Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 15:01
Thứ tư, 17/07/2024 08:07
TMO - Trong 6 tháng đầu năm 2024, An Giang đón tổng số 7 triệu lượt khách tham quan, du lịch; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 8.000 tỷ đồng.
An Giang là vùng đất duy nhất của 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long có núi giữa đồng bằng, sở hữu các giá trị tài nguyên du lịch văn hóa có tính hấp dẫn cao gắn liền với đời sống tôn giáo, tín ngưỡng và văn hóa của cộng đồng các dân tộc như Kinh, Khmer, Chăm và Hoa đã sinh sống lâu đời tại An Giang. Nhiều giá trị văn hóa tại An Giang có tính vượt trội nổi bật so với các địa phương khác trong vùng như tín ngưỡng thờ Bà Chúa Xứ Núi Sam (Châu Đốc); nền văn hóa cổ đại Óc Eo - Ba Thê (Thoại Sơn); khu tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng (Long Xuyên); khu di tích lịch sử Tức Dụp (Tri Tôn); Nhà mồ Ba Chúc (Tri Tôn).
Ngoài những tài nguyên du lịch văn hóa, An Giang còn có lợi thế về phát triển du lịch sinh thái đặc trưng như loại hình du lịch sông nước và du lịch nông nghiệp. Các điểm du lịch sinh thái như rừng tràm Trà Sư (mô hình rừng ngập nước tiêu biểu của vùng Tây sông Hậu), chợ nổi Long Xuyên, làng Chăm, cù lao Ông Hổ, cù lao Giêng và các điểm tham quan thuộc dãy Thất Sơn là những điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh hấp dẫn du khách gần xa.
An Giang có nhiều sản phẩm, quà tặng lưu niệm đa dạng phong phú dành cho du khách. Từ các sản phẩm gắn với các làng nghề truyền thống như: dệt Uzu, lụa Tân Châu, thổ cẩm Chăm, thổ cẩm Khmer, tranh lá thốt nốt cho đến các sản phẩm, đặc sản ẩm thực như: mắm, khô, đường thốt nốt, bánh bò Chăm, Tung lò mò… An Giang hiện có 2 khu du lịch, 1 khu du lịch cấp quốc gia là Khu du lịch quốc gia Núi Sam, 1 khu du lịch cấp tỉnh là Khu du lịch Núi Cấm và 14 điểm tham quan trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh có 95 khách sạn với hơn 2.700 phòng, trong đó có 1 khách sạn 4 sao, 6 khách sạn 3 sao, 7 khách sạn 2 sao và 23 khách sạn 1 sao.
Các khu du lịch sinh thái tại An Giang thu hút đông đảo du khách.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020 - 2025) xác định mục tiêu: “Khai thác mạnh mẽ lợi thế so sánh của địa phương trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế. Phát triển hài hòa giữa kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân. Đồng thời, xác định khâu đột phá: Đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp và du lịch”.
Trong những năm qua, du lịch An Giang có bước phát triển tích cực trong các lĩnh vực hoạt động lưu trú du lịch, lữ hành, tham quan du lịch. Cơ sở hạ tầng du lịch được quan tâm đầu tư, năng lực phục vụ khách du lịch ngày càng phát triển, từng bước đáp ứng đúng tiêu chuẩn của ngành và nhu cầu của khách du lịch. Hạ tầng giao thông đường thủy và đường bộ thuận tiện.
Bên cạnh đó, cơ chế chính sách thông thoáng, tạo điều kiện cho du lịch phát triển, khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh đầu tư vào các loại hình dịch vụ phụ trợ, phát triển sản phẩm du lịch. Năng lực và hiệu quả quản lý Nhà nước về du lịch được nâng lên rõ rệt. Hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch được quan tâm với nhiều hình thức phong phú, góp phần quảng bá hình du lịch địa phương. Nguồn nhân lựcdu lịch được cải thiện về số lượng và chất lượng, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, góp phần phát triển lĩnh vực thương mại - dịch vụ.
Bên cạnh phát triển hạ tầng giao thông, hơn 2 năm qua, tỉnh còn tập trung phát triển hạ tầng bưu chính, viễn thông, phát thanh - truyền hình… với công nghệ hiện đại có độ bao phủ rộng, băng thông lượng lớn, tốc độ cao đồng bộ với cơ sở hạ tầng, kỹ thuật của tỉnh. Chất lượng dịch vụ bưu chính, viễn thông ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ của người dân các vùng miền. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh và thu hút khách du lịch đến với An Giang.
Du khách tham gia Rừng tràm Trà Sư. Ảnh: KM.
Để tạo động lực phát triển ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, năm 2024, ngành du lịch An Giang phấn đấu đón 9 triệu lượt du khách đến các khu, điểm du lịch, điểm tham quan, trong đó, lượt khách lưu trú của các khách sạn đạt chuẩn và nhà nghỉ, nhà trọ ước đạt 800.000 lượt, 25.000 lượt khách quốc tế. Doanh thu từ hoạt động du lịch phấn đấu đạt 6.200 tỷ đồng. Để đạt mục tiêu trên, tỉnh đang triển khai thực hiện chương trình hành động về phát triển hạ tầng du lịch.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, An Giang đón tổng số 7 triệu lượt khách tham quan, du lịch; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 8.000 tỷ đồng. Theo UBND tỉnh An Giang, trước nhu cầu khách du lịch ngày càng tăng cao, tỉnh tiếp tục chú trọng liên kết phát triển du lịch, nâng cao chất lượng hoạt động thương mại, dịch vụ; đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý ngành du lịch và các cơ sở hoạt động du lịch; khuyến khích đa dạng hóa sản phẩm du lịch, gắn hoạt động du lịch với tuyên truyền văn hóa, truyền thống người An Giang và các hoạt động sinh thái; phát triển các tour tuyến du lịch; thay đổi tư duy làm du lịch từ số lượng sang chất lượng, hướng đến phát triển du lịch bền vững, thân thiện với môi trường.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm nay, tỉnh An Giang đã xây dựng Kế hoạch triển khai Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long năm 2024; tham dự Tọa đàm “Giải pháp khai thác sản phẩm du lịch Làng bè sắc màu ngã ba sông Châu Đốc”; tham gia các đoàn quảng bá, xúc tiến du lịch tại Thái Lan và Nhật Bản; Khai trương Cổng thông tin du lịch An Giang (checkinangiang.vn); quảng bá hình ảnh, thông tin du lịch tại các sự kiện ở Điện Biên, Sơn La, TP.HCM, Hà Nội, Phú Thọ, Tuyên Quang, Thái Nguyên...
Trong 6 tháng đầu năm nay, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh An Giang có nhiều điểm tích cực, số lượng khách du lịch duy trì ở mức cao, các dịch vụ ăn uống, lưu trú được mở rộng về quy mô và chất lượng, thu hút nhiều lượt khách lưu trú so với cùng kỳ. Mức chi tiêu bình quân chung của một lượt khách du lịch tại An Giang là 1.965.000 đồng.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện chương trình hành động về phát triển hạ tầng du lịch, gồm: Hạ tầng giao thông, thông tin; xúc tiến, quảng bá, phát triển du lịch; an ninh trât tự tại các khu, điểm du lịch; đào tạo nguồn nhân lực; khoa học và công nghệ. Qua đó, nhằm đẩy mạnh khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh, tạo bước đột phá phát triển toàn diện, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch... để An Giang trở thành một trong những trung tâm du lịch ở vùng ĐBSCL.
Tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công các dự án hạ tầng giao thông kết nối du lịch và các dự án thuộc lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh. Chuẩn bị, rà soát danh mục dự án thuộc lĩnh vực du lịch phù hợp Quy hoạch tỉnh, các chính sách ưu đãi mời gọi đầu tư, tăng cường thông tin, tuyên truyền, giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh, cơ hội đầu tư và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện các giải pháp tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Tổ chức triển khai, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch theo nghị quyết của HĐND tỉnh.
Ngọc Hà
Bình luận