiêm tại các khu rừng đặc dụng. Trong đó, Vườn quốc gia Tràm Chim thực hiện bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười, bảo tồn nguồn gen sinh vật, đặc biệt là các loài chim quý hiếm (Sếu đầu đỏ, Ngan cánh trắng, …). Khu di tích Xẻo Quít, Khu di tích Gò Tháp thực hiện bảo tồn những giá trị độc đáo về di tích văn hóa, lịch sử.
Hiện trạng cơ sở hạ tầng, sinh thái được bảo vệ và nâng cấp đáp ứng nhu cầu bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước kết hợp phát triển du lịch sinh thái rừng. Các hộ dân vùng đệm được hỗ trợ và tạo điều kiện tham gia khai thác du lịch nhằm phát huy trách nhiệm của cộng đồng trong việc góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học.
Trong kế hoạch bảo tồn các vùng đất ngập nước, thời gian tới tỉnh Đồng Tháp tiếp tục điều tra, đánh giá và xác lập chế độ bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước; Xác lập và quản lý các hoạt động trong phân khu chức năng của khu bảo tồn đất ngập nước; quản lý vùng đệm của khu bảo tồn đất ngập nước. Nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, đào tạo nhân lực cho bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước. Xây dựng chương trình nâng cao nhận thức về bảo vệ đa dạng sinh học nói chung và các hệ sinh thái đất ngập nước nói riêng. Xây dựng kế hoạch dài hạn về đầu tư phát triển vùng đệm của các khu bảo tồn và thực hiện mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình bền vững trong vùng đệm.
Lê Mai
Bình luận