Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 16:01
Thứ sáu, 11/10/2024 03:10
TMO - Nghề làm gốm Chu Ru của đồng bào dân tộc Chu Ru (tỉnh Lâm Đồng) hiện nay vẫn được bảo tồn, gìn giữ bởi những người con vùng cao nguyên đất đỏ, nhằm nối dài lịch sử nghề truyền thống lâu đời của tổ tiên để lại.
Lâm Đồng là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc sống lâu đời trên vùng đất Nam Tây Nguyên. Trong đó Krăng Gọ là vùng đất tụ cư của người Chu Ru, nơi đây còn lưu giữ nghề làm gốm thủ công truyền thống hàng nghìn năm. K’răng Gọ là tên một ngôi làng của người Chu Ru ở bên bờ sông Đa Nhim (xã Pró, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng). Vốn là tộc người khéo tay, người Chu Ru đã sớm nổi tiếng khắp vùng với những sản phẩm tinh xảo của nghề làm gốm, làm bạc… Nhưng có thể nói nghề gốm mới đem lại sự thịnh vượng cho người dân Chu Ru tại huyện Đơn Dương.
Nghề làm gốm của người Churu tuy không dùng nhiều sức lực và không cần nhiều người tham gia, nhưng đòi hỏi sự khéo léo, thường chủ yếu do phụ nữ đảm nhận. Các sản phẩm gốm chủ yếu để phục vụ cho đời sống hàng ngày, như chum, vại, chóe, nồi đất, bát đất… Khi làm gốm, họ phân chia công việc cụ thể đàn ông lo gùi đất, kiếm củi, đốt lửa nung, còn phụ nữ thì sàng đất, nhào đất, nặn gốm. Nghề làm gốm thường được tổ chức theo hộ gia đình đơn lẻ, cũng có khi vài gia đình có quan hệ họ hàng cùng nhau làm.
Nghề làm gốm của người Churu chủ yếu do phụ nữ đảm nhận.
Các công đoạn làm gốm được người Churu chuẩn bị rất tỉ mỉ. Đất sét là nguyên liệu chính để làm nên sản phẩm gốm. Họ quan niệm, nếu thân tâm không trong sạch thì sẽ bị thần linh quở trách và các sản phẩm gốm làm ra sẽ bị xấu và nứt vỡ. Các công đoạn làm gốm của người Chu Ru gồm có lấy đất, phơi đất, giã đất, sàng đất, nhào đất, làm gốm mộc, phơi khô và đem nung.
Cụ thể, đất sét sau khi lấy về sẽ được phơi khô, giã nhỏ bằng chày, dùng rổ tre sàng qua 2 - 3 lần để loại bỏ tạp chất và giữ lại phần đất mịn. Sau đó, họ đổ nước vào nhào trộn cho đến khi đất sét dẻo mịn vừa phải. Người thợ gốm sẽ đặt khối đất vừa nhào kỹ lên một bàn gỗ cố định, mà không dùng bàn xoay như cách làm gốm thông thường. Dụng cụ chế tác gốm của người Chu Ru khá đơn giản, gồm có Knu (một chiếc vòng bằng tre hoặc thiếc), Tanạp (miếng gỗ nhỏ), Playcanh (trái trám rừng) và Suté (miếng vải).
Đôi bàn tay tỉ mỉ, khéo léo của người Chu Ru tạo nên những sản phẩm gốm khác biệt.
Đất sét lúc đầu được người thợ nắn bằng tay, tạo thành dải dài giống hình con lươn lượn tròn. Tay trái đỡ bên trong, tay phải cầm Tanạp đập bên ngoài, người thợ sẽ tạo hình sản phẩm sao cho thật cân xứng. Họ dùng Knu để làm nhẵn sản phẩm cả bên trong lẫn mặt ngoài. Sau cùng, người thợ đánh bóng sản phẩm gốm bằng Suté và Playcanh.
Sản phẩm gốm Chu Ru hoàn thiện có độ âm vang khác biệt các sản phẩm gốm của các địa phương khác.
Sau khi hoàn thành, gốm Chu Ru có tiếng vang rất lạ so với gốm những nơi khác. Khi gõ vào tiếng vang rất thanh và xa, nghe như tiếng vang của kim loại, chứ không phải tiếng vang của đất nung. Chính chất đất ở K’răng Gọ, đã tạo cho tiếng vang của gốm trở nên đặc biệt. Gốm làm từ loại đất này, càng nung càng chắc, càng bền đẹp.
Trước kia khi kinh tế còn khó khăn, các sản phẩm gốm thường được người Chu Ru đem đi các vùng lân cận để đổi lấy lương thực. Ngày nay, với sự xuất hiện của các loại đồ nhựa, gang, inox, thủy tinh…, đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng và màu sắc, các sản phẩm gốm của người Chu Ru đã dần vơi bớt. Tuy nhiên, một số nghệ nhân đồng bào Chu Ru nơi đây đang nỗ lực “thắp lửa” nhằm phục dựng và phát triển nghề gốm truyền thống của tổ tiên.
Du khách tham quan, tìm hiểu về nghề làm gốm Chu Ru truyền thống.
Với những giá trị văn hoá, lịch sử truyền thống, đồng thời thực hiện Quyết định số 1776 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng về việc triển khai Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022 - 2030, Bảo tàng Lâm Đồng đã nỗ lực gìn giữ, thông qua những không gian trưng bày, phục dựng hay qua các cuộc triễn lãm trong và ngoài tỉnh về các sản phẩm gốm Chu Ru, nhằm giới thiệu đến đông đảo công chúng nét văn hóa truyền thống độc đáo về nghề làm gốm truyền thống của người Chu Ru. Đây cũng là hướng đi phù hợp để bảo tồn giá trị lịch sử của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch địa phương.
Thanh Hà
Bình luận