Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 01:01
Thứ hai, 04/04/2022 20:04
TMO - Ngay từ đầu năm, huyện Yên Bình (Yên Bái) đã triển khai kế hoạch tới từng địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp trồng và chăm sóc rừng. Đồng thời, tăng cường cán bộ về cơ sở hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng. Năm 2022, huyện Yên Bình đặt mục tiêu trồng mới 3.500 ha rừng.
Hiện nay, huyện Yên Bình (Yên Bái) có trên 39.000 ha rừng và trên 4.000 ha đã được cấp chứng chỉ FSC tại các xã: Phú Thịnh, Thịnh Hưng, Tân Hương, Đại Đồng, Tân Nguyên, Bảo Ái, Cảm Ân và thị trấn Yên Bình. Năm 2022, huyện Yên Bình phấn đấu cấp chứng chỉ FSC cho trên 3.000 ha rừng trồng và trồng mới trên 3.500 ha, đạt tỷ lệ che phủ rừng 55%.
Tại xã Bảo Ái (huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái), để giúp nhân dân chủ động trồng rừng, ngay từ đầu năm, xã Bảo Ái phân bổ chỉ tiêu tới từng thôn, nhất là các thôn có diện tích đất rừng lớn như: Đoàn Kết, Ngòi Nhầu, Ngòi Mấy, Ngòi Ngù, Ngòi Ngần… với tổng diện tích trồng mới 260 ha.
Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Yên Bình hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng tại xã Tân Nguyên - Ảnh: Báo Yên Bái
Thông tin trước báo chí, ông Lê Trí Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Ái cho biết: "Để đảm bảo đạt diện tích rừng trồng, chúng tôi chủ động tuyên truyền để bà con chuẩn bị cây giống, phân bón, phát dọn thực bì chờ khi thời tiết thuận lợi sẽ trồng rừng”.
Cùng với đó, xã Bảo Ái phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Yên Bình phổ biến cho người dân cách lựa chọn cây giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc để cây phát triển tốt. Đến nay, Bảo Ái đã trồng mới trên 110 ha rừng vụ xuân và xã đang tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy nhanh tiến độ trồng và phấn đấu hoàn thành hoặc vượt chỉ tiêu huyện Yên Bình giao.
Anh Lê Văn Quang, thôn Ngòi Ngần, xã Bảo Ái chia sẻ: "Gia đình tôi có 10 ha rừng. Cuối năm 2021, tôi khai thác 2,5 ha và thu về trên 200 triệu đồng. Năm nay, tôi đăng ký trồng lại diện tích vừa khai thác theo tiêu chuẩn FSC (sản phẩm lâm nghiệp được sản xuất theo cách có trách nhiệm với môi trường và có lợi cho xã hội). Tuy quá trình chăm sóc rừng FSC tốn nhiều công sức, nhưng bù lại năng suất, chất lượng gỗ cao hơn, thu nhập tăng 15 - 20% so với trồng rừng truyền thống”.
Xã Đại Đồng cũng là một trong những địa phương có diện tích rừng sản xuất lớn của huyện Yên Bình và toàn xã hiện có 1.887 ha rừng trồng. Năm 2022, xã Đại Đồng được giao trồng mới 210 ha rừng và đến nay đã trồng mới được 100 ha, đạt 47% kế hoạch.
Có thể thấy, phong trào trồng rừng luôn được các cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện Yên Bình chú trọng. Do đó, diện tích rừng, nhất là rừng sản xuất tăng nhanh về số lượng, chất lượng; kế hoạch trồng rừng của cả năm đều được hoàn thành ngay từ vụ xuân.
Trong đó, năm 2021, huyện Yên Bình trồng mới được 3.250 ha, đạt 105% kế hoạch, tỷ lệ che phủ đạt 54,7%. Trồng rừng gỗ lớn, cấp chứng chỉ FSC được huyện Yên Bình quan tâm đẩy mạnh nhằm nâng cao giá trị cây lâm nghiệp, tạo việc làm, tăng nguồn thu nhập cho người làm nghề rừng.
Chia sẻ thông tin với báo chí, ông Nguyễn Tiến Dĩnh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Yên Bình cho biết: Ngay từ đầu năm, Hạt đã tham mưu với chính quyền các xã xây dựng kế hoạch trồng rừng tới các thôn; tích cực tuyên truyền, vận động nông dân, các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư trồng rừng, chăm sóc rừng. Bên cạnh đó, Hạt Kiểm lâm huyện cũng tăng cường cán bộ về xã hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng.
Các địa phương trong huyện cũng đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân về trồng rừng; chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cây giống, vật tư, nhân lực ra quân trồng rừng đúng kế hoạch. Đồng thời, tích cực bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng, khai thác rừng trái phép; khuyến khích người dân tham gia cơ cấu lại ngành lâm nghiệp theo hướng chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng, đưa kinh tế lâm nghiệp trở thành động lực quan trọng trong phát triển kinh tế bền vững.
Thiên Trường
Bình luận