Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 22/12/2024 09:12
Thứ năm, 19/12/2024 06:12
TMO - Nhằm bảo vệ và khai thác hợp lý nguồn lợi thuỷ sản trên hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái đã phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm về khai thác thủy sản; đồng thời duy trì triển khai các hoạt động thả, tái tạo nguồn lợi thủy sản, góp phần phát triển bền vững các loài thuỷ sản tại hồ Thác Bà.
Cùng với gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản cũng là một mũi nhọn của ngành chăn nuôi tỉnh Yên Bái với những bước tiến lớn cả về quy mô, năng suất và sản lượng. Khai thác được lợi thế diện tích mặt nước lớn, nhiều mô hình, giống cá giá trị cao đã được người dân Yên Bái đưa vào nuôi trồng.
Với lợi thế trên 19.000ha mặt nước hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái đã tập trung chỉ đạo phát triển thủy sản, tích cực mời gọi và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi cá lồng với quy mô lớn.
Hồ Thác Bà thuộc 2 huyện Lục Yên và Yên Bình. Tại huyện Yên Bình, toàn huyện có khoảng 300 hộ nuôi cá lồng bè, nuôi cá quây lưới với khoảng 2.000 lồng nuôi cá trên diện tích 230 ha mặt nước. Các loại cá chủ yếu được nuôi là lăng, diêu hồng, rô phi, ngạnh, cá bò, cá mè... Tổng sản lượng thủy sản toàn huyện Yên Bình hàng năm đạt 8.500 tấn.
Hồ Thác Bà đã trở thành nơi tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân sống trong khu vực. Hồ Thác Bà là một trong những hồ nước nhân tạo lớn, được hình thành khi xây dựng thủy điện Thác Bà vào năm 1970 với diện tích vùng hồ lớn trên 23.000 ha, diện tích mặt nước hơn 19.000ha. Hồ có nguồn lợi thủy sản phong phú với 130 loài cá tự nhiên có giá trị kinh tế như: Trắm, trôi, chép, mè, măng, ngão, quả, chiên, rô phi…
Để phát triển nguồn lợi thuỷ sản, trong thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ nguồn lợi luôn được chính quyền địa phương quan tâm, tuy nhiên do địa bàn rộng nên hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ chưa cao. Trong hoạt động khai thác thủy sản tự nhiên, người dân vẫn sử dụng các ngư cụ truyền thống để đánh bắt, vì vậy sản lượng khai thác không cao, đặc biệt vẫn còn tình trạng khai thác không kiểm soát và sử dụng các ngư cụ cấm như: Xung điện, lưới mắt nhỏ, vó đèn...gây mất cân bằng sinh học.
Những hạn chế đó gây ảnh hưởng đến khả năng tái tạo và phục hồi nguồn lợi thuỷ sản, dẫn đến nguồn lợi thuỷ sản trong hồ có nguy cơ bị suy giảm, cạn kiệt. Lãnh đạo Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái) cho biết, trung bình hàng năm tỉnh Yên Bái thả khoảng trên 5 tấn cá bổ sung nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản trong hồ Thác Bà.
Đồng thời, thực hiện công tác quản lý khai thác, tuyên truyền nâng cao nhận thức tới các tổ chức, cá nhân về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản của tỉnh. Trong phương án thả cá giống để phát triển vùng nguyên liệu tại hồ Thác Bà, hàng năm sẽ thả 1.000 tấn cá giống các loại. Đồng thời, sẽ thành lập các tổ chức cộng đồng tham gia quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại các thôn, xã vùng ven hồ Thác Bà.
Bên cạnh đó, tích cực tuyên truyền vận động người dân tự nguyện tham gia đảm bảo quyền lợi của người dân sinh sống bằng nghề khai thác thủy sản tự nhiên vùng ven hồ. Từ đó, phục hồi, duy trì và phát triển số lượng cũng như chất lượng các loài cá, đảm bảo sự phát triển bền vững đáp ứng nhu cầu khai thác lâu dài mà không làm suy giảm nguồn lợi thủy sản.
Nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà tạo sinh kế bền vững cho người dân sống trong khu vực. (Ảnh minh hoạ: TN).
Với những đặc điểm tự nhiên có hơn 1.300 đảo lớn nhỏ, diện tích và dung tích nước thay đổi theo mùa vụ và quy trình điều tiết nước của nhà máy thủy điện. Khi nước cạn sẽ tạo thành nhiều vùng bán ngập có diện tích tương đối lớn, từ đó các loài cỏ, cây thân thảo phát triển và người dân canh tác, trồng trọt các loại cây ngắn ngày như: sắn, ngô, đỗ, lạc, dưa....khi nước ngập các thảm thực vật sẽ bị chết, các thân cây tạo ra một lượng mùn bã hữu cơ trong lòng hồ. Đây là điều kiện lý tưởng cho các loài thủy sản sinh sống và phát triển.
Chính vì vậy, việc lựa chọn các giống cá phù hợp điều kiện và đặc điểm tự nhiên của hồ để thả nuôi tự nhiên mà không làm ảnh hưởng đến môi trường nước luôn được tỉnh Yên Bái và các ngành đặc biệt quan tâm. Hồ Thác Bà được biết đến là hồ chứa đa chức năng có vai trò trong nhiều lĩnh vực của đời sống và phát triển kinh tế.
Trong đó, có vai trò quan trọng trong việc cung cấp nước sinh hoạt cho người dân thành phố Yên Bái. Theo Lãnh đạo Chi cục Thủy sản tỉnh Yên Bái, trước khi các loài cá giống được thả trên hồ Thác Bà cơ quan tham mưu, cũng như cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực thủy sản đã xây dựng phương án và chọn đối tượng cá giống để thả.
Các loại cá được thả là cá trắm, cá chép, cá trôi và cá mè hoa đều có nguồn gốc và được kiểm dịch đầy đủ. Các giống cá được thả đều phù hợp với điều kiện tự nhiên và phương thức nuôi truyền thống tại địa phương.
Ngoài việc đem lại hiệu quả kinh tế các giống cá này còn làm sạch môi trường nước do nguồn thức ăn chính là động, thực vật phù du có sẵn trong hồ, không sử dụng nguồn thức ăn công nghiệp, thức ăn chế biến sẵn để chăm sóc, vì vậy môi trường nước được đảm bảo. Với các giống cá được thả, trong đó cá mè chiếm 70%, bởi đây là loại cá chỉ ăn động vật và thực vật phù du, đặc biệt loại cá này còn giúp lọc nước rất hiệu quả.
Đối với cá chép là loại cá ăn động vật đáy và bùn đáy hữu cơ, vì vậy cũng giúp cho môi trường nước được sạch hơn; cá trắm đen cũng là loại cá ăn các loài động vật nhuyễn thể như: Ốc, hến, trai, tôm…các loại thức ăn này đều có có sẵn trên hồ Thác Bà được các loại cá tận dụng tối đa và không có sự cạnh tranh của các loài cá với nhau. Việc thả cá giống để phát triển vùng nguyên liệu sẽ tạo ra chuỗi liên kết bền vững từ nuôi trồng, khai thác, chế biến, phân phối và tiêu thụ.
Thả cá giống để phát triển vùng nguyên liệu sẽ tạo ra chuỗi liên kết bền vững. (Ảnh minh hoạ).
Để làm được điều đó cần có sự phối hợp giữa ba bên: Doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước và người dân. Lãnh đạo UBND huyện Yên Bình cho biết, trong thời gian tới, huyện kiến nghị với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đảm bảo duy trì bền vững vùng cá nguyên liệu trên hồ.
Đồng thời kiến nghị đơn vị quản lý hồ Thác Bà phối hợp với chính quyền địa phương để thực hiện tốt công tác tuần tra, kiểm tra, ngăn chặn xử lý các đối tượng cố tình sử dụng các ngư cụ cấm như: Lưới mắt nhỏ, vó đèn, kích điện, một số hóa chất mang tính hủy diệt. Đồng thời, tích cực tuyên truyền nâng nhận thức của người dân về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trong hồ. Khi xây dựng được vùng nguyên liệu bền vững sẽ tạo ra thu nhập ổn định cho người dân sinh sống tại địa bàn các xã vùng ven của hồ Thác Bà.
Để thủy sản nuôi trồng tại hồ Thác Bà tiếp tục phát triển mạnh và bền vững trong những năm tới, tỉnh Yên Bái tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, các chính sách như cho vay vốn ưu đãi xây dựng hệ thống khuyến ngư từ tỉnh đến huyện và các cụm dân cư; Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, đa loài, đa đối tượng; chú trọng nhiều hình thức nuôi thâm canh, bán công nghiệp.
Đồng thời đẩy mạnh phát triển các đối tượng nuôi có hiệu quả kinh tế cao, triển khai thực hiện tốt công tác giống, khuyến ngư, kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo nuôi trồng thuỷ sản phát triển an toàn dịch bệnh và bền vững; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường công tác quản lý bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản trên hồ Thác Bà.
Phương Thảo
Bình luận