Hotline: 0941068156
Thứ năm, 13/02/2025 22:02
Chủ nhật, 09/02/2025 06:02
TMO - Việt Nam hiện đang bảo tồn và lưu giữ hơn 80.000 nguồn gen đặc hữu, quý hiếm. Đây là nguồn vật liệu vô cùng quý, phục vụ cho công tác chọn tạo, lai tạo các giống mới có năng suất, chất lượng tốt, giá trị cao hơn. Đặc biệt nhiều loại hoa lan quý hiếm đã được bảo tồn thành công. Lan Ngọc Điểm (Rhynchostylis gigantea L.) là một trong những loài phong lan bản địa quý của Việt Nam đã được nhóm các nhà khoa học thuộc Trung tâm Công nghệ Sinh học TPHCM thực hiện thành công quy trình bảo tồn lưu trữ nguồn gen.
Việt Nam xếp thứ 14 trên thế giới về các quốc gia có mức độ đa dạng sinh học với nhiều loài động, thực vật, trong đó nhiều loài (chiếm khoảng 6,5% số loài có trên thế giới) có giá trị sử dụng cao trong phạm vi quốc gia và quốc tế. Thống kê hiện nay, Việt Nam có khoảng 62.600 loài sinh vật đã được xác định, trong đó hơn 20.000 loài thực vật trên cạn và dưới nước; 3.500 loài động vật không xương sống và cá nước ngọt; 1.932 loài động vật có xương sống trên cạn và hơn 11.000 loài sinh vật biển...
Trong bối cảnh hiện nay, biến đổi khí hậu trở nên nghiêm trọng hơn và ngày càng tác động tiêu cực, gây xói mòn, mất mát tài nguyên di truyền, vì thế vấn đề bảo tồn và khai thác, sử dụng bền vững nguồn gen càng trở nên cấp thiết. Sau gần 10 năm triển khai, Việt Nam đã bảo tồn, lưu giữ được hơn 80.000 nguồn gen đặc hữu, quý hiếm (bao gồm cả nguồn gen địa phương của Việt Nam và nguồn gen nhập từ bên ngoài). Đây là nguồn vật liệu vô cùng quý, phục vụ cho công tác chọn tạo, lai tạo các giống mới có năng suất, chất lượng tốt hơn, giá trị cao hơn.
Việc bảo vệ nguồn gen lan Ngọc Điểm cũng theo đó được chú trọng triển khai thực hiện. Theo nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Công nghệ Sinh học TPHCM, lan Ngọc Điểm (Rhynchostylis gigantea L.) là một trong những loài phong lan bản địa quý của Việt Nam thuộc chi Ngọc Điểm (Rhynchostylis). Lan Ngọc Điểm thường nở vào mùa Xuân, trong dịp Tết cổ truyền của người Việt Nam. Chùm hoa rủ xuống, lâu tàn, hương thơm quyến rũ, lan tỏa nên loài lan này rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Sản xuất lan Ngọc Điểm không chỉ phục vụ các nhu cầu giải trí, thưởng thức cái đẹp của con người, mà còn tạo ra nguồn lợi kinh tế quan trọng. Theo các chuyên gia về lan, nghề trồng lan đã đem lại lợi nhuận không nhỏ cho người dân.
Hoa lan Ngọc Điểm có màu sắc đẹp, được người dân ưa chuộng.
Một cây lan Ngọc Điểm trưởng thành có giá từ 300.000 - 500.000 đồng. Với diện tích 1.000 m2 có thể trồng được 10.000 chậu, giả sử chỉ 50% số cây bán được, sau khi trừ chi phí cũng thu được lợi nhuận khoảng hơn 1 tỷ đồng. Hiện nay, những khu rừng nguyên sinh thuộc các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Khánh Hòa, Bình Phước… đã bị người dân xâm nhập và săn lùng hàng trăm chủng loại lan bản địa đem về bán với giá dao động từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng/kg. Hiện tại, lan Ngọc Điểm không còn được buôn bán tràn lan trên thị trường và việc tìm mua những loài Ngọc Điểm bản địa trở nên khó khăn vì đã bị khai thác cạn kiệt. Để ngăn chặn nguy cơ biến mất loài lan quý, nhóm nghiên cứu tập trung triển khai công tác bảo tồn chuyển chỗ.
Đồng thời duy trì nhân nuôi sau đó đưa trả về nơi nguyên sinh để tiếp tục bảo tồn tại chỗ, đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu cho việc quản lý, giám sát lan Ngọc Điểm bản địa, cung cấp tài liệu phục vụ công tác nghiên cứu và tham khảo. Mục tiêu chung của nhiệm vụ là bảo tồn, nhân giống và phát triển loài lan Ngọc Điểm bản địa có giá trị kinh tế được thị trường ưa chuộng thuộc khu vực Khánh Hòa và Đắk Lắk. Nhóm nghiên cứu đã sưu tập được 105 cá thể lan Ngọc Điểm, trong đó có 30 cá thể lan Ngọc Điểm lai được tạo ra tại Trung tâm Công nghệ Sinh học TPHCM thuộc dòng BCH67 và BCH84; 75 cá thể lan Ngọc Điểm bản địa và sưu tập từ nước ngoài, bao gồm: 15 cá thể Ngọc Điểm Buôn Đôn, 15 cá thể Ngọc Điểm Hòn Hèo, 17 cá thể Ngọc Điểm Thái Lan, 10 cá thể Ngọc Điểm Lào và 18 cá thể Ngọc Điểm Campuchia.
Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, nhóm đã xác định được mối tương quan giữa các lan Ngọc Điểm bản địa tại Hòn Hèo (Khánh Hòa), Buôn Đôn (Đắk Lắk) với các dòng lan Ngọc Điểm lai và các mẫu lan Ngọc Điểm nhập nội dựa trên chỉ thị phân tử DNA barcode. Kết quả giải trình tự DNA vùng gen matK, atpF-atpH, ITS2 trên 24 mẫu lan với tỷ lệ thành công đạt 83,3 - 100%, đã đánh giá được mối quan hệ di truyền của các mẫu lan Ngọc Điểm thu thập dựa trên trình tự DNA vùng gen matK, atpF-atpH, ITS2. Nhóm nghiên cứu cũng hoàn thiện quy trình nhân giống in vitro lan Ngọc Điểm và áp dụng quy trình này tạo ra được 127 bình cụm chồi, nhân giống được 2.181 cây in vitro và 1.115 cây con ngoài vườn ươm.
Đồng thời hoàn thiện quy trình trồng và chăm sóc lan Ngọc Điểm giai đoạn hậu cấy mô. Quy trình nêu rõ các giai đoạn thực hiện; xác định được môi trường giá thể, dinh dưỡng thích hợp cho cây lan Ngọc Điểm hậu cấy mô sinh trưởng tốt; dễ hiểu, dễ áp dụng, đáp ứng nhu cầu thực tiễn sản xuất. Kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ đã góp phần bảo tồn và lưu giữ nguồn gen loài lan Ngọc Điểm bản địa quý hiếm, tiến tới chuyển giao cho các khu bảo tồn quốc gia để lưu giữ ở điều kiện ngoại cảnh phù hợp với yêu cầu sinh thái của loài lan Ngọc Điểm. Kết quả nhiệm vụ cũng giúp bổ sung vào bộ sưu tập lan rừng của Trung tâm Công nghệ Sinh học TPHCM các loài Ngọc Điểm quý hiếm, tạo nguồn gen phục vụ cho công tác nghiên cứu, sản xuất và lai tạo giống mới.
Nghiên cứu góp phần nhân nhanh số lượng cây giống lan Ngọc Điểm bản địa và Ngọc Điểm lai, giúp nhà vườn dễ dàng chủ động được nguồn cây giống, bố trí thời gian nuôi trồng hợp lý, giảm nhập khẩu cây giống từ nước ngoài, tiết kiệm chi phí đầu tư và hạ giá thành sản phẩm. Thành công trong quá trình nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học thuộc Trung tâm Công nghệ Sinh học TPHCM thực hiện thành công quy trình bảo tồn lưu trữ nguồn gen lan Ngọc Điểm góp phần mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế, đó là khai thác hợp lý nguồn tài nguyên phong lan để tiếp tục lai tạo, nhân giống, xuất khẩu, từ đó góp phần phát triển kinh tế, xã hội.
Thu Dung
Bình luận