Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 21/02/2025 22:02
Thứ bảy, 08/02/2025 06:02
TMO - Công viên địa chất non nước Cao Bằng với khoảng 130 điểm di sản địa chất đa dạng, độc đáo, bao gồm các điểm di sản hóa thạch, trầm tích biển, đá núi lửa, khoáng sản, …, trong đó có nhiều cảnh quan đẹp nổi tiếng, đã trở thành nguồn tài nguyên du lịch nổi bật của tỉnh Cao Bằng. Việc đẩy mạnh bảo tồn, phát huy các giá trị di sản địa chất là hướng đi góp phần phát triển du lịch hiệu quả.
Non nước Cao Bằng được biết đến là vùng đất linh thiêng, là một trong những cái nôi của người tiền sử, vùng đất chứa đựng nhiều di sản địa chất, địa mạo, cổ sinh với nhiều điểm di sản địa chất độc đáo, trong đó chứa nhiều di sản có giá trị tầm cỡ quốc tế với nhiều minh chứng khoa học về lịch sử phát triển địa chất phức tạp kéo dài đến hơn 500 triệu năm.
Công viên địa chất Non nước Cao Bằng bao gồm hơn 200 điểm di sản độc đáo, phản ánh lịch sử hình thành hơn 500 triệu năm của trái đất, bao gồm toàn bộ diện tích của thành phố Cao Bằng và các huyện: Quảng Hòa, Trùng Khánh, Hạ Lang và một phần diện tích các huyện Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình, Thạch An, với diện tích hơn 3.683km2. Đến nay, trong Công viên địa chất UNESCO Non nước Cao Bằng đã hình thành 4 “tuyến đường trải nghiệm”, mang lại cho du khách nhiều lựa chọn để tham quan, khám phá, trải nghiệm.
Trong đó, tuyến du lịch cụm phía bắc "Hành trình về nguồn cội", là tuyến du lịch tập trung ở 2 huyện Hòa An và Hà Quảng - miền đất có nhiều giá trị di sản văn hóa, lịch sử tiêu biểu cho truyền thống đấu tranh giữ nước, bảo vệ nền độc lập tự do của dân tộc.
Điểm nhấn của tuyến này là Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó cùng các dấu ấn trong quá trình hoạt động cách mạng từ năm 1941-1944 của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Khu di tích Lịch sử Kim Đồng. Với quyết tâm, nỗ lực bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, cuối năm 2018, Non nước Cao Bằng được UNESCO vinh danh là Công viên địa chất (CVĐC) Toàn cầu, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong hành trình bảo tồn và khai thác tiềm năng di sản, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế của địa phương.
Chỉ riêng trong vùng CVĐC chứa đựng trên 130 điểm di sản địa chất quý giá như dấu tích hóa thạch cổ sinh, trầm tích biển, đá núi lửa, khoáng sản, ranh giới phân vị địa chất, đứt gãy... với các dạng địa hình, cảnh quan đá vôi phong phú, đa dạng như các tháp đá, nón, hang động, thung lũng, các sông hồ, hang ngầm… phản ánh chu kỳ tiến hóa karst kéo dài hàng trăm triệu năm.
Không chỉ là nơi lưu giữ ký ức địa chất mà còn là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, gắn liền với những di tích lịch sử tiêu biểu cho công cuộc đấu tranh giữ nước, bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc như đền vua Lê, đền Dẻ Đoóng, Khu di tích lịch sử Kim Đồng, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó cùng các dấu ấn trong quá trình hoạt động cách mạng từ năm 1941 - 1944 của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Một góc CVĐC Non nước Cao Bằng (Ảnh: INSIDER).
Trước những giá trị to lớn từ Công viên địa chất Non nước Cao Bằng mang lại, chính quyền và người dân tỉnh Cao Bằng luôn nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Công tác xây dựng và phát huy danh hiệu CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng được thực hiện đảm bảo theo các tiêu chí và 6 khuyến nghị của chuyên gia UNESCO.
Tỉnh xây dựng các chương trình, nội dung tuyên truyền, nâng cao nhận thức nhân dân về bảo vệ và phát huy giá trị CVĐC, phát triển du lịch bền vững, hợp tác quốc tế… với nhiều hoạt động đa dạng, hiệu quả. Tổ chức tập huấn, hội thảo, khảo sát thực địa nâng cao năng lực, tuyên truyền, giáo dục về CVĐC cho cá nhân, cộng đồng dân cư, đối tác CVĐC. Nổi bật là công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, từ đó thay đổi hành vi tham gia các hoạt động bảo vệ và phát huy các giá trị di sản CVĐC.
Dưới sự tư vấn của chuyên gia UNESCO, tỉnh xây dựng 4 tuyến du lịch trải nghiệm kết nối 57 điểm di sản, đối tác với các tuyến, mang tên gọi “Khám phá Phja Oắc - Vùng núi của những đổi thay”, “Hành trình về nguồn cội”, “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên”, “Một thời hoa lửa”. Các điểm di sản xây dựng các biển, bảng quảng bá, chỉ dẫn, biển thông tin, bãi đỗ xe, pano checkin… thu hút đông đảo người dân và du khách.
Bên cạnh đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai nhiều chương trình đảm bảo cảnh quan và khoanh vùng bảo vệ các điểm di sản, thực hiện bàn giao sản phẩm của Dự án “Khoanh vùng di sản và đề xuất phương án bảo tồn, phát huy giá trị tổng thể các loại hình di sản trong CVĐC Non nước Cao Bằng”.
Thông qua việc thực hiện các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học về sưu tầm, nghiên cứu các giá trị văn hóa, văn học nghệ thuật dân ca, dân nhạc, dân vũ và các dự án về phát triển du lịch tại tỉnh, đặc biệt là trong phạm vi CVĐC, như sưu tầm, nghiên cứu các làn điệu Dá Hai, nghệ thuật hát Then, đàn tính, dân ca, dân vũ của người Sán Chỉ, Dao Đỏ…; phục dựng các lễ hội: Lễ hội Nàng Hai, nghiên cứu nghi lễ đám cưới của người Lô Lô; Dự án bảo tồn làng văn hóa truyền thống dân tộc Tày xóm Khuổi Ky, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh)…
Công tác phát triển mạng lưới đối tác CVĐC, cải thiện sinh kế cho cộng đồng dân cư gắn với quản lý và bảo tồn di sản được các cấp, ngành quan tâm đẩy mạnh. Hạ tầng cơ sở được quan tâm đầu tư, kinh tế du lịch phát triển mạnh, các ngành nghề, dịch vụ tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở được quan tâm lãnh đạo triển khai thực hiện đạt những kết quả tích cực. Đến nay, toàn tỉnh có 100% xóm, bản, tổ dân phố xây dựng, rà soát, sửa đổi quy ước, hương ước trình cấp có thẩm quyền phê duyệt;... Năm 2024, toàn tỉnh có trên 85% hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa, trên 80% xóm, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa. Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cao Bằng cho biết, kết hợp giữa bảo tồn và phát triển kinh tế vùng, Sở đẩy mạnh phát triển, cung cấp các loại hình dịch vụ du lịch gắn với bảo vệ môi trường.
Thác Bản Giốc.
Đồng thời bảo tồn, tôn tạo cảnh quan tại điểm di sản, khuyến khích người dân địa phương tham gia bán sản phẩm địa phương gần điểm di sản và thực hiện công tác đảm bảo vệ sinh môi trường; giới thiệu thông tin về điểm di sản cho du khách có thể triển khai tại các điểm di sản Mắt Thần núi, san hô cổ Lang Môn, Bazan cầu gối đèo Mã Phục…
Chú trọng phát triển nghề thủ công truyền thống, thực hiệc các hoạt động chia sẻ lợi ích cộng đồng, cải thiện sinh kế và xây dựng hạ tầng cơ sở thúc đẩy các hoạt động phát triển du lịch bền vững. Đặc biệt là huy động sự tham gia trực tiếp của người dân cư bản địa sinh sống tại khu vực nơi có điểm di sản trong việc bảo vệ và phát huy các điểm di sản địa chất vùng CVĐC Non nước Cao Bằng. Việc bảo vệ và khai thác các giá trị di sản địa chất, địa mạo cảnh quan cùng các giá trị về văn hóa, lịch sử, đa dạng sinh học góp phần quan trọng trong phát triển du lịch bền vững, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu và tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.
Việc bảo vệ và khai thác các giá trị di sản địa chất, địa mạo cảnh quan cùng các giá trị về văn hóa, lịch sử, đa dạng sinh học góp phần quan trọng trong phát triển du lịch bền vững, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu và tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội của tỉnh Cao Bằng phát triển.
Phát triển du lịch vùng CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng là yếu tố quan trọng trong Quy hoạch tỉnh Cao Bằng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để phát triển dịch vụ du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Việc thúc đẩy vai trò cộng đồng là chủ thể trong công cuộc bảo tồn và phát triển trong khu vực đã thể hiện bao quát, đầy đủ hướng đi chủ đạo của tỉnh nhằm phát triển du lịch bền vững, thân thiện và hài hòa với môi trường, tài nguyên tự nhiên và nhân văn.
Ánh Dương
Bình luận