Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 24/01/2025 19:01
Thứ bảy, 10/02/2024 15:02
TMO - Tết Nguyên đán là ngày lễ truyền thống lớn nhất, lâu đời nhất của dân tộc Việt Nam. Đây là dịp đoàn viên của những người con xa quê, là cơ hội để gia đình sum họp, người thân, bạn bè gặp mặt, cùng chúc nhau những điều tốt đẹp trong năm mới.
Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách lớn về “tam nông” (nông nghiệp, nông dân, nông thôn), phát động những cuộc vận động, các phong trào thi đua có ý nghĩa, có sức lan toả sâu rộng, như phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, Phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa… hướng đến mục tiêu xây dựng làng quê trù phú, giàu đẹp, tiến bộ, văn minh, hạnh phúc.
Theo TS. Nguyễn Huy Phòng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), với sự đồng lòng, quyết tâm của các cấp uỷ đảng, chính quyền và người dân đã đem đến cho các làng quê, nhất là những vùng miền khó khăn luồng sinh khí mới với diện mạo đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Về nhiều làng quê, nhất là vào dịp Tết đến xuân về sẽ cảm nhận rõ sự đổi thay với quanh cảnh làng mạc, xóm làng được trang hoàng đẹp mắt; đường làng ngõ xóm sáng - xanh - sạch - đẹp với những con đường hoa, những bức tranh bích hoạ, những tấm pa nô, khẩu hiệu đẹp mắt, tạo không gian trong lành, thân thiện, chứa đựng những thông điệp nhân văn, tốt đẹp; đó còn là hình ảnh của những ngôi nhà vườn, nhà truyền thống đan xen với những ngôi nhà có kiến trúc hiện đại, sang trọng…, tạo nên bức tranh quê với những gam màu tươi sáng.
Hoa đào - nét đặc trưng ngày Tết của người dân miền Bắc.
Trong những thập kỷ gần đây, bối cảnh xã hội, thời đại có những chuyển biến nhanh, mau lẹ với nhịp sống đô thị hiện đại, quá trình hội nhập toàn cầu, sự phát triển của khoa học, kỹ thuật, internet, mạng xã hội, cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đã tác động lớn đến suy nghĩ, lối sống của cư dân nông nghiệp. Bối cảnh mới cũng mang lại cho không khí Tết cổ truyền những hương vị mới mà nhiều gia đình, làng xóm, khu phố đã có sự thích ứng linh hoạt với sự kết hợp hài hoà giữa những yếu tố truyền thống và hiện đại, tức là vẫn giữ được những nét đẹp của văn hóa cổ truyền, đồng thời không ngừng cải biến, đổi thay những yếu tố, những giá trị đã trở nên bất cập, lạc hậu; tiếp biến những giá trị mới theo hướng văn minh, hiện đại. Với nhiều bạn trẻ hiện nay, Tết đến, họ không chỉ dành sự quan tâm đến việc “ăn Tết” mà còn chú ý, dành nhiều thời gian cho việc “chơi Tết”, “thưởng Tết”, du xuân.
Tuy nhiên bối cảnh mới, nếp nghĩ mới của không ít người cũng đã và đang tác động trái chiều đến Tết cổ truyền. Là nước nông nghiệp nên vào dịp xuân về có hàng trăm lễ hội được tổ chức, diễn ra ở khắp mọi vùng miền, có lễ hội kéo dài suốt 3 tháng. Việc đón Tết cổ truyền diễn ra trong nhiều ngày, cùng với tâm lý “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” có thể gây lãng phí, tốn kém về tiền bạc, thời gian, làm chậm nhịp phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, mặt trái của nền kinh tế thị trường, tác động xấu của những luồng tư tưởng ngoại lai, các phương tiện truyền thông mới khiến không ít bạn trẻ hờ hững, thiếu mặn mà, quan tâm tới Tết. Với họ Tết cổ truyền là cổ hủ, nhiều nghi lễ thủ tục rườm rà, vì thế Tết là dịp để họ “giải phóng cá nhân” bằng những chuyến đi chơi xa cùng bạn bè thân hữu.
Cuộc sống số, xã hội số khiến không ít người lệ thuộc vào công nghệ, mải mê trong thế giới ảo với những mối quan hệ phức tạp mà lánh xa những giá trị văn hóa cổ truyền, hờ hững với cuộc sống thực tại. Họ “họp chợ”, mua bán mặt hàng Tết trên mạng, cúng Tết online, livestream, xem bói, gieo quẻ trên những trang facebook cá nhân. Phương tiện truyền thống có thể mang lại những hiệu ứng tốt trong chia sẻ thông tin, hình ảnh nhưng sự thái quá, nhất thời cùng những phát ngôn thiếu chín chắn của một số bạn trẻ về văn hóa truyền thống đang góp phần là nhạt đi không khí của Tết cổ truyền.
Khi cuộc sống vật chất đủ đầy, người nhiều học đòi, mắc bệnh sĩ, thích khoe khoang, đề cao lợi ích vật chất nên dịp Tết trở về quê hương cũng là cơ hội để họ thể hiện sự giàu sang, kênh kiệu, “phú quý sinh lễ nghĩa”. Đồng thời dịp Tết cũng là thời điểm mà các loại hình mê tín dị doan, bói toán nở rộ; là sự biến tướng của những trò chơi cá cược, ăn thua; là tình trạng tai nạn giao thông gia tăng do sử dung rượu bia quá mức… Những hành vi phản cảm ấy làm mất đi nét đẹp văn hóa truyền thống mà cha ông dày công gây dựng.
Đặc biệt những năm gần đây, dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã tác động lớn đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có những sinh hoạt của người dân khi đón Tết cổ truyền. Với nhiều gia đình khó khăn, gia đình công nhân, gia đình ở vùng sâu, vùng xa, dịch bệnh đã tác động xấu đến cuộc sống mưu sinh, đến thu nhập hàng ngày; đến sự an toàn sức khoẻ, tính mạng, với những lo lắng, băn khoăn, những trăn trở, suy tư về cuộc sống hiện tại và tương lai. Dịch bệnh khiến nhiều gia đình không thể đoàn viên, sum vầy, nhiều gia đình chịu mất mát, đau thương. Nhưng từ thảm hoạ đó, mỗi người sẽ càng trân quý hơn cuộc sống bình thường tràn ngập tình thương yêu đồng loại, tình làng xóm láng giềng, tình anh em ruột thịt, nghĩa đồng bào, vai trò của gia đình, quê hương, đất nước. Đó cũng chính là động lực, là niềm tin mãnh liệt thôi thúc mỗi cá nhân phải hành động tích cực, sống có ý nghĩa, trách nhiệm, cống hiến, lan toả những yêu thương, không ngừng quan tâm, giúp đỡ, sẻ chia với những phận đời kém may mắn, thắp sáng niềm tin, hy vọng và những giá trị cao đẹp cho cộng đồng, xã hội.
Tết đến xuân về, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, mỗi cá nhân đều trào dâng trong tim những cảm xúc mãnh liệt với nỗi nhớ, niềm mong được trở về quê hương, làng xóm, với đất nước, Tổ quốc thân yêu để biết ơn tổ tiên, nguồn cội; để tìm lại những kí ức đẹp đẽ tuổi thiếu thời, để được đáp đền công ơn dưỡng dục, sinh thành của ông bà, cha mẹ; để gặp lại những người thân yêu nhất; để nghe tiếng quê hương; thưởng thức hương vị Tết quê nhà. Trở về với Tết là để trải nghiệm không khí xuân với những giá trị văn hóa tinh thần tốt đẹp để sống và cống hiến ngày càng tốt hơn cho dân tộc, đất nước.
“Văn hóa còn thì dân tộc còn”, văn hóa là sự lắng đọng, kết tinh tình cảm, trí tuệ, phẩm chất, tâm hồn bao thế hệ người dân nước Việt mà những sinh hoạt, thực hành trước, trong và sau Tết cổ truyền là những biểu hiện sinh động, phong phú, đặc sắc nhất. Gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của Tết cổ truyền sẽ tạo nền tảng tinh thần vững chắc, cổ vũ, động viên mỗi người không ngừng cố gắng vươn lên, cùng chung sức đồng lòng thực hiện thành công khát vọng xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.
HUỆ XUÂN
Bình luận